Tránh 'đứt gánh giữa đường' khi chọn ngành, nghề

GD&TĐ - Hiện nay, hoạt động tư vấn định hướng nghề nghiệp được các trường chú trọng, chủ động triển khai sớm đến học sinh và phụ huynh.

Anh Nguyễn Hoàng Gia Khánh (đầu tiên hàng thứ hai từ phải sang) tham gia chương trình trao đổi Sakura Science Exchange của Trường ĐH Sư phạm TPHCM với Trường ĐH Mie - Nhật Bản. Ảnh: NVCC
Anh Nguyễn Hoàng Gia Khánh (đầu tiên hàng thứ hai từ phải sang) tham gia chương trình trao đổi Sakura Science Exchange của Trường ĐH Sư phạm TPHCM với Trường ĐH Mie - Nhật Bản. Ảnh: NVCC

Thế nhưng, nhiều học sinh THPT vẫn thờ ơ, coi nhẹ, dẫn đến quyết định chọn ngành, nghề, trường đại học còn theo cảm tính, dẫn đến “đứt gánh giữa đường”.

Không lựa chọn tương lai bằng cảm tính

Chu Nguyễn Thu Hải (sinh viên năm 2, ngành Marketing, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân, Hà Nội) trước khi theo ngành học hiện tại, em đã có nửa năm học ngành Báo chí tại Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn. Chia sẻ lý do chuyển ngành học, Thu Hải nói: “Sau khi nhập học một thời gian, em thấy mình không phù hợp với chương trình học và môi trường đào tạo dẫn đến quá trình học không có sự hứng thú, chán nản. Khi biết em bị hoang mang về hướng đi chuẩn bị cho tương lai, gia đình đã động viên và ủng hộ em thi lại đại học”.

Trong khoảng thời gian ôn thi lại, Thu Hải rất áp lực. Nhiều lần thi thử kết quả thấp không đạt kỳ vọng. Theo đó, để tăng thêm cơ hội xét tuyển ngoài việc ôn các môn thi tổ hợp D0, cô nàng còn cố học thêm chứng chỉ IELTS.

Thu Hải tâm sự: “Thi lại đại học là phương án bất đắc dĩ. Vì vậy trước khi chọn ngành nghề, các bạn nên căn cứ vào năng lực, sở thích và tìm hiểu kỹ chương trình đào tạo, môi trường học để không bị bỡ ngỡ hay áp lực khi vào học. Bên cạnh đó, các bạn nên trao đổi cùng bố mẹ, thầy cô để có được những định hướng phù hợp trước khi đăng ký nguyện vọng và nhận được sự ủng hộ ngay từ đầu”.

Tương tự, anh Nguyễn Hoàng Gia Khánh - hiện làm việc tại Trường ĐH Sư phạm TPHCM, từ nhỏ đã rất thích nghề sư phạm và mong muốn sau này mình trở thành một thầy giáo đứng trên bục giảng truyền kiến thức cho học sinh. Tuy nhiên, quá trình học phổ thông, anh nhận được những tư vấn nên theo học ngành Y. Từ những định hướng đó, Gia Khánh “bỏ quên” sở thích trở thành thầy giáo để chọn thi vào Trường ĐH Y Dược TPHCM.

Hai năm đầu còn học kiến thức đại cương, Gia Khánh chưa bị ảnh hưởng nhiều đến việc học. “Nhưng đến năm thứ ba, ngoài việc học ở giảng đường, tôi phải đi lâm sàng ở bệnh viện khá nhiều. Trực tiếp được tiếp xúc nhiều với môi trường làm việc sau này của mình, tôi mất dần hứng thú học tập. Càng ngày những suy nghĩ mong muốn theo đuổi ngành sư phạm lại trỗi dậy, hối thúc. Sau thời gian cân nhắc, tôi quyết định thi lại đại học, mặc dù rất nhiều người khuyên không nên”.

Từ những thực tế đó, Gia Khánh cho rằng, khi học ở bậc THPT, các bạn nên tham gia trải nghiệm các chương trình hướng nghiệp do nhà trường, các trường đại học tổ chức. Bạn chủ động trải nghiệm, tìm hiểu các ngành nghề mà mình dự kiến sẽ học để biết được những thuận lợi và khó khăn.

