(GD&TĐ)-Thời gian vừa qua, trên các phương tiện thông tin đại chúng có thông tin về bệnh mới xuất hiện xảy ra tại Quảng Ngãi đã gây hoang mang tư tưởng cho học sinh, sinh viên, dẫn đến có trường hợp học sinh bỏ học không dám đến trường.
Cán bộ y tế khám bệnh cho trẻ em xã Ba Điền, Ba tơ, Quảng Ngãi. Ảnh: internet |
Trước thông tin này, Bộ GD&ĐT đã có văn bản đề nghị các sở GD&ĐT, các ĐH, học viện, trường ĐH, CĐ và TCCN đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục cho học sinh, sinh viên, giáo viên, cán bộ nhân viên nhà trường thực hiện tốt các hành vi về vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường.
Cùng với đó, phối hợp chặt chẽ với cơ sở y tế địa phương để có kế hoạch hướng dẫn cho học sinh, sinh viên, cán bộ, giáo viên nhà trường có kiến thức và kỹ năng về phát hiện và phòng, chống những bệnh mới xuất hiện. Thông tin đúng và đầy đủ về bệnh để học sinh, sinh viên không hoang mang, lo lắng. Động viên học sinh, sinh viên mắc bệnh không bỏ học, tạo điều kiện để những học sinh đã bỏ học quay trở lại trường để học tập theo kế hoạch.
Thường xuyên vệ sinh môi trường trường học, đặc biệt là các công trình cấp nước, công trình vệ sinh trường học. Thường xuyên xử lý, tẩy uế các khu vực ô nhiễm. Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra việc thực hiện các quy định về đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường trường học theo quy định.
Đảm bảo đủ dinh dưỡng, an toàn chất lượng vệ sinh thực phẩm tại các bếp ăn tập thể; cung cấp đủ nước uống, nước sạch đủ tiêu chuẩn vệ sinh cho học sinh, sinh viên, giáo viên và cán bộ nhân viên nhà trường.
Khi có các trường hợp học sinh, sinh viên, giáo viên và nhân viên nhà trường có dấu hiệu của bệnh, đặc biệt là dấu hiệu của bệnh mới xuất hiện phải đến ngay cơ sở y tế để được khám, tư vấn và điều trị kịp thời.
Được biết, ngày 9/5/2012, Bộ Y tế đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tình hình mắc hội chứng viêm da dày sừng bàn tay, bàn chân tại huyện Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi. Theo báo cáo này, 100% bệnh nhân có triệu chứng viêm da dày sừng bàn tay, bàn chân; 100% bệnh nhân có men gan tăng; tình trạng dinh dưỡng kém, thiếu máu. Qua khảo sát ban đầu, không thấy yếu tố chứng tỏ là bệnh truyền nhiễm (vi rút, vi khuẩn, Richketsia) do không có trường hợp nào có sốt khi khởi phát, có trường hợp tái phát và không cấp tính. Hiện hướng nhiều đến khả năng do da tay, chân người bệnh tiếp xúc trực tiếp kéo dài với hóa chất độc hoặc qua thực phẩm bị nhiễm độc. Không có sự khác biệt rõ rệt về tuổi, giới ở nhóm người nhiễm bệnh, không có bằng chứng lây nhiễm từ người sang người.
Lập Phương