Tránh 'bẫy' luyện thi đánh giá năng lực

GD&TĐ - Tranh thủ sức hút của các kỳ thi đánh giá năng lực để xét tuyển đại học, nhiều “lò” luyện thi trên mạng nở rộ, thu hút đông học sinh tham gia.

Thí sinh dự kỳ thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia TPHCM tổ chức năm 2023. Ảnh: INT
Thí sinh dự kỳ thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia TPHCM tổ chức năm 2023. Ảnh: INT

Cam kết đạt 900/1.200 điểm

Đọc thông tin về kế hoạch tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực năm 2024 của Đại học Quốc gia TPHCM, Nguyễn Uyên Nhi - học sinh lớp 12 một trường THPT ở TP Biên Hòa (Đồng Nai) vội xin mẹ đăng ký khóa ôn luyện cấp tốc.

Năm 2024, nữ sinh dự kiến xét tuyển vào ngành Kinh doanh quốc tế một số trường đại học ở TPHCM. Điểm chuẩn phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT ngành này ở các trường công lập tốp trên khá cao nên Nhi muốn đăng ký thi đánh giá năng lực, thêm cơ hội xét tuyển.

Theo Nhi, đợt 1 kỳ thi đánh giá năng lực được tổ chức từ đầu tháng 4, thời gian không còn nhiều. Nữ sinh có thế mạnh môn Tiếng Anh, Ngữ văn và các môn Khoa học xã hội nhưng yếu các môn Khoa học tự nhiên. “Em làm thử một số đề thi minh họa của kỳ thi đánh giá năng lực rồi tự chấm điểm thì thấy khả năng có thể đạt 700 điểm. Tuy nhiên, em nghĩ thi thật sẽ khó hơn nhiều, kết quả có thể không được như ý muốn”, Nhi chia sẻ.

Tìm kiếm từ khóa “ôn thi đánh giá năng lực” trên Facebook, Nhi nhận được hơn 10 kết quả là các hội, nhóm, “trung tâm” luyện thi. Trên các diễn đàn này, nhiều bài viết cam kết giúp thí sinh luyện thi cấp tốc đánh giá năng lực, hứa hẹn giành điểm cao. Trong 1 bài viết, nữ sinh được dẫn đến trang web nền tảng lớp học trực tuyến, giới thiệu khóa ôn luyện thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia TPHCM.

Thí sinh dự kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia TPHCM năm 2022. Ảnh: Mạnh Tùng

Thí sinh dự kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia TPHCM năm 2022. Ảnh: Mạnh Tùng

Đơn vị này cam kết giáo viên dạy trường THPT chuyên nổi tiếng cả nước, hơn 20 năm kinh nghiệm, sẽ giúp học viên có kiến thức tốt nhất. Họ cũng khuyến khích thí sinh luyện thi đánh giá năng lực sớm với hàng loạt lý do: Giảm áp lực luyện thi và có đủ thời gian củng cố kiến thức; nhân 2 - 3 cơ hội đỗ đại học mơ ước; có thêm thời gian luyện và sửa đề cùng thầy cô trực tiếp ra đề tại các kỳ thi lớn…

Khóa học này còn cam kết bằng hợp đồng điểm thi đầu ra cho học viên là 120/150 với kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội và 850/1.200 điểm với kỳ thi của Đại học Quốc gia TPHCM. Các lớp học được tổ chức hình thức livestream, trợ giảng sẽ hỗ trợ giải đáp thắc mắc của học sinh ngoài giờ học. “Lớp này cho học thử nên em cứ thử xem sao rồi mới quyết định đăng ký, nộp học phí”, Uyên Nhi nói.

Theo khảo sát, các nhóm, “trung tâm” ôn thi đánh giá năng lực trên nền tảng mạng xã hội tập trung vào 2 kỳ thi đánh giá năng lực của 2 đại học quốc gia. Phần được tổ chức theo hình thức học online, có các buổi thi thử. Số lượng câu hỏi được ôn tập cho học sinh, theo quảng cáo của nhiều nhóm, lên đến 10 nghìn câu.

Học phí các lớp ôn luyện đa dạng, phụ thuộc vào số buổi, hình thức học và chất lượng giáo viên, dao động từ 600.000 đồng đến 1 triệu đồng; các lớp “cao cấp” hơn có thể từ 2 - 5 triệu đồng. Học viên chuyển khoản học phí sớm, đăng ký theo nhóm được “khuyến mại” giảm học phí hoặc tặng kèm tài liệu ôn tập.

Ngoài lớp học online, nhiều trung tâm mở lớp ôn thi trực tiếp. Chẳng hạn, Trung tâm luyện thi H. ở quận Tân Phú, TPHCM tung ra khóa học từ tháng 11/2023 đến tháng 3/2024 với học phí 2,5 triệu đồng/tháng.

