Người dân thử nghiệm trên mẫu tàu mới. Ảnh: Lao Động
Sáng 29.10, người dân đã được tận mắt chiêm ngưỡng và tham quan chiếc tàu đường sắt đô thị đầu tiên của Thủ đô, trưng bày tại Trung tâm Triển lãm Giảng Võ (Hà Nội). Được biết, tàu mẫu Cát Linh – Hà Đông do Công ty đường sắt Bắc Kinh, Trung Quốc đóng mới. Việt Nam sẽ mua 13 đoàn tàu cho dự án với kinh phí hơn 62,2 triệu USD đã được Bộ Giao thông - Vận tải thẩm định.
Theo đó, mô hình tàu điện mẫu tuyến Cát Linh - Hà Đông được sơn chủ đạo màu xanh, trắng; đầu tàu được thiết kế vát nhọn, có biểu tượng Khuê Văn Các, phía dưới là dòng chữ Cát Linh - Hà Đông.... Đoàn tàu gồm 4 toa xe, thân tàu sử dụng vật liệu thép không gỉ do Công ty TNHH trang thiết bị tàu điện ngầm Bắc Kinh sản xuất.
Ngày 29.10, mẫu tàu đường sắt Cát Linh - Hà Đông được ra mắt, trưng bày tại Giảng Võ (Hà Nội). Ảnh: BQL dự án cung cấp. |
Tuy nhiên, ngay sau khi chiếc tàu vừa ra mắt, đã có rất nhiều phản ứng trái chiều của dân mạng về mẫu tàu. Có người bình luận hài hước: “Em nghĩ đây là con tàu vượt thời gian, nó có thể đi từ năm 1970 đến năm 2015...".
Không ít các ý kiến cho rằng, mẫu tàu được trưng bày là quá xấu, nếu so sánh giữa Metro ở Sài Gòn và Hà Nội thì là “một trời một vực”. Bạn đọc thanhtran cho rằng, màu xanh của tàu đường sắt Cát Linh – Hà Đông nhìn không sang trọng và không đẹp! Sao không lấy mẫu tàu của Nhật hay Châu Âu: Hiện đại, đẹp và sang trọng hơn nhiều so với mẫu thiết kế này! Xanh blue kết hợp với trắng hoặc trắng với đỏ... đẹp hơn và nhìn sáng sủa hơn.
Nhiều ý kiến bình luận hài hước về màu sắc của mẫu tàu. |
Cụ thể, cộng đồng mạng cho rằng, mẫu mã thiết kế và đầu tàu có vẻ hơi cổ, không hiện đại và dễ khiến nhiều người có cảm giác tàu giả. Nhiều người còn trêu đùa, màu sắc của chiếc tàu rất giống với màu taxi của hãng Mai Linh.
Một bạn đọc có nickname Bùi Hồng Chương bình luận: “Thật lòng mà nói thì ngay lần đầu tiên nhìn phía ngoài vỏ tàu mẫu mình đã thấy không ấn tượng, trông quê quê kiểu gì ấy, không sang trọng 1 tí tẹo nào cả”.
Một số ý kiến khác đề nghị được làm rõ những tiêu chí lựa chọn tàu để chắc chắn sự an toàn khi đưa vào vận hành trong tương lai.
Màu sắc có thể là yếu tố nhận biết tuyến tàu
Một người dùng mạng có tên Thái Bình cho rằng: Cơ bản đoàn tàu điện đáp ứng được yêu cầu, từng bước hiện đại ngành giao thông, chúng ta không nên đặt ra yêu cầu quá cao. Ta chưa có kinh phí xây dựng tàu điện ngầm thì tàu điện đi trên cao cũng là tốt rồi. Việc Ban QLDA đường sắt và Bộ GTVT tổ chức trưng bày đoàn tàu mẫu trước 1 năm khai thác chính thức cho nhân dân tham gia ý kiến là rất cầu thị. Về màu sắc, sau này Hà Nội có nhiều tuyến liên kết với nhau thì tàu của mỗi tuyến sẽ có 1 màu để người đi tàu dễ nhận biết (như tàu điện ngầm của nước ngoài).
Bạn đọc có tên Viet Khanh bình luận: Tôi thấy mẫu tàu này khá đẹp, màu này chạy ở trên cao, đường phố Hà Nội sẽ bớt nóng bức, ngột ngạt. Tuy nhiên, anh thích nó được sơn màu xanh ngọc hơn.
Cũng có nhiều ý kiến ủng hộ mẫu tàu này, đồng thời đưa ra một số góp ý mang tính tích cực. |
Đã từng có dịp sống tại Pháp và đi qua một số nước khác ở Châu Âu, Nhật Bản, hiện đang sống ở Singapore, bạn đọc Noname viết: Thứ nhất, về kiểu dáng nhìn chung khá ổn, cũng như hầu hết các nước khác. Vì là tàu nội đô nên không cần quá nhiều chỗ ngồi, do đi ngắn, nhanh và độ biến thiên lớn.
Thứ hai, hàng ghế nên được phân chia từng ghế riêng biệt, tạo sự thoải mải khi ngồi, tránh trường hợp tranh giành ghế.
Thứ ba, các ghế gần cửa nên làm màu sắc khác biệt, dành riêng cho người cần ưu tiên (phụ nữ có thai, người cao tuổi, trẻ sơ sinh ...), và dán kí hiệu chỗ ưu tiên vào đó. Cái này tôi nghĩ quan trọng.
Thứ tư, không cần cửa ngăn giữa các toa, để thông nhau vừa thoáng vừa tăng số hành khách.
Thứ năm, tại mỗi cửa ra vào nên có cần kéo dừng tàu khẩn cấp, và có nút bấm để nói chuyện với người lái tàu hoặc người điều hành.
Thứ sáu, tại cửa lên xuống tàu ở sân ga nên kẻ vạch phân chia chiều lên, chiều xuống tránh lộn xộn khi lên/xuống tàu. Cá biệt bên Nhật họ còn kẻ hàng 2 bên cửa tầu để mọi người xếp hàng tránh xô lấn. Cái này rất cần thiết ở Việt Nam. Mặc dù biết rằng cần nhiều nỗ lực và thời gian tuyên truyền để mọi người có ý thức xếp hàng.