Văn hóa quà Tết: Biến tướng khó ngăn chặn

GD&TĐ - Quà Tết nhuốm màu thực dụng vì người ta thường biếu quà những người có ảnh hưởng quyền lực, “ăn cây nào rào cây ấy” trở thành tâm lý phổ biến với nhiều người.  

Tặng quà Tết vốn là nét đẹp trong văn hóa ứng xử của người Việt
Tặng quà Tết vốn là nét đẹp trong văn hóa ứng xử của người Việt

Lệ cổ từng ghi dấu phong tục “mồng Một Tết cha, mồng Hai Tết mẹ, mồng Ba Tết thầy”. Thế nhưng, cùng với những sự biến đổi của thời cuộc, mỹ tục truyền thống đã bị biến tướng trong thời hiện đại. Quà Tết giờ không chỉ dùng để biểu đạt tình cảm trân trọng, hiếu kính, tri ân mà nhuốm màu thực dựng, trục lợi cá nhân.

Khi mỹ tục biến tướng

Quà tặng, quà biếu là việc làm tốt đẹp thể hiện thành ý của người tặng quà đối với những người mình thân thiết, quý trọng hoặc biết ơn. Món quà thay mặt chủ nhân biểu hiện mối ân tình, thể hiện thiện chí, tình cảm và sự quan tâm, trân trọng. Vì thế, biếu quà nhau là điều bình thường, là văn hóa ứng xử thấm nhuần đến mọi cá nhân nên không thể cấm được trong xã hội.

Thế nhưng, những năm qua, điều đang bị xã hội phê phán và lên án chính là tình trạng lợi dụng quà Tết để trục lợi cá nhân.

“Ôi dào! Người ta thì Tết đến lo cho bố mẹ, cho vợ con tươm tất. Đằng này, cả tuần chỉ thấy đôn đáo lo mua quà biếu hết ông nọ, bà kia… Chả biết làm được cái gì gì mà cái ông trưởng phòng của nhà này chăm cúng kính, lễ lạt thế!” - bà Nguyễn Minh (phố Thái Thịnh - Hà Nội) bực mình than vãn về con trai mình với cô cháu gái khi vào thăm bà trong bệnh viện.

Khi được hỏi “Tết về chị sợ điều gì nhất”, chị Mai Thanh - một trưởng phòng thuộc Sở TT&TT Hà Nội chia sẻ: “Tôi sợ nhất nạn kẹt xe. Tết nào đường phố Hà Nội như nêm. Xe trong nội đô cung ứng hàng hóa, xe ngoại tỉnh về chúc Tết các cơ quan, bộ, ngành Trung ương.

Các doanh nghiệp, các cơ quan bộ, sở, ban, ngành ở Hà Nội cũng “tranh thủ” đi chúc Tết nhau. Năm nào cũng phải mua sắm, chuẩn bị vài chục giỏ quà, rồi theo lãnh đạo đi chúc Tết, biếu quà, tôi thật quá mệt mỏi. Tặng quà là đem lại niềm vui cho nhau, tôi thì chỉ thấy tốn kém, phiền hà, lãng phí”.

Nêu quan điểm về vấn đề này, PGS.TS Trịnh Hòa Bình - Giám đốc Trung tâm Xã hội học Việt Nam chia sẻ: Tặng quà Tết cho nhau vốn là nét đẹp trong văn hóa ứng xử của người Việt. Gọi là mỹ tục bởi trước đây quà Tết mang ý nghĩa tinh thần là chính, người ta biếu nhau món quà, giá trị vật chất không cao như chai rượu, hộp bánh, hộp mứt, con gà hoặc những sản vật mà mình tăng gia sản xuất được.

