Tranh của Lê Văn Xương lên sàn đấu giá quốc tế

GD&TĐ - Sau 70 năm mở triển lãm 'Hà Nội 36 phố phường', hai bức tranh của họa sĩ Lê Văn Xương chính thức lên sàn đấu giá Bonhams vào ngày 19/12 tới.

Tác phẩm 'Chùa Một Cột' từng được triển lãm năm 1953, sắp tới sẽ được đấu giá tại nhà đấu giá Bonhams (Paris).
Tác phẩm 'Chùa Một Cột' từng được triển lãm năm 1953, sắp tới sẽ được đấu giá tại nhà đấu giá Bonhams (Paris).

Sau 70 năm mở triển lãm “Hà Nội 36 phố phường” (1953) tại Nhà hát Lớn Hà Nội, hai bức tranh của họa sĩ Lê Văn Xương chính thức lên sàn đấu giá Bonhams vào ngày 19/12 tới.

Vẽ Hà Nội trước Bùi Xuân Phái

Theo nhà nghiên cứu Ngô Kim Khôi, việc hai bức tranh của họa sĩ Lê Văn Xương lên sàn đấu giá Bonhams (Paris, Pháp) là một cơ hội tuyệt vời để công chúng và giới sưu tập khám phá Hà Nội qua cái nhìn của Lê Văn Xương và sự gắn bó của ông đối với thành phố này.

Mới đây, trên website chính thức của hãng đấu giá Bonhams thông báo về phiên đấu giá “Mỹ thuật Việt Nam” với 33 tác phẩm được chọn lựa. Phiên đấu sẽ bắt đầu lúc 15 giờ (giờ Paris) ngày 19/12/2023.

Ngoài Lê Văn Xương, phiên đấu này còn có tác phẩm của Lê Phổ, Nguyễn Huyến, Mai Trung Thứ, Vũ Cao Đàm, Lê Bá Đảng, Nguyễn Tư Nghiêm, Trần Lưu Hậu, Trần Duy, Hoàng Sùng, Phạm Luận, Nguyễn Văn Cường, Phạm Huy Thông…

Sự xuất hiện hai tác phẩm của họa sĩ Lê Văn Xương không chỉ làm “nóng” thị trường nghệ thuật mà còn là một sự kiện được giới sưu tập khắp trong và ngoài nước mong đợi, bởi tên tuổi tài năng và sự nhiệt huyết của họa sĩ trong sự nghiệp hội họa.

Vào tháng 9/2020, bức tranh “Thiếu nữ Hà Thành” của Lê Văn Xương vẽ năm 1942 bằng phấn tiên trên giấy đã được bán với mức giá 8.500 EUR (tương đương hơn 230 triệu đồng) trên sàn đấu giá Lynda Trouvé (Pháp), chưa tính phí gần 28% mà người mua phải chi trả thêm.

Theo nhà nghiên cứu Ngô Kim Khôi, những bức tranh của Lê Văn Xương tạo ra một bầu không khí yên bình cách xa sự hối hả và nhộn nhịp của Hà Nội ngày nay.

Đó là Hà Nội của Thạch Lam, của Nguyễn Tuân... Mời khách du bước vào để bắt gặp những nỗi niềm thân quen, như trong mạch máu đã chứa đựng sẵn hương sắc Hà Nội, chỉ cần thoảng qua một niềm cảm xúc là mọi giây tơ đồng tâm cảm bỗng cùng nhau rung lên giai điệu xướng ca.

“Chúng ta có thể thấy một sự hồn nhiên đặc biệt trong một số cảnh đường phố. Bất kể, điều này không làm giảm đi tài năng của người nghệ sĩ đã minh họa Hà Nội theo cách của mình, và chỉ vài năm sau những họa sĩ khác, bao gồm cả Bùi Xuân Phái, sẽ diễn tả theo cách riêng của mình”, ông Khôi cho biết.

Trong các mảng tranh mà Lê Văn Xương theo đuổi, phố phường Hà Nội thập niên 1950 và chân dung được đánh giá đặc sắc, độc đáo và nét riêng. Xét về thời gian, Lê Văn Xương vẽ phố phường Hà Nội trước cả Bùi Xuân Phái đến một hai thập niên.

Năm 1941, ông mở triển lãm tranh cá nhân đầu tiên tại Sài Gòn và lập tức bán được các tác phẩm vẽ phố phường Hà Nội. Năm 1949 ông mở triển lãm cá nhân tại phòng tranh riêng tại phố Hàng Bông (Hà Nội), thu hút sự quan tâm của nhiều giới. Năm 1951, ông tiếp tục mở triển lãm cá nhân tại Đà Lạt, trong đó có nhiều tác phẩm vẽ phố phường Hà Nội.

Nhận định về cách vẽ phố phường Hà Nội của Lê Văn Xương, nhà phê bình Nguyễn Quân cho rằng, phong cảnh trong tranh cân đối hài hòa, các nhân vật, hoạt cảnh đều thanh thản. Nét, màu và sắc đều ở trung dung/trung tính, không quá gắt cũng không âm u, sầu não. Tranh của ông có sự lạc quan cố hữu của nghệ thuật dân gian/dân quê và cái cảnh vẻ, duyên dáng của thị thành.

