Trang thiết bị y tế: Nhập nhèm mới - cũ

GD&TĐ - Theo quy định, trang thiết bị y tế khi đưa vào sử dụng tại các cơ sở y tế phải đảm bảo mới 100%, có giấy phép lưu hành tại nước sản xuất.

Trang thiết bị y tế: Nhập nhèm mới - cũ

Tuy nhiên, thực tế tại nước ta cho thấy có nhiều trang thiết bị cũ vẫn được đưa vào sử dụng dưới nhiều hình thức, để lại hậu quả nặng nề với sức khỏe người bệnh.

Không rõ nguồn gốc

Trang thiết bị y tế bao gồm những sản phẩm nhỏ như bông gạc, kim tiêm... cho đến giường, tủ và các thiết bị phục vụ quá trình khám, xét nghiệm, chẩn đoán bệnh. Như vậy, ngoài cơ sở vật chất, quá trình hành nghề của đội ngũ bác sĩ phụ thuộc nhiều vào sự giúp sức của trang thiết bị y tế.

Ngoài những thiết bị thông thường, trang thiết bị y tế được dùng trong xét nghiệm lâm sàng và cận lâm sàng luôn là quan tâm hàng đầu của người bệnh cũng như bệnh viện.

Có nhiều loại trang thiết bị có giá lên tới vài tỷ, thậm chí hàng chục tỷ đồng nên không phải bệnh viện nào cũng có điều kiện mua sắm. Vì vậy, chủ trương xã hội hóa ra đời để người dân có điều kiện cùng góp vốn với bệnh viện nhằm chia sẻ bớt gánh nặng kinh tế cũng như đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của người dân. Tuy nhiên, từ chủ trương trên, nhiều cá nhân đã lợi dụng để “tuồn” hàng cũ vào bệnh viện nhưng vẫn thu phí giá cao.

Điển hình cho việc nhập nhèm sử dụng trang thiết bị y tế cũ - mới là tại Bệnh viện Đa khoa huyện Thường Tín (Hà Nội) đã sử dụng máy xét nghiệm sinh hóa cũ, không rõ nguồn gốc xuất xứ. Thanh tra Sở Y tế đã xử phạt bệnh viện 30 triệu đồng, tịch thu và tiêu hủy máy trên. Được biết, máy xét nghiệm sinh hóa của bệnh viện này được bệnh viện ký hợp đồng mượn từ doanh nghiệp.

Gần đây nhất là vụ tai biến trong quá trình chạy thận tại Bệnh viện Đa khoa Hòa Bình cũng liên quan đến quá trình vận hành trang thiết bị và hóa chất. 8 người tử vong do sơ suất của nhân viên y tế, nhân viên kỹ thuật, bảo dưỡng gây bức xúc dư luận đồng thời đặt ra nhiều câu hỏi về việc mua sắm, sử dụng trang thiết trong cơ sở y tế.

Lỗ hổng quản lý

Khoa học kỹ thuật ngày càng phát triển, cơ cấu bệnh dịch có sự thay đổi từ truyền nhiễm sang không lây truyền cộng với nhu cầu ngày càng cao của người dân đồng nghĩa với việc hệ thống y tế phải có sự thay đổi phù hợp (cơ sở vât chất, con người).

Việc cập nhật kỹ thuật hiện đại, nâng cao trình độ nhân viên y tế là tất yếu. Nếu không có sự giám sát chặt chẽ, đây cũng là cơ hội để tạo lợi ích nhóm thông qua việc tuồn thiết bị cũ, hết hạn sử dụng, không đảm bảo chất lượng vào trong cơ sở y tế.

Theo quy định, trang thiết bị y tế khi đưa vào sử dụng tại các bệnh viện phải đảm bảo mới 100%, có giấy phép lưu hành tại nước sản xuất. Với thiết bị có giá từ 1 tỷ đồng trở lên, đơn vị nhập phải xây dựng chi tiết và trình Bộ Y tế ký. Tuy nhiên, nhiều đơn vị, kể cả bệnh viện lách luật bằng cách đi mượn trang thiết bị hoặc chỉ định dùng thiết bị xã hội hóa thay vì thiết bị được đầu tư từ ngân sách Nhà nước như đã xảy ra ở nhiều bệnh viện.

Quy định trên tạo kẽ hở để các doanh nghiệp nhập thiết bị dưới giá trị trên để không phải qua nhiều khâu xin phép. Ngoài ra, trong quá trình vận hành cũng bộc lộ nhiều bất cập. Hầu như các bệnh viện tin tưởng vào đơn vị liên kết trong việc bảo hành, bảo dưỡng, đôi khi còn lơ là trong việc kiểm tra, nghiệm thu...

Theo nhận định của Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, hầu hết các cơ sở y tế hiện nay sử dụng các sản phẩm trang thiết bị y tế sử dụng một lần, oxy y tế sản xuất trong nước vì chất lượng tốt, giá thành cạnh tranh. Đối với những thiết bị công nghệ cao đã được một số bệnh viện sử dụng bên cạnh thiết bị nhập khẩu.

Nói vậy để thấy rằng, các doanh nghiệp trong nước mới đang dần tiếp cận với kỹ thuật sản xuất thiết bị hiện đại. Đây vẫn là mảnh đất màu mỡ với hàng nhập khẩu. Nếu cơ quan chức năng không có biện pháp siết chặt thì thiết bị kém chất lượng, hết hạn sử dụng vẫn có cơ hội xâm nhập vào nước ta, có mặt ở bệnh viện và tham gia vào quá trình chẩn đoán, điều trị cho người bệnh.

Trong năm 2017, Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay Tân Sơn Nhất (TPHCM) đã phát hiện lô hàng là máy chụp CT đã qua sử dụng nhưng khai báo là hàng mới 100% có xuất xứ từ Nhật Bản. Trước đó, cũng tại sân bay Tân Sơn Nhất, lô hàng gồm 50 máy đo điện tim được doanh nghiệp nhập về khai báo sai tên nhằm trốn tránh việc phải xin phép nhập khẩu từ Bộ Y tế.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