Thế nhưng, trong cuộc sống hiện đại, mỹ tục này đã bị biến tướng, nhuốm màu thực dụng. Giỏ quà, chai rượu đắt tiền hơn đã đành mà dưới đáy giỏ quà còn có chiếc phong bì. Cấp dưới biếu quà cấp trên để lo lót, nhờ vả, trả ơn hoặc đặt chỗ để được cất nhắc, ủng hộ. Các quan hệ đối tác biếu quà nhau để “lại quả”, đặt chỗ làm ăn, hợp đồng sắp ký kết.

Quà Tết nhuốm màu thực dụng vì người ta thường biếu quà những người có ảnh hưởng quyền lực, “ăn cây nào rào cây ấy” trở thành tâm lý phổ biến với nhiều người.

“Tặng những món quà giá trị cao đều có quyền lợi phía sau, là điều kiện ngầm và không tránh khỏi yếu tố lợi ích nhóm. Khi quà biếu nhuốm màu sắc “bôi trơn”, chia “hoa hồng”, mưu cầu lợi ích nhóm thì quà biếu đã trở nên biến tướng và lệch lạc”, ông Bình phân tích.

Gạn đục khơi trong?

Hai năm trước, dịp cận Tết, Ban Bí thư đã ra chỉ thị về tổ chức Tết, nghiêm cấm tặng quà Tết cho lãnh đạo với tinh thần xây dựng một Chính phủ liêm chính. Trong chỉ thị có nội dung quy định cấm biếu quà Tết nhằm ngăn chặn các hình thức biến tướng, lợi dụng quà tặng để biếu xén, hối lộ, chạy chức, chạy quyền…

Chỉ thị vẫn chỉ là văn bản hành chính và chẳng cơ quan hay doanh nghiệp nào thừa nhận là không thực hiện nghiêm túc cả. Thế nhưng, “đến Tết lại mua”, người ta vẫn xôn xao tìm quà quý, đặt hộp xì gà, giỏ quà giá trị nhiều nghìn đô la Mỹ, săn tìm những chai rượu ngoại vài chục triệu đồng để tặng nhau.

Thị trường quà Tết vẫn “trăm giá đua chen”, những gốc đào, cây thế cả trăm triệu, những món đồ hàng hiệu, các loại đặc sản quý hiếm… vẫn cháy hàng.

Văn hóa quà Tết nói riêng và văn hóa tặng quà nói chung sẽ trở về đúng ý nghĩa khi vấn nạn chạy chức chạy quyền, chạy dự án bị đẩy lùi. Chỉ có vậy thì tình trạng tham nhũng, hối lộ mới có thể hạn chế được. “Phép vua thua lệ làng”, biếu quà, tặng quà đã là luật bất thành văn của quan hệ “làm ăn” trong xã hội.

“Thường vụ Tỉnh ủy các tỉnh/thành Tết nào cũng chỉ đạo các ban, ngành tuyệt đối không được tổ chức đi chúc Tết, tặng quà lãnh đạo các cấp, nghiêm cấm việc sử dụng tài sản, công quỹ từ ngân sách Nhà nước… là mới chỉ làm được một phần nghìn công việc phải làm.

Không tiêu diệt đúng bản chất vấn đề là động cơ, mục đích trục lợi thông qua việc biếu quà thì việc dẹp bỏ vấn nạn hối lộ, tham nhũng là vô cùng nan giải.

Cách hành xử “đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn”, cộng với cơ chế xin - cho, ban phát chức tước, bổng lộc và tâm lý chuộng chức quyền… đòi hỏi phải vận dụng nhiều biện pháp xã hội, nhiều biện pháp quản lý kinh tế, tài chính mới ngăn chặn được sự biến tướng này. Nếu không sẽ chỉ là đánh trống bỏ dùi”, nhà văn Phan Chi nhìn nhận.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

'Nỗi ám ảnh' của ông Trump

GD&TĐ - Một trong những quốc gia được nhắc nhiều và chịu ảnh hưởng ngay trong ngày nhậm chức của Tổng thống Mỹ Donald Trump là Mexico.