Tranh cãi chiếc nón Huế bị... “cắm sừng”

GD&TĐ - Hình ảnh các cô gái Huế mặc áo dài tím mộng mơ, đội nón lá có gắn chữ "HUE" quá khổ trên đỉnh nón diễu hành đang gây ra nhiều ý kiến tranh cãi.

Tranh cãi chiếc nón Huế bị... “cắm sừng”

Những ngày qua, hình ảnh những thiếu nữ trong tà áo dài tím đội chiếc nón có gắn chữ "HUE" xuất hiện ở sự kiện Lễ tế tổ bách nghệ - lễ rước và tôn vinh nghề nằm trong khuôn khổ chương trình Festival nghề truyền thống Huế 2019 đã thu hút sự quan tâm của nhiều người. 

Trên các diễn đàn mạng xã hội, rất nhiều ý kiến tỏ ra bất ngờ, bức xúc trước ý tưởng này. Đa số cho rằng thiết kế nón lá phản cảm, không cần thiết, rằng “Huế bị cắm sừng”, “Huế mọc sừng”, rằng đây là “tối kiến”... Bởi chiếc nón lá vốn một biểu tượng đoan trang, hiền thục của người phụ nữ Huế nên không nhất thiết "cắm" thêm sừng phản cảm. 

Từ hàng trăm năm nay, nón lá không chỉ là vật dụng thân thiết che nắng, che mưa gắn bó với đời sống hàng ngày của mỗi người dân xứ Huế, mà hơn thế chiếc nón lá đã trở thành đặc sản văn hóa, là chiếc “nón bài thơ” gắn với hình tượng của người con gái Huế.

Nón Huế cũng đi vào ca dao tục ngữ: “Ai ra xứ Huế mộng mơ/Mua về chiếc nón bài thơ làm quà”. Thế nên khi hình ảnh chiếc nón lá đặc trưng của Huế được thiết kế "vượt xa sự sáng tạo" đã khiến dư luận tranh cãi là điều dễ hiểu.

Những chiếc nón Huế có chữ “HUE” diễu hành vào chiều tối 29/4 trong khuôn khổ Festival nghề truyền thống Huế 2019.

Những chiếc nón Huế có chữ “HUE” diễu hành vào chiều tối 29/4 trong khuôn khổ Festival nghề truyền thống Huế 2019.

Liên quan đến vấn đề này, bà Phạm Thị Quỳnh Dao - Trưởng phòng Văn hoá và Thông tin TP Huế cho biết, người thiết kế các trang phục áo dài này là nhà thiết kế Minh Hạnh.

"Tôi thấy việc NTK Minh Hạnh thiết kế chữ “HUE” trên nón lá là hợp lý. Ý đồ của đạo diễn là chữ Huế như là vương miện để làm Huế rực rỡ, lung linh trong ngày hội. Chữ Huế được thiết kế rõ ràng chứ không phải trừu tượng nên những ai nghĩ đó là cái sừng thì người đó đã làm tổn thương chữ Huế", bà Phạm Thị Quỳnh Dao chia sẻ.

Trước phản ứng của dư luận, ngày 2/5, nhà thiết kế (NTK) Minh Hạnh cũng đã chính thức có phản hồi về ý tưởng này.

NTK cho rằng, đây là công nghệ đèn led được sử dụng rộng rãi trong nghệ thuật biểu diễn. Theo đó, chữ "HUE" được làm bằng chất liệu format, màu tím, xung quanh trang trí đèn led và được gắn lên trên chiếc nón; quanh vành nón lớn nhất cũng được trang trí bằng công nghệ này.

Theo bà Hạnh, thiết kế như vậy để muốn hình ảnh Huế lung linh trong những ngày hội về đêm. "Không hiểu vì sao nhiều người nhìn ra đó là cái sừng, chuyện này hơi lạ. Cái gì mới cũng cảm thấy lạ, tạo hình làm sao là cái sừng được”, NTK Minh Hạnh chia sẻ.

Nhiều người cho rằng chiếc nón Huế đã bị cắm sừng. Ảnh: Facebook.

Nhiều người cho rằng chiếc nón Huế đã bị cắm sừng. Ảnh: Facebook.

Được biết, tại sự kiện lễ tế tổ bách nghệ – lễ rước tôn vinh nghề có khoảng 40 chiếc nón được gắn chữ "HUE". Còn tại lễ khai mạc (tối 26/4), bế mạc (1/5) của festival, mỗi chương trình có 100 chiếc nón xuất hiện trên sân khấu.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.