Trong khi đó, bị cáo Diệp cho rằng, mình chưa bao giờ biết lừa đảo, đồng thời luật sư của bị cáo Diệp đề nghị trả tự do cho thân chủ.
“Cần có mức án nghiêm khắc mới đủ sức răn đe”
Sau 3 ngày tạm nghỉ, ngày 22, 23/3, TAND TPHCM tiếp tục phiên tòa xét xử sơ thẩm ông Nguyễn Thành Tài (nguyên Phó Chủ tịch UBND TPHCM), bà Dương Thị Bạch Diệp (Giám đốc Công ty Diệp Bạch Dương) cùng 8 đồng phạm về tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng; Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Giữ quyền công tố tại tòa, đại diện Viện KSND TPHCM nhận định bà Diệp biết sai nhưng vẫn làm và có mục đích chiếm đoạt tài sản Nhà nước đến cùng. Do đó, cần có mức án nghiêm khắc với bị cáo. Theo đó, phía Viện KSND cho rằng, trong vụ án này, nhà đất 57 Cao Thắng (Q.3, TPHCM) là tài sản bà Diệp hứa hoán đổi với tài sản 185 Hai Bà Trưng (Q.3, TPHCM).
Quá trình điều tra và tại tòa, bị cáo Diệp không thừa nhận hành vi phạm tội nhưng thừa nhận có mua tài sản 57 Cao Thắng để thực hiện việc hoán đổi. Đồng thời, việc không thông báo cho Trung tâm ca nhạc nhẹ TPHCM (TTCNN) biết tài sản 57 Cao Thắng đang thế chấp cho các khoản vay tại Ngân hàng Agribank thể hiện sự gian dối của bị cáo Diệp.
Mặc dù tại tòa, bị cáo Diệp không thừa nhận nhà đất 57 Cao Thắng là tài sản bảo đảm cho khoản vay tại Agribank nhưng lời chối tội này không có căn cứ. Theo đại diện Viện KSND TPHCM, chính bà Diệp là người ký văn bản họp hội đồng thành viên, hợp đồng công chứng, ký giấy nhận nợ cùng các hợp đồng tín dụng với Agribank.
“Với tất cả điều này đã đủ cơ sở khẳng định tài sản 57 Cao Thắng đang thế chấp cho khoản vay tại Agribank khi bị cáo Diệp thực hiện hoán đổi với tài sản 185 Hai Bà Trưng. Giám đốc Công ty Diệp Bạch Dương biết sai nhưng vẫn làm và có mục đích chiếm đoạt tài sản Nhà nước đến cùng. Mặc dù, tuổi của bị cáo đã cao, với những hậu quả từ hành vi sai phạm của mình, Viện KSND nhận thấy cần có mức án nghiêm khắc với bị cáo Diệp mới đủ sức răn đe”.
Liên quan những sai phạm của bị cáo Nguyễn Thành Tài (nguyên Phó Chủ tịch UBND TPHCM), đại diện Viện KSND cho rằng, bị cáo không được phân công phụ trách xử lý, sắp xếp lại tài sản Nhà nước.
Tuy nhiên, khi ông Tài nghe bị cáo Vy Nhật Tảo và bà Dương Thị Bạch Diệp trình bày phương án hoán đổi mang lại lợi ích cho thành phố nên đã ủng hộ và báo cáo Chủ tịch UBND TPHCM để xin ý kiến chỉ đạo. Tuy nhiên, để bà Diệp có thể chiếm đoạt tài sản và gây thiệt hại cho Nhà nước là có phần trách nhiệm của ông Nguyễn Thành Tài cùng các bị cáo nguyên là cán bộ của UBND TPHCM.
Từ đó, đại diện Viện KSND nhận định hành vi của bị cáo Nguyễn Thành Tài cùng 8 đồng phạm đã phạm vào tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Tại tòa những bị cáo này thành khẩn thừa nhận hành vi phạm tội, không được hưởng lợi và nhiều bị cáo trong số này phạm tội lần đầu.
Do đó, phía cơ quan công tố đề nghị HĐXX xem xét khi lượng hình. “Hành vi của các bị cáo là đặc biệt nghiêm trọng, gây thất thoát tài sản Nhà nước nên cần có hình phạt vừa nghiêm minh, vừa nhân văn nhưng phải đảm bảo tính răn đe”, đại diện Viện KSND nêu quan điểm.
