Hiệu trưởng định hướng, phát huy vai trò tập thể
Với vai trò là Hiệu trưởng, cô Nguyễn Thị Hoàng Trang (Trường Tiểu học Bình Hòa 2 - Thuận An, Bình Dương) sau khi cùng ban giám hiệu, các tổ trưởng chuyên môn góp ý xây dựng hoàn chỉnh KHGD nhà trường, đã triển khai cho toàn thể cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên trong trường thực hiện kế hoạch. Ban kiểm tra đánh giá thực hiện KHGD của nhà trường trong năm học cũng được thành lập.
Căn cứ KHGD năm học của nhà trường, hiệu trưởng chỉ đạo tổ trưởng chuyên môn xây dựng kế hoạch dạy học các môn học, hoạt động giáo dục của tổ khối trong năm học. Giáo viên chủ nhiệm căn cứ kế hoạch của tổ khối trong năm học để xây dựng kế hoạch dạy học cho cá nhân. Giáo viên bộ môn triển khai, thực hiện giảng dạy môn học theo chỉ đạo của hiệu trưởng; xây dựng kế hoạch cá nhân, phối hợp giáo viên chủ nhiệm lớp lập thời khóa biểu…
“Nhà trường xây dựng tiêu chí thi đua để cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên nhà trường cùng phấn đấu hoàn thành KHGD nhà trường trong năm học. Từng cá nhân, bộ phận trong trường đều được phân công nhiệm vụ cụ thể trong triển khai xây dựng KHGD của nhà trường”, cô Nguyễn Thị Hoàng Trang chia sẻ và khẳng định: Hiệu trưởng là người giữ vai trò tiên phong xây dựng KHGD nhà trường. Cũng bởi vậy, người lãnh đạo cần nắm rõ quy trình xây dựng KHGD; đồng thời nắm rõ đặc điểm tình hình thực tế của trường, địa phương để xây dựng kế hoạch phù hợp nhất với thực tiễn.
Theo thầy Hoàng Minh, Hiệu trưởng Trường THPT Phú Bài (Thừa Thiên - Huế), chất lượng dạy và học cao hay thấp, việc tổ chức các hoạt động giáo dục trong nhà trường có hiệu quả hay không, vai trò của hiệu trưởng trong xây dựng KHGD hết sức quan trọng. Bởi hiệu trưởng là người nắm rõ nhất đặc điểm của đơn vị (thuận lợi, khó khăn), nhân lực thực hiện, thời điểm triển khai, yếu tố tác động... để đưa ra kế hoạch phù hợp. Tuy nhiên, với yêu cầu xây dựng kế hoạch phải thật sự khoa học, hiệu quả, đòi hỏi hiệu trưởng phải có năng lực, kinh nghiệm để khi kế hoạch ban hành đạt được mục tiêu đề ra.
“Việc xây dựng KHGD của Trường THCS Nguyễn Đức Cảnh tương đối thuận lợi bởi luôn có sự bàn bạc thảo luận để thống nhất cao, huy động được trí tuệ tập thể của nhà trường. Trên cơ sở những thuận lợi, khó khăn thực tế, mong các cấp lãnh đạo ngành Giáo dục tiếp tục tăng cường tổ chức chương trình tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ, giáo viên, nhân viên. Mong các cấp chính quyền tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học để nhà trường thực hiện chương trình giáo dục đạt hiệu quả cao” - cô Trịnh Thị Thu Hiền đề xuất.
Từ kinh nghiệm triển khai thực tế, cô Trịnh Thị Thu Hiền, Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Đức Cảnh (Thái Thụy, Thái Bình), cho rằng: Để xây dựng kế hoạch có chất lượng, khả thi, cần sự tham gia của các thành viên trong hội đồng sư phạm, trong đó hiệu trưởng phải là người định hướng và giao nhiệm vụ cụ thể.
Hiểu đúng và thực hiện đủ
Khẳng định vai trò vô cùng quan trọng của hiệu trưởng trong xây dựng và tổ chức KHGD nhà trường, ông Nguyễn Thanh Danh, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Đồng Tháp, cho rằng: Hiệu trưởng cần phải nhận thức đúng đắn và xác định được công tác xây dựng, tổ chức KHGD nhà trường là việc làm quan trọng, cần thiết với tất cả cơ sở giáo dục. Vì vậy, hiệu trưởng phải đi tiên phong, tổ chức, định hướng, chỉ đạo, giám sát và trực tiếp tham gia vào các khâu của quá trình xây dựng kế hoạch, bên cạnh vai trò của tập thể sư phạm, giáo viên, nhân viên nhà trường.
