Làng Chuông âm thầm giữ hồn nón Việt

GD&TĐ - Chiếc nón lá từ bao đời nay đã trở thành vật dụng thật thân quen đối với người phụ nữ Việt Nam mà chẳng hề phân biệt giàu nghèo, hèn sang. 

Làng Chuông âm thầm giữ hồn nón Việt

Những tưởng thời gian và cuộc sống hiện đại sẽ làm nón lá đi vào dĩ vãng, thế nhưng có một ngôi làng mà tại đó hết thế hệ này đến thế hệ khác vẫn đang âm thầm “giữ hồn” nón Việt. Đó là làng Chuông, còn gọi là làng Phương Trung (Thanh Oai, Hà Nội).

Nghề cổ nguy cơ thất truyền

Theo quốc lộ 21B chúng tôi tìm về làng Chuông - Ngôi làng nổi tiếng với nghề làm nón có từ hàng trăm năm. Tuy không nhộn nhịp như các làng nghề khác, nhưng cũng vẫn dễ nhận ra cái dáng dấp của một ngôi làng với nghề cổ.

Phiên chợ Chuông bên triền đê sông Đáy náo nhiệt, tấp nập, kẻ mua người bán những vật liệu làm nón, như lá cọ, vành nón, chỉ khâu… đến những chồng nón trắng nõn nà.

Ngay dọc hai bên đường, chúng tôi cũng bắt gặp những dải lá cọ để làm nón trắng phơi mình dưới ánh nắng sớm làm không khí thật xôn xao.

Các bô lão trong làng kể: Từ lâu lắm tất cả các vùng miền Bắc Bộ ai cũng biết tới câu ca lưu truyền trong dân gian kể về làng nghề làm nón cổ: “Muốn ăn cơm trắng cá trê/ Muốn đội nón đẹp thì về làng Chuông”.

Họ bảo nghề làm nón của làng Chuông ngày trước thịnh lắm, cả làng đều làm nón. Nón được sản xuất nhiều loại, dùng cho nhiều tầng lớp như: Nón ba tầm cho các cô gái, nón nhô, nón long, nón dấu, nón chóp cho các chàng trai và những người đàn ông sang trọng…

Cũng theo các cụ trong làng thì thời “hoàng kim” của nghề làm nón là vào 3 thập niên đầu thế kỷ XX. Đấy là thời hưng thịnh nhất. Nghe kể khi ấy những chiếc nón lá do các nghệ nhân làng Chuông làm ra còn được chọn làm quà biếu cho các hoàng hậu, công chúa trong cung.

Tiếc thay do có một thời gian nền kinh tế khủng hoảng, cái đói, cái nghèo khiến người làng Chuông phải bỏ làng để đi khắp nơi làm ăn, vì thế nên những kỹ thuật làm nón ấy phần nào đã bị thất truyền.

Hành trình tìm lại “hồn” nón Chuông

Tưởng quên hẳn cái nghề làm nón, thế nhưng chính thời gian đi làm ăn nơi xứ người bắt gặp những chiếc nón Huế được bán rất nhiều và được mọi người ưa chuộng đã làm không ít người làng Chuông nuối tiếc nghề cổ.

Nhiều người đau đáu tìm cách khôi phục nghề làm nón, trong đó có ông Hai Cát. Ông đã quyết tâm vào tận kinh kỳ để học cách làm nón Huế. Với đôi bàn tay của người thạo nghề cùng với chút sáng tạo, ông Hai Cát dốc toàn bộ vốn liếng mua nguyên liệu về làm nón.

Thời điểm ấy không có lá gồi, ông dùng lá cọ làng Chuông vẫn dùng để làm nón quai thao từ xa xưa. Sau bao lần thí nghiệm thất bại, chiếc nón ông làm tuy đã đẹp nhưng vẫn có màu vàng hơn so với nón Huế.

Không ngần ngại, ông đã vào tận Quảng Trị để mua lá gồi rồi làm lại từ đầu. Lòng kiên trì đã dẫn tới thành công. Năm 1930, tại hội chợ Trường Đấu Xảo - Hà Đông, nón của ông Hai Cát được cấp giấy hành nghề, hiệp hội làm nón chứng nhận chất lượng cao.

Ông trở về quê hương với nghề làm nón mới cùng với 6 giấy phép dạy nghề làm nón xuyên suốt từ Hà Đông, Hà Nội, Hải Dương, Hải Phòng.v.v.

