Giáo viên Hà Nội hỗ trợ dạy Tiếng Anh cho vùng cao

GD&TĐ - Từ đầu năm học, Hà Nội đã tổ chức 632 tiết dạy học trực tuyến cho học sinh của 17 trường vùng cao của tỉnh Yên Bái.

Giáo viên Hà Nội hỗ trợ học sinh Yên Bái học tiếng Anh. Ảnh: NTCC
Giáo viên Hà Nội hỗ trợ học sinh Yên Bái học tiếng Anh. Ảnh: NTCC

Giáo viên nhiệt tình hưởng ứng

Từ tháng 2/2024, giáo viên dạy Tiếng Anh của Trường THCS Thái Thịnh (quận Đống Đa, Hà Nội) bắt đầu các buổi dạy trực tuyến cho học sinh vùng cao Yên Bái. Mặc dù kín lịch dạy (19 tiết/tuần), nhưng các thầy cô vẫn thu xếp thời gian dạy học, hỗ trợ học trò.

Cô Bùi Ngọc Hà - giáo viên Trường THCS Thái Thịnh cho biết, đầu tháng 2, cô được nhà trường giao dạy học trực tuyến cho học sinh Trường Tiểu học & THCS Suối Giàng (huyện Văn Chấn, Yên Bái). Đây là hoạt động ý nghĩa với học trò vùng cao nên các thầy cô trong trường nhiệt tình hưởng ứng.

Cô Hà cho rằng, học sinh huyện Văn Chấn nói riêng và miền núi nói chung còn khó khăn trong học tập, nhất là môn Tiếng Anh, Tin học. Tuy nhiên, các em hoàn toàn có khả năng tiếp thu kiến thức, nâng cao chất lượng học tập nếu được tiếp cận nguồn học liệu phong phú từ thầy cô trong cả nước.

Thầy Lê Văn Văn - Tổ trưởng bộ môn Tiếng Anh, Trường THCS Mai Dịch (quận Cầu Giấy) cho biết, phong trào giáo viên Hà Nội tình nguyện dạy tiếng Anh cho các tỉnh vùng cao được nhiều thầy cô hưởng ứng. Không chỉ ở Yên Bái, giáo viên Hà Nội đã tổ chức nhiều buổi dạy học trực tuyến cho học sinh trường vùng cao trong cả nước.

Trước đó, vượt qua quãng đường hàng trăm cây số, thầy Lê Văn Văn đã đến Trường THCS Đông An (huyện Văn Yên, Yên Bái) để thăm, làm quen với thầy, cô giáo, học sinh và dạy trực tiếp một số giờ. Trong buổi gặp gỡ này, thầy hiểu thêm về điều kiện học tập cùng hoàn cảnh gia đình các em.

Từ đầu tháng 2, cô Nguyễn Thị Ly Nga - giáo viên Trường THPT Phúc Thọ (huyện Phúc Thọ) triển khai dạy học trực tuyến cho học sinh lớp 7A, Trường PTDTBT THCS Phong Dụ Thượng (huyện Văn Yên, Yên Bái).

Lớp có 42 học sinh, cơ sở vật chất thiếu thốn, hầu hết nói tiếng phổ thông chưa thạo nên việc triển khai gặp nhiều khó khăn. Để nâng cao chất lượng dạy học, cô đề xuất dạy bổ trợ kiến thức cho học sinh yếu kém của trường trong thời gian tới.

Thầy Lê Văn Văn và học sinh lớp 7B, Trường THCS Đông An (huyện Văn Yên, Yên Bái). Ảnh: NTCC

Thầy Lê Văn Văn và học sinh lớp 7B, Trường THCS Đông An (huyện Văn Yên, Yên Bái). Ảnh: NTCC

Chia sẻ kinh nghiệm dạy học

Ông Trần Thế Cương - Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, từ đầu năm học 2023 - 2024, sở đã cử 285 giáo viên tham gia dạy học trực tuyến cho tỉnh Yên Bái, trong đó có 255 giáo viên được bồi dưỡng tại Australia và 30 giáo viên thuộc Trường THCS & THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm (quận Cầu Giấy) và Trường Tiểu học, THCS & THPT Nguyễn Siêu (quận Cầu Giấy). Các giáo viên có chứng chỉ IELTS từ 6.5 trở lên.

Để giờ học đạt hiệu quả, Sở GD&ĐT Yên Bái đã cử 118 giáo viên tham gia trợ giảng, hỗ trợ giáo viên Hà Nội trong dạy học trực tuyến cho từng lớp; thường xuyên nắm bắt tình hình, tiến độ triển khai theo tuần, kịp thời trao đổi với bộ phận chuyên môn của Sở GD&ĐT Hà Nội để có hướng dẫn phù hợp với từng đơn vị.

Các nhà trường cũng chủ động liên hệ, thường xuyên trao đổi với giáo viên Hà Nội được phân công dạy học trực tuyến để thống nhất kế hoạch, thời khóa biểu dạy học, tạo điều kiện thuận lợi nhất giúp thầy cô hoàn thành nhiệm vụ. Các giáo viên tham gia trợ giảng được tập huấn và có đủ năng lực về công việc liên quan cho các lớp học trực tuyến tiếng Anh.

Theo ông Vương Văn Bằng - Giám đốc Sở GD&ĐT Yên Bái, hiện toàn tỉnh có 250 cơ sở giáo dục với hơn 226 nghìn học sinh, gần 14 nghìn giáo viên các cấp học. Những năm qua, giáo dục của tỉnh Yên Bái có chuyển biến, tuy nhiên các nhà trường còn không ít khó khăn.

Thực hiện Chương trình GDPT 2018, trường học của tỉnh Yên Bái vẫn thiếu giáo viên, nhất là giáo viên Tiếng Anh. Sự hỗ trợ kịp thời của Sở GD&ĐT Hà Nội đã giúp Sở GD&ĐT Yên Bái khắc phục khó khăn và tạo điều kiện thuận lợi hơn cho học sinh trong học tập.

Phát huy kết quả đạt được của chương trình, Sở GD&ĐT Yên Bái đề nghị Sở GD&ĐT Hà Nội tiếp tục hỗ trợ dạy học trực tuyến môn Tiếng Anh cấp tiểu học và THCS trong những năm học tiếp theo.

Cùng đó, tạo điều kiện cho giáo viên Yên Bái được tham gia các hội thảo chuyên đề, sinh hoạt chuyên môn phù hợp của Sở GD&ĐT Hà Nội để giúp giáo viên vùng khó tháo gỡ khó khăn trong quá trình triển khai Chương trình GDPT 2018, nâng cao chất lượng dạy học, trong đó có môn Tiếng Anh.

Đồng thời tạo điều kiện cho phòng GD&ĐT, cơ sở giáo dục của Yên Bái được kết nghĩa với phòng GD&ĐT, cơ sở giáo dục của Hà Nội để chia sẻ, học tập kinh nghiệm trong quản lý, giảng dạy nhằm thực hiện tốt hơn các nhiệm vụ, nâng cao chất lượng giáo dục.

Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Trần Thế Cương cho biết, Hà Nội sẵn sàng mở rộng hình thức hỗ trợ giảng dạy trực tuyến cho học sinh các cấp học; đồng thời tăng cường triển khai hoạt động nhằm hỗ trợ, bồi dưỡng chuyên môn cho giáo viên Tiếng Anh và môn học khác tại các tỉnh còn khó khăn trong cả nước.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