Tác phẩm 'Phố Hàng Da' - từng được triển lãm năm 1953, sắp tới sẽ được đấu giá tại nhà đấu giá Bonhams (Paris).

Tác phẩm 'Phố Hàng Da' - từng được triển lãm năm 1953, sắp tới sẽ được đấu giá tại nhà đấu giá Bonhams (Paris).

Họa sĩ vô tình bị ẩn danh

Nhà nghiên cứu Ngô Kim Khôi cho biết, Lê Văn Xương xuất thân trong một gia đình khá giả chuyên làm đồ gỗ ở Nam Định. 12 tuổi ông lên Hà Nội học, năng khiếu mỹ thuật bộc lộ, ông học hội họa từ rất sớm, do gia đình rước thầy về nhà dạy.

Tuy không thi vào Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương nhưng ông vẫn giao du mật thiết với các họa sĩ như Vũ Văn Thu, Nguyễn Phan Chánh, Nguyễn Gia Trí, Trần Văn Thọ, Mạnh Quỳnh, Hoàng Lập Ngôn... cùng nhau trao đổi kiến thức hội họa cũng như tổ chức các buổi thưởng ngoạn vẽ tranh.

Năm 1937 Lê Văn Xương kết bạn với Nhan Chí, từ Nam ra Bắc học Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương (khóa VII – 1937/1942). Tâm đầu ý hợp, Lê Văn Xương nhận bạn làm thầy, ngoài ra, còn mời vài người thầy của trường mỹ thuật về nhà giảng dạy thêm.

“Trong khi trước năm 1954, tại Việt Nam nói chung và tính luôn người Pháp, số họa sĩ làm được triển lãm cá nhân là rất ít. Vậy mà Lê Văn Xương, không học trường Mỹ thuật Đông Dương, lại tổ chức được những buổi triển lãm cá nhân thành công rực rỡ là điều không mấy ai làm được”, ông Khôi nhận định.

Họa sĩ Lê Văn Xương thời trẻ.

Họa sĩ Lê Văn Xương thời trẻ.

Đáng chú ý nhất, ngày 28/4/1953 Lê Văn Xương mở triển lãm “Hà Nội 36 phố phường” tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Đây là một triển lãm cá nhân hiếm hoi thời bấy giờ, thu hút được giới chính khách, quan chức, thương nhân và giới yêu thích nghệ thuật.

Trong triển lãm này, Thủ hiến Nguyễn Hữu Trí mua 4 bức, Thị trưởng Hà Nội Đỗ Quang Giai mua 1 bức, Giám đốc Sở Xã hội Đào Sĩ Chu mua 2 bức.

Rất nổi tiếng và được đông đảo giới hội họa trong và ngoài nước biết tới, nhưng sau đó tên tuổi họa sĩ Lê Văn Xương rơi vào quên lãng. Năm 2016, con gái họa sĩ, nhà sưu tập - diễn viên Lê Y Lan mời nhà nghiên cứu mỹ thuật Lý Đợi đến tư gia xem tranh để làm sách và làm triển lãm về họa sĩ Lê Văn Xương. Khi đó trên Google chỉ có 8 kết quả cho tìm kiếm “Lê Văn Xương”, nay thì khoảng 262.000.000 kết quả (0,24 giây).

Ông Lý Đợi cho hay: “Việc làm sách về một người hữu danh đã khó, làm về một người vô tình bị ẩn danh như Lê Văn Xương khó vô cùng. Bao nhiêu chuyến vào Nam ra Bắc, qua Thái Lan, hàng chục lần vào thư viện, cục lưu trữ để tìm kiếm thêm tài liệu. Khi cuốn sách “Vẽ với lòng thanh thản” và triển lãm “Điều kỳ diệu” ra mắt năm 2018, sự lý thú càng rõ ràng hơn”.

Đến dự triển lãm “Hà Nội 36 phố phường” của họa sĩ Lê Văn Xương tại Nhà hát Lớn Hà Nội ngày 28/4/1953, họa sĩ Bùi Xuân Phái viết vào sổ lưu niệm: “Điểm ham làm việc làm tôi thấy ở Văn Xương tương lai rực rỡ. Anh vẽ loại phấn màu đặc sắc hơn những loại khác”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Năng lực sản xuất vũ khí của Nga tăng đáng kể kể từ khi Moscow bắt đầu chiến dịch quân sự ở Ukraine.

Cảnh báo gây sốc khi kho vũ khí EU tụt hậu

GD&TĐ -Tổ hợp công nghiệp quân sự của Nga đã tăng cường sản xuất vũ khí kể từ khi bắt đầu chiến dịch quân sự ở Ukraine, xóa bỏ mọi dấu hiệu thiếu hụt.

Cây guitar bí ẩn.

Những cây đàn huyền bí

GD&TĐ - Trong một số trường hợp, nhạc cụ còn được cho là sở hữu sức mạnh huyền bí, mắc lời nguyền.