Một nhóm luyện thi đánh giá năng lực, giới thiệu đề thi và các khóa ôn luyện trên mạng. Ảnh: INT

Một nhóm luyện thi đánh giá năng lực, giới thiệu đề thi và các khóa ôn luyện trên mạng. Ảnh: INT

Cảnh báo nạn luyện thi

Nhiều năm nay, Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia TPHCM liên tục cảnh báo về hội, nhóm quảng cáo luyện thi đánh giá năng lực trên mạng. Mới đây, tại Hội nghị tổng kết công tác tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia TPHCM năm 2023, TS Lê Thị Thanh Mai - nguyên Trưởng ban Công tác sinh viên Đại học Quốc gia TPHCM bày tỏ sự trăn trở: “Nạn luyện thi đánh giá năng lực ngày càng phức tạp”.

Nắm bắt tình hình trên, TS Nguyễn Quốc Chính - Giám đốc Trung tâm Khảo thí và Đánh giá chất lượng đào tạo (Đại học Quốc gia TPHCM) khẳng định, các hội, nhóm, trung tâm luyện thi đánh giá năng lực không trực thuộc bất cứ đơn vị, tổ chức nào của đại học này. Tất cả thành viên của ban ra đề thi đánh giá năng lực không tham gia luyện thi cho thí sinh dưới hình thức nào. Do đó, hội nhóm nào xưng là “trung tâm của Đại học Quốc gia TPHCM” hay “giáo viên là người ra đề thi” đều giả mạo.

Theo TS Nguyễn Quốc Chính, dù có một số thay đổi trong mỗi kỳ thi, song phần cốt lõi của đề thi đánh giá năng lực không đổi. Bài thi nhằm đánh giá năng lực sử dụng ngôn ngữ tiếng Anh, tiếng Việt, toán học, tư duy logic, phân tích số liệu của thí sinh. Những kỹ năng này được hình thành trong quá trình học tập, rèn luyện lâu dài, không thể “ôn luyện cấp tốc” được.

“Do đó, học sinh đừng quá lo lắng vì bài thi sẽ đánh giá năng lực phù hợp chương trình học. Các em chỉ cần tập trung học tốt chương trình trên lớp, rèn luyện khả năng đọc, tổng hợp, phân tích”, TS Nguyễn Quốc Chính khuyên.

Tuy nhiên, Giám đốc Trung tâm Khảo thí và Đánh giá chất lượng đào tạo Đại học Quốc gia TPHCM không phủ nhận nhu cầu ôn thi chính đáng của thí sinh. Bởi khi đã có một kỳ thi sẽ sinh ra nhu cầu ôn thi và có đơn vị đáp ứng điều này.

Cũng theo ông Nguyễn Quốc Chính, một số nhóm, trung tâm luyện thi chủ yếu tập trung hướng dẫn thí sinh khả năng đọc, tổng hợp, xử lý thông tin. Về cơ bản, đây là những lớp học có tác động tốt, phù hợp thí sinh. Tuy nhiên, nhiều lớp học nặng nề việc nhồi nhét kiến thức hoặc mở ra để nhằm vụ lợi, thí sinh cần cảnh giác. “Tóm lại, thí sinh cần cẩn trọng khi lựa chọn các lớp ôn thi này”, ông Nguyễn Quốc Chính nói.

Phan Lê Thúc Bảo - cựu học sinh Trường THPT chuyên Quốc Học Huế (TP Huế, Thừa Thiên - Huế) là người giành điểm thi cao nhất trong kỳ thi đánh giá năng lực Đại học Quốc gia TPHCM từ trước đến nay với số điểm 1.133/1.200. Theo Bảo, đề thi đánh giá cả kỹ năng lẫn kiến thức của thí sinh, không thể ôn tập thời gian ngắn mà phải tích lũy trong nhiều năm học tập. Bí quyết ôn tập của Bảo là tiếp thu kiến thức trên lớp, tham gia nhiều hoạt động ngoại khóa, tích lũy kiến thức mỗi ngày một ít.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

MIT miễn học phí cho sinh viên đến từ gia đình thu nhập thấp.

MIT miễn học phí cho sinh viên

GD&TĐ - Từ học kỳ mùa Thu năm 2025, Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), sẽ miễn học phí cho sinh viên thuộc gia đình có thu nhập dưới 200 nghìn USD.

Người bệnh nhập viện trong tình trạng đau tức ngực dữ dội, khó thở. Ảnh: BVCC

Nhồi máu cơ tim sau tập thể hình

GD&TĐ - Các bác sĩ Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E đã cứu sống một nam thanh niên (32 tuổi) nhập viện do nhồi máu cơ tim cấp.

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.