Ngoài những định hướng chung của ngành Giáo dục khi xây dựng kế hoạch, hiệu trưởng cần tiến hành quá trình phân tích bối cảnh của trường để xác định rõ điểm mạnh, yếu, cơ hội, thách thức, nhận diện được các rào cản nhà trường đang gặp phải. Từ đó, xác định các mục tiêu dạy học, giáo dục mong đợi cần đạt, lựa chọn việc cần làm, cách làm, phân bổ nguồn lực cho mỗi công việc và sắp xếp theo tiến độ hợp lý để thực thi kế hoạch dạy học, giáo dục hiệu quả.
Ảnh minh họa/ INT. |
Trong chủ trì xây dựng KHGD, hiệu trưởng phải xác định đúng, đủ các căn cứ và những yêu cầu mới trong thực hiện Chương trình GDPT 2018. Điều này làm cơ sở cho việc hoạch định, chỉ đạo, phát huy tính tự chủ, sáng tạo của tổ chuyên môn và đội ngũ giáo viên trong xây dựng kế hoạch dạy học môn học, hoạt động giáo dục theo yêu cầu phát triển phẩm chất, năng lực học sinh; đảm bảo phù hợp điều kiện thực hiện của nhà trường.
Ông Nguyễn Thanh Danh cũng nhấn mạnh: Khi xây dựng kế hoạch, hiệu trưởng phải cụ thể, rõ ràng trong sắp xếp cơ cấu tổ chức nhà trường. Theo đó, phân công trách nhiệm cho từng cá nhân, tổ, nhóm, chuyên môn và các bộ phận khác để triển khai kế hoạch dạy học, giáo dục đã xây dựng. Chủ động đưa ra giải pháp có tính khả thi, xác định cơ chế phối hợp, huy động mọi nguồn lực để thực hiện nhiệm vụ trong kế hoạch phù hợp với điều kiện tại đơn vị. Đồng thời, kế hoạch cần được hiệu trưởng xây dựng và ban hành sớm vì đây là mấu chốt để triển khai các kế hoạch thành phần khác trong nhà trường, góp phần thực hiện thành công nhiệm vụ năm học.
“Phần lớn hiệu trưởng nhận thức được tầm quan trọng của việc xây dựng KHGD nhà trường, nhưng vì chưa nắm chắc được quy trình xây dựng kế hoạch nên khi tổ chức xây dựng kế hoạch thường ‘đốt cháy’ giai đoạn. Bản kế hoạch được xây dựng chủ yếu là ý kiến chủ quan và là sản phẩm của quá trình làm việc dựa trên kinh nghiệm cá nhân, dẫn đến kế hoạch thực hiện thiếu tính khả thi, không đáp ứng được các mục tiêu của Chương trình GDPT 2018.
KHGD nhà trường cần đồng bộ và logic với kế hoạch của các bộ phận, tổ chuyên môn và kế hoạch dạy học của giáo viên. Một bản kế hoạch tốt là điều kiện tiên quyết để thực hiện nhiệm vụ năm học đạt hiệu quả. Việc thực hiện đúng quy trình khi xây dựng KHGD nhà trường là tiền đề quan trọng giúp nhà trường triển khai hiệu quả kế hoạch đáp ứng được các mục tiêu của chương trình giáo dục đã đề ra” - ông Nguyễn Thanh Danh khẳng định.
Chia sẻ kinh nghiệm, thầy Hoàng Minh cho biết, triển khai xây dựng KHGD nhà trường có thể phân thành từng nhóm. Với nhóm kế hoạch chung có thể gồm: Kế hoạch chiến lược phát triển nhà trường; kế hoạch năm học; kế hoạch tháng; kế hoạch tuần; đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, đồ dùng dạy học; phân công chuyên môn, nhiệm vụ của cán bộ, giáo viên, nhân viên; kiểm tra nội bộ.
Kế hoạch chuyên môn gồm: Nâng cao chất lượng chuẩn bị thi tốt nghiệp THPT, ĐH; tham gia các kỳ thi, cuộc thi; tổ chức hoạt động ngoài giờ lên lớp, tổ chức các hoạt động trải nghiệm; lao động vệ sinh trường lớp; thực hiện các phong trào...; KHGD nâng cao ý thức học sinh trong chấp hành nội quy, Luật An toàn giao thông, phòng chống các tệ nạn xã hội…; kế hoạch hướng nghiệp, tuyển sinh… Với kế hoạch thời vụ, từng thời điểm có thể xây dựng phù hợp với nội dung công việc.