Tranh cổ động không chỉ để tuyên truyền

GD&TĐ - Mới đây, nhân dịp Ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10, ê kíp sản xuất phim “Cô Ba Sài Gòn” đã tung ra poster cổ động cho nữ quyền. Tuy nhiên sự thiếu tinh ý của người thiết kế ý tưởng đã làm cho poster không còn mang ý nghĩa gốc về sự tài giỏi của phụ nữ nữa. Và câu chuyện sáng tác tranh cổ động một lần nữa lại đặt ra những trăn trở...

Tranh cổ động  không chỉ để tuyên truyền

Những cú vấp đáng nhớ

Tranh cổ động là loại hình hội họa đặc biệt, không chỉ chứa đựng yếu tố tạo hình, mang tính nghệ thuật, mà chúng còn mang một thông điệp khác vô cùng lớn lao đó là câu chuyện về lịch sử, thể hiện được nội dung tuyên truyền về sự kiện đang diễn ra, chủ đề cần nói tới, gửi một thông điệp mang tính trực tiếp, sinh động đến người xem.

Ngày nay, công nghệ thông tin phát triển, tranh cổ động đã sáng tác bằng phần mềm đồ họa vi tính, kéo theo đó là việc sao chép, cắt ghép một cách “vụng về”.

Cách đây không lâu, giới mỹ thuật TPHCM vừa có thêm một vụ ồn ào về tranh cổ động đoạt giải Nhất Cuộc thi sáng tác tranh cổ động chào mừng 40 năm Thành phố vinh dự mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh (trao giải ngày 13/7 tại TPHCM) bị phát hiện là tranh đã dùng từ năm 2011.

Còn nhớ năm 2014, vụ cắt ghép tranh cổ động nhân kỷ niệm 60 năm giải phóng Thủ đô, một bức tranh cổ động ghép hình cô gái thô thiển, tay như khuyết tật cứng như khúc gỗ… Chưa kể rất nhiều bức tranh cổ động khác, đặc biệt là ở các tỉnh thành xa, đều chỉ như các bức vẽ sơ sài thô kệch, cứng quèo phản cảm nhiều hơn thẩm mỹ.

Cần tâm của người nghệ sĩ

Nhiều tài liệu cho rằng, tranh cổ động được hình thành từ những ngày tiền khởi nghĩa tháng Tám năm 1945. Vào thời kỳ đầu, tranh cổ động không nhiều màu sắc như bây giờ mà chỉ có hai màu đen trắng. Hiện nay tranh cổ động đã phong phú về chất liệu và màu sắc.

Có thể nói, tranh cổ động cùng với giá trị nghệ thuật, chúng còn mang một thông điệp khác vô cùng lớn lao đó là câu chuyện về lịch sử, về cuộc kháng chiến hào hùng bảo vệ đất nước của cả dân tộc Việt Nam.

Tuy nhiên, tranh cổ động chính trị thường bị coi là khô cứng, có những mô típ không thể thay thế như hình ảnh búa liềm, bông lúa, lá cờ… do đó phần nào gây hạn chế sáng tạo cho họa sĩ. Mặt khác, dòng tranh này nếu không vẽ khéo rất khó mang lại cảm xúc cho người xem.

Theo họa sĩ Nguyễn Lan Hương, Trường ĐH Hòa Bình cho rằng, thực hiện một bức tranh cổ động có giá trị còn khó hơn rất nhiều vì người nghệ sĩ bắt buộc phải chuyển tải được nội dung tuyên truyền, vừa phải thỏa mãn yếu tố về nghệ thuật.

Muốn tranh đẹp, họa sĩ phải dựng hình thật chuẩn xác, đường nét hợp lí rõ ràng, dứt khoát, chỗ nào đậm nhạt đòi hỏi nghiên cứu một cách khoa học. Vẽ người trong tranh cổ động, nhất là khi biểu hiện tình cảm vui, buồn, tức giận… hết sức quan trọng vì đó là linh hồn của tác phẩm.

Tranh cổ động là minh họa cho khẩu hiệu nên ngôn ngữ phải cô đọng, dễ hiểu và có tính khái quát. Có một nguyên tắc là màu sắc được sử dụng trong tranh cổ động có tính tương phản cao, tác động mạnh mẽ đến thị giác. Bởi vậy, sáng tác tranh cổ động tưởng như đơn giản mà đòi hỏi người nghệ sỹ khả năng tư duy cao và sáng tạo trong cách thức thể hiện.

Tranh cổ động cho dù ở thời công nghệ vẫn luôn có một vị trí hữu ích trong cộng đồng, vẫn tiếp tục phát huy tốt vai trò của mình trong tuyên truyền, giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ. Thế nhưng để có những tranh cổ động tốt phục vụ cho việc tuyên truyền các nhiệm vụ chính trị, văn hóa, lịch sử... trách nhiệm lớn thuộc về các họa sĩ chuyên nghiệp.

Thiết nghĩ, các cơ quan, ban ngành chức năng cần tiếp tục quan tâm, tạo sân chơi về dòng tranh này nhiều hơn để nuôi dưỡng đam mê của các thế hệ họa sĩ, giúp họ có thêm năng lượng để sáng tạo nghệ thuật, đóng góp phần nào vào công cuộc xây dựng, phát triển bền vững đất nước.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