“Như vậy, các bạn sẽ không bị bỡ ngỡ hay sốc khi đối mặt với những khó khăn trong quá trình học. Bởi, các bạn đã chuẩn bị tinh thần trước để có kế hoạch vượt qua với những thách thức đó”, Gia Khánh nhấn mạnh. Anh cho biết thêm, trong quá trình giảng dạy, anh đã cố gắng giới thiệu, hướng dẫn học sinh của mình cách tiếp cận để tìm hiểu ngành nghề mình yêu thích, cách đưa ra lựa chọn đúng đắn, thay vì mờ mịt thông tin nghề nghiệp trong quá trình lựa chọn.

Hiểu bản thân để quyết định sáng suốt

Hơn 16 năm gắn bó trong công tác giảng dạy, quản lý cũng như thúc đẩy các hoạt động khởi nghiệp, hướng nghiệp cho sinh viên, PGS.TS Đỗ Hương Lan - Phó Giám đốc Trung tâm Khởi nghiệp và sáng tạo xã hội, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân (Hà Nội), đã không ít lần nghe sinh viên chia sẻ tâm tư, sự khủng hoảng tinh thần khi lựa chọn ngành, do thiếu cân nhắc kỹ dẫn đến tình trạng “nhập cuộc” mà không có hứng thú, luôn cảm thấy áp lực.

PGS Đỗ Hương Lan lý giải: “Hiện nay, nhiều học sinh THPT còn coi nhẹ việc hướng nghiệp sớm dẫn đến mờ nhạt thông tin về nghề nghiệp. Đến năm cuối cấp, các em quá bận rộn với việc học hành, ôn luyện thi cử nên việc chọn ngành, trường mình sẽ học nhiều khi theo cảm tính, tâm lý đám đông, trào lưu ngành “hot” mà không căn cứ vào năng lực, sở trường, tính cách của bản thân cũng như điều kiện kinh tế của gia đình”.

Từ thực trạng đó dẫn tới, sinh viên khi vào học không theo kịp chương trình và mất phương hướng. Nhiều em đã phải bảo lưu kết quả để ôn thi lại hoặc biết rõ là không phù hợp mà vẫn phải cố nhồi nhét để lấy được tấm bằng.

Theo PGS Đỗ Hương Lan, dù các bạn trẻ học bất cứ ngành gì hay làm bất kỳ việc gì, nếu muốn thành công đều cần có đam mê và hứng thú. “Nếu giai đoạn chọn ngành, nghề, trường theo cảm tính sẽ lãng phí thời gian, công sức và tiền bạc của gia đình, lãng phí nguồn lực của nhà trường, xã hội. Tai hại hơn khi đi làm không phát huy được năng lực và khó phát triển được theo ngành nghề mình học”, PGS Đỗ Hương Lan nhấn mạnh.

Từ thực tế kinh nghiệm của mình, PGS Đỗ Hương Lan cho rằng, quá trình học phổ thông học sinh nên tích cực tham gia các buổi hướng nghiệp của nhà trường cũng như một số trường đại học, cao đẳng liên quan đến ngành nghề mà bản thân quan tâm. Học trò cần định vị được bản thân mình muốn gì, thích gì, kết hợp với sự tư vấn của thầy cô, gia đình để có định hướng lựa chọn ngành, trường phù hợp để tạo dựng tương lai.

“Trong quá trình con chọn ngành, nghề, trường học, phụ huynh cần đồng hành, hỗ trợ và cố vấn, không nên để con một mình tự đưa ra quyết định quan trọng này. Bởi phụ huynh là người hiểu năng lực, sở thích và ước mơ của con hơn ai hết.

Khi đã chọn ngành đúng sở trường, con sẽ phát triển được đam mê, sáng tạo trong quá trình học tập”, PGS.TS Đỗ Hương Lan - Phó Giám đốc Trung tâm Khởi nghiệp và sáng tạo xã hội, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân (Hà Nội) chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

giám sát an toàn là gìKhám phá mbti là gì