Bị cáo Diệp: “Tôi chưa bao giờ biết lừa đảo ai hết”
Trong phần tự bào chữa, bà Dương Thị Bạch Diệp khẳng định trong suốt quá trình điều tra đến nay, bà chưa bao giờ thừa nhận thế chấp căn nhà số 57 Cao Thắng (Q.3, TPHCM). Đồng thời cho rằng, vụ án này có nhiều uẩn khúc và bản thân không lừa đảo ai.
“Tôi khinh bỉ những người lừa đảo lắm... Tôi đã làm nhục ba tôi và các con. Tôi không van xin gì, tuổi tôi lớn, sức khỏe có hạn. Tôi chỉ mong xã hội, bạn bè làm ăn với tôi hiểu tôi rằng tôi chưa bao giờ biết lừa đảo ai. Đây là sự thật. Mong tòa điều tra tất cả giấy tờ trong vụ án là giả. Tôi đứng đây cách nhà mình 500 m nhưng tôi không về được...”, bị cáo Diệp nghẹn giọng trong phần cuối tự bào chữa.
Trình bày tại tòa, bà Diệp cho rằng, ngày 28/10/2008, Agribank và bà ký hợp đồng vay 9.000 lượng vàng. Cùng ngày, Agribank tiếp tục ký tiếp hợp đồng cho bà Diệp vay 14.000 lượng, tài sản thế chấp là nhà số 57 Cao Thắng và số 181 Hai Bà Trưng. Sau đó, bà đã thanh toán đủ gốc và lãi.
Đồng thời, bị cáo Diệp cho rằng, Agribank đã làm giả hồ sơ bà vay 8.700 lượng vàng, tài sản thế chấp là nhà 57 Cao Thắng. Bà Diệp dẫn chứng là hợp đồng công chứng thế chấp này không có trong hệ thống công chứng, hệ thống của Sở Tư pháp TPHCM và vào thời điểm công chứng bà đang đi Quy Nhơn.
Theo bị cáo Diệp trình bày, vào tháng 5, tháng 6 và tháng 9 năm 2010, Agribank đã giải chấp rất nhiều tài sản có giá trị của bị cáo, trong đó có căn nhà 64 Lê Thánh Tôn (phường Bến Nghé, quận 1, TPHCM, sau đó bán được hơn 1.000 tỉ). Bị cáo nghi ngờ vào năm 2011 Agribank thiếu tài sản nên đã làm giả hồ sơ nhà 57 Cao Thắng.
“Tôi là nạn nhân mà bị án chung thân. Tôi không nghĩ dành cả đời mình để đánh đổi số tiền đó. Tôi từng cho vay 100 ký vàng mà chỉ bằng một tờ giấy tay. Tôi là người dễ dãi, tin người và Agribank đã lừa tôi. Tôi đã nghe bản luận tội và mức án đề nghị cho tôi.
Trong lòng tôi rất thanh thản, không một chút suy nghĩ gì. Tôi không mong mỏi gì hơn, chỉ mong được trình bày vì tôi bị án chung thân, án nặng lắm. Năm nay tuổi thật tôi là 77 tuổi, tôi cần làm rõ vì đây là sinh mạng của tôi, danh dự của tôi và gia đình” - bị cáo Diệp trình bày.
Trước đó, bào chữa cho bà Diệp, luật sư Phan Trung Hoài cho rằng, cáo trạng quy buộc bà Dương Thị Bạch Diệp chiếm đoạt tài sản 185 Hai Bà Trưng trị giá 186 tỷ đồng là không có căn cứ. Bởi tài sản Nhà nước không bị mất đi và không bị chiếm đoạt. Nhà nước đã xác lập quyền sở hữu đối với tài sản 57 Cao Thắng.
Theo luật sư Hoài, nếu Nhà nước cho rằng việc hoán đổi là sai thì có quyền thu hồi lại tài sản 185 Hai Bà Trưng, đồng thời giao lại tài sản 57 Cao Thắng cho bà Diệp. Còn các tranh chấp phát sinh trong quan hệ tín dụng với Agribank và Sacombank, nếu không tìm được phương án giải quyết, các bên có quyền khởi kiện ra tòa.