Nhờ tài năng, danh tiếng của ông Hai Cát, sau một năm, số người làng quay về làng học nghề làm nón ngày một đông, làm hồi sinh lại nghề nón làng Chuông.

Từ đó nghề làm nón làng Chuông lại tiếp tục nổi tiếng không chỉ khắp trong nước mà vang xa ra tận nước ngoài. Ngôi làng nhỏ bé luôn tấp nập khách ra vào.

Các chị làng Chuông cho biết: Để tạo ra chiếc nón đẹp, người làm nón phải rất cẩn thận trong việc lựa chọn nguyên liệu. Lá được lấy từ Quảng Bình, Phú Thọ... về vò trong cát rồi phơi nắng đến khi màu xanh của lá chuyển sang màu trắng bạc, mỏng tang, nhưng phải bền, dai, phẳng mà không giòn, không rách.

Trước khi đưa lá vào khuôn nón phải được là phẳng bằng cách miết trên chiếc lưỡi cày (dụng cụ mà nông dân cày ruộng) được hơ nóng. Vòng nón làm bằng tre vót nhỏ, đều, tuyệt đối không được cong vênh.

Trăn trở giữ nghề

Làm được những chiếc nón đẹp đã khó, việc lo tiêu thụ sản phẩm càng khó hơn. Nhất là khi hiện nay, nhu cầu sử dụng nón không còn nhiều như trước, giá của mỗi chiếc nón cũng quá rẻ.

Chị Tạ Thị Hương ở đội 6 vừa thoăn thoắt chẻ nan vừa trò chuyện vui vẻ cho biết: Bây giờ, người chọn nón để đội không còn nhiều. Vì thế, một chiếc nón vài năm trước bán được 70.000 - 80.000 đồng thì giờ chỉ còn 50.000 đồng, thậm chí còn ít hơn.

Do vậy số người làm nón không nhiều như trước nữa, phần lớn người dân đã chuyển sang làm nghề khác. Bám trụ với nghề làm nón bây giờ chủ yếu là các bà, các chị và các em nhỏ.

Chị Hương cũng tâm sự: Cũng vì thu nhập chẳng đáng bao nhiêu, nên nhiều lúc cũng muốn bỏ nghề để kiếm việc khác có thu nhập cao hơn lắm.

Nhưng như cứ nghĩ đến việc các cụ tổ tiên phải bôn ba, vất vả mới gây dựng được, nên đành cố giữ lấy nghề, dẫu nó không giàu, nhưng cũng thêm thắt chút ít vào thu nhập cho gia đình. Hơn nữa nếu bỏ nghề, thì con cháu sẽ làm sao nối dõi được nghề truyền thống của tổ tiên.

Đã hơn ba thế kỷ nay, chiếc nón làng Chuông không chỉ che nắng, che mưa mà còn để làm duyên cho người phụ nữ Việt Nam. Hằng tháng, cứ vào các ngày 4, 10, 14, 20, 24 và 30 âm lịch, đến hẹn lại lên, người làng Chuông chẳng ai bảo ai mang những chiếc nón trắng tròn bán tại chợ sân đình. Sáu phiên một tháng, 72 phiên chợ trong một năm như để khẳng định, làng Chuông vẫn âm thầm giữ hồn nón Việt.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Hình ảnh minh họa về Hạng A Cháng do AI tạo ra. Ảnh minh họa: TG

Hai mặt của trí tuệ nhân tạo

GD&TĐ - Trí tuệ nhân tạo (AI) đang dần trở thành một công cụ hỗ trợ mạnh mẽ trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là giáo dục.

Binh lính Đức Quốc xã giương cờ trắng đầu hàng ngày 13/5/1945.

Cờ trắng đầu hàng có từ khi nào?

GD&TĐ - Trong chiến tranh, khi xét thấy không thể chống cự lại đối phương, đội quân yếu thế thường giương một lá cờ trắng biểu thị sự đầu hàng.

Cốm Làng Vòng được làm từ loại lúa nếp cái hoa vàng và là loại lúa non.

Giữ 'hồn' cho cốm làng Vòng

GD&TĐ - Làng Vòng, thuộc phường Dịch Vọng Hậu (Cầu Giấy, Hà Nội) là nơi gắn liền với nghề làm cốm từ nhiều thế kỷ trước.