Sống chung với... tai biến y khoa

GD&TĐ - Tai biến y khoa là điều không ai mong muốn. Nhưng trên thực tế nó vẫn xảy ra hàng ngày, hàng giờ tại các cơ sở y tế trong nước cũng như ở nhiều nước tiên tiến trên thế giới. Sự cố y khoa liên quan đến tất cả khâu trong bệnh viện, từ phát thuốc đến nhiễm khuẩn bệnh viện, phẫu thuật và hậu phẫu.  

Sống chung với... tai biến y khoa

Ai cũng có thể là nạn nhân

Năm 2017, sự cố y khoa đáng nhớ nhất có lẽ là vụ việc tại Bệnh viện Đa khoa Hòa Bình. 18 người đang chạy thận nhân tạo, sau 1 giờ xuất hiện dấu hiệu sốc phản vệ. 8 người sau đó lần lượt tử vong.

Tai biến y khoa gần đây nhất xảy ra tại Bệnh viện Đa khoa Đông Anh, chỉ vì sự nhầm lẫn đến vô lý của điều dưỡng trong việc thực hiện y lệnh (tiêm kali cho bệnh nhân thay vì uống) đã khiến bé 6 tháng tuổi rơi vào nguy kịch. Trước đó, tại Quảng Ngãi, một nhân viên y tế đã cho bệnh nhân uống thuốc bỏ thai thay vì giữ thai như chỉ định của bác sĩ….

Theo ước tính của Tổ chức Y tế thế giới, hàng năm có khoảng 230 triệu phẫu thuật. Các nghiên cứu ghi nhận tỷ lệ tử vong trực tiếp liên quan tới phẫu thuật từ 0,4 - 0,8% và biến chứng do phẫu thuật từ 3 - 16%. Tại Mỹ và Úc, gần 50% các sự cố y khoa không mong muốn liên quan đến người bệnh có phẫu thuật...

Cần xây dựng lại quy trình kỹ thuật

Cho đến thời điểm này, nước ta chưa có hệ thống giám sát tai biến y khoa. Tuy nhiên, từ các sự cố đã xảy ra cho thấy chúng liên quan mật thiết đến con người. Đó là tình trạng kê đơn nhiều thuốc, y lệnh không rõ ràng hoặc quá nhiều y lệnh do thói quen công việc một người pha thuốc, một người tiêm…

Mặt khác, tại một số bệnh viện, hiện tượng quá tải bệnh nhân cũng dẫn đến việc cắt xén hoặc làm tắt các quy trình chuyên môn. Vi phạm đạo đức nghề nghiệp, lợi ích của người bệnh không được đặt lên hàng đầu dẫn đến việc lạm dụng thuốc. Một số chính sách, những quy định tác động đến an toàn của người bệnh như quy định cho thuốc 2 - 3 ngày; Đăng ký nơi khám chữa bệnh ban đầu dẫn đến giữ người bệnh ở tuyến dưới; Thu viện phí theo dịch vụ dẫn đến lạm dụng các thiết bị kỹ thuật cao và các thiết bị y tế trên người bệnh không đảm bảo chất lượng.

Trong hoạt động quản lý bệnh viện ở nhiều nơi vẫn còn tồn tại suy nghĩ nguyên nhân của sự cố y khoa chủ yếu là do lỗi cá nhân, ít khi xem xét lỗi hệ thống. Ngoài ra, việc triển khai hoạt động phòng ngừa sự cố y khoa chưa được quan tâm đúng mức. Chúng ta chưa xây dựng hệ thống quản lý, sai sót, sự cố. Công tác tổng hợp, báo cáo, giám sát sai sót, sự cố chưa được chú trọng; thiếu xây dựng các quy trình kỹ thuật để đảm bảo an toàn đối với người bệnh; Thiếu hoạt động huấn luyện về an toàn đối với người bệnh cho nhân viên y tế.

Đối với nhân viên y tế, từ các vụ tai biến cho thấy, phần lớn chưa trải qua các khóa huấn luyện về an toàn đối với bệnh nhân. Kỹ năng thực hành còn hạn chế nhưng lại không tuân thủ đúng quy trình, quy định về an toàn đối với bệnh nhân của bệnh viện khi thực hiện các kỹ thuật. Một điểm yếu không thể không kể đến là kỹ năng trao đổi thông tin giữa người bệnh, nhân viên y tế và người quản lý còn nhiều hạn chế.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến thừa nhận, sai sót y khoa ở nước ta có tính chất hệ thống. Nó liên quan đến lãnh đạo cơ sở khám bệnh, chữa bệnh chưa đặt an toàn người bệnh là ưu tiên hàng đầu trong chương trình cải tiến chất lượng của đơn vị, thiếu chương trình hành động cụ thể, thiếu phân bổ nguồn lực thích hợp cho hoạt động an toàn đối với người bệnh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