Có ý kiến đề nghị quy định cụ thể về chương trình, sách giáo khoa GDPT; đề nghị xây dựng một chương trình, một bộ sách giáo khoa dùng chung cho cả nước.
Về quy định chương trình, sách giáo khoa GDPT: UBTVQH cho rằng, hiện nay quy định về chương trình, sách giáo khoa GDPT trong Dự thảo Luật đã cụ thể hóa tinh thần Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04/11/2013 của Ban chấp hành Trung ương khóa XII về đổi mới căn bản, toàn diện GDĐT, Nghị quyết số 88/2014/QH13 ngày 28/11/2014 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa GDPT.
Theo đó, việc giảng dạy và học tập phổ thông chuyển từ giáo dục thiên về truyền thụ kiến thức sang giáo dục phát triển phẩm chất và năng lực, phát huy tốt nhất tiềm năng của mỗi học sinh.
Với quan điểm này, trên nền tảng một chương trình GDPT thống nhất dùng chung trong cả nước do Bộ GDĐT ban hành; sách giáo khoa là tài liệu học tập, cụ thể hóa chương trình, giúp giáo viên và học sinh sáng tạo trong phương pháp dạy và học, nhằm tiếp thu tốt nhất kiến thức của chương trình GDPT.
Thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 ngày 28/11/2014 của Quốc hội, hiện nay Bộ GDĐT đã công bố chương trình giáo dục phổ thông thống nhất trong cả nước và đang soạn thảo ban hành bộ sách giáo khoa theo chương trình này, sẽ hoàn thành sau năm 2022.
Trên thực tế đó, UBTVQH đề nghị được giữ quy định một chương trình thống nhất, mỗi môn học có một hoặc một số sách giáo khoa như trong Dự thảo Luật. Để rõ ràng, mạch lạc hơn về vai trò của chương trình GDPT và sách giáo khoa, nội dung này đã được quy định thành hai điều riêng biệt:
Điều 31 quy định về chương trình GDPT: Chương trình là pháp lệnh, thống nhất trong toàn quốc; chương trình thể hiện mục tiêu, nội dung giáo dục, yêu cầu về phẩm chất và năng lực học sinh; được xây dựng khoa học, cụ thể, liên kết từ lớp 1 đến lớp 12 cho tất cả các môn học.
Dự thảo Luật quy định Bộ trưởng Bộ GDĐT chịu trách nhiệm về chất lượng chương trình GDPT và ra quyết định ban hành trên cơ sở kết quả thẩm định của Hội đồng quốc gia thẩm định chương trình GDPT. Chương trình GDPT được công bố công khai trên tất cả các phương tiện thông tin đại chúng.
Điều 32 quy định về sách giáo khoa: Sách giáo khoa là công cụ giảng dạy, triển khai chương trình GDPT, cụ thể hóa các yêu cầu của chương trình và định hướng về phương pháp giảng dạy, cách thức kiểm tra, đánh giá chất lượng giáo dục.
Dự thảo Luật quy định, sách giáo khoa phải được thẩm định bởi Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa và được Bộ trưởng Bộ GDĐT ban hành.
Để bảo đảm chất lượng của chương trình và sách giáo khoa GDPT, Dự thảo Luật quy định rõ vai trò, trách nhiệm của Bộ trưởng Bộ GDĐT, Ủy ban Nhân dân các địa phương, Hội đồng quốc gia thẩm định chương trình, sách giáo khoa và Hội đồng thẩm định tài liệu giáo dục cấp tỉnh.
Có ý kiến đề nghị bổ sung quy định Bộ GDĐT tổ chức biên soạn một bộ sách giáo khoa; quy định cụ thể về Hội đồng quốc gia thẩm định chương trình GDPT, Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa và Hội đồng thẩm định cấp tỉnh thẩm định tài liệu giáo dục của địa phương; đề nghị quy định 1/2 thành viên Hội đồng thẩm định là giáo viên đang tham gia giảng dạy; quy định thẩm quyền lựa chọn sách giáo khoa.
UBTVQH cho rằng, trên nguyên tắc chương trình GDPT là pháp lệnh, thống nhất trong cả nước, thì chủ trương tạo điều kiện cho các cơ sở giáo dục, nhà khoa học, nhà giáo tham gia biên soạn sách giáo khoa để bảo đảm mỗi môn học có một hoặc một số sách giáo khoa là cần thiết; điều này nhằm tránh độc quyền trong việc biên soạn, phát hành sách giáo khoa.
Để đảm bảo chất lượng sách giáo khoa và khách quan trong biên soạn, chọn lựa sách giáo khoa cho cơ sở giáo dục, Dự thảo Luật quy định Bộ trưởng Bộ GDĐT chịu trách nhiệm quy định quy trình biên soạn, thẩm định, phát hành và quy trình chọn lựa sách giáo khoa bảo đảm có ít nhất một bộ sách giáo khoa đủ chất lượng cho GDPT.
Về quy định cụ thể đối với các Hội đồng thẩm định chương trình GDPT, sách giáo khoa, tài liệu giáo dục của địa phương: Tiếp thu ý kiến đại biểu, Dự thảo quy định về Hội đồng quốc gia thẩm định chương trình GDPT, Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa GDPT và Hội đồng cấp tỉnh thẩm định tài liệu giáo dục của địa phương, giao Bộ trưởng Bộ GDĐT quy định cụ thể.
Về thành phần Hội đồng quốc gia thẩm định chương trình GDPT, Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa, UBTVQH đề nghị giữ quy định có ít nhất 1/3 thành viên Hội đồng thẩm định là giáo viên đang tham gia giảng dạy, tỷ lệ này tạo điều kiện để Bộ GDĐT có thể chủ động trong việc sắp xếp nhân sự bảo đảm cân đối, hợp lý giữa các thành phần khác nhau.
Về quy định việc lựa chọn sách giáo khoa: Tiếp thu ý kiến đại biểu, Dự thảo Luật quy định Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định việc lựa chọn sách giáo khoa để sử dụng ổn định trong các cơ sở GDPT trên địa bàn theo quy định của Bộ trưởng Bộ GDĐT (Điều 32).