Trắng đêm cùng học trò ôn luyện

GD&TĐ - Mở cổng trường, động viên học trò đến ôn luyện miễn phí ngoài giờ,... là những hình thức được giáo viên nhiều trường áp dụng trong bối cảnh dịch Covid diễn biến phức tạp.

HS lớp 12 Trường THPT Đầm Hà trong giờ ôn luyện môn Lịch sử. Ảnh: TG
HS lớp 12 Trường THPT Đầm Hà trong giờ ôn luyện môn Lịch sử. Ảnh: TG

Thậm chí, thầy cô còn thức đến khuya cùng học sinh giải quyết những bài tập hóc búa để bảo đảm chất lượng  Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021.

Dồn sức cho mùa thi

Vừa hoàn thành bài thi thử lần 3, em Đặng Đào Xuân Trúc, HS lớp 12 A1, Trường THPT Tiên Yên (Tiên Yên, Quảng Ninh) vui vẻ chia sẻ: Với lực học của bản thân và sự đánh giá của thầy cô qua nhiều lần thi thử, em tự tin đăng ký vào Trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Vì thế mạnh là các môn khoa học tự nhiên và đam mê  công nghệ nên em có thêm nguyện vọng vào Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học FPT.

Để đạt mục tiêu của mình, ngoài thời gian ôn luyện theo kế hoạch của nhà trường, Trúc còn cùng các bạn trong lớp ôn tập online và thi thử trực tuyến. Ngoài ra, em còn tham gia lớp ôn nâng cao miễn phí môn Toán tại trường vào buổi chiều.

“Ngoài thời gian trên trường em xin thêm bài tập của thầy cô để tự ôn tập tại nhà, rèn những kỹ năng làm bài cần thiết. Em tìm bài ôn hay trên mạng và mày mò tìm cách giải. Mỗi khi gặp những bài khó, em thường trao đổi riêng nhờ thầy cô hướng dẫn. Có những lúc thầy cô thức đến đêm khuya để giảng bài cho em”, Trúc chia sẻ.

Thầy Trần Văn Tân - Hiệu trưởng Trường THPT Tiên Yên cho hay: Nhà trường có 210 học sinh lớp 12. Đã qua 3 lần thi thử, nhà trường đánh giá và có kế hoạch ôn tập rõ ràng cho từng nhóm học sinh. Những em còn yếu được ôn bổ trợ miễn phí buổi chiều, HS có khả năng đạt điểm cao được thầy cô tình nguyện bồi dưỡng. Thậm chí học sinh có nhu cầu, kể cả đêm muộn thầy cô vẫn vui vẻ giảng bài. Đó là cách làm nhiều năm của nhà trường, vì thế chất lượng thi tốt nghiệp và xét tuyển đại học của nhà trường hàng năm khá ổn định.

Trong số những thầy cô nhiệt tình “đêm trắng” cùng học trò phải kể đến cô Trương Thị Thanh Châm - Phó Hiệu trưởng nhà trường, GV môn Vật lý, hay cô Lê Thị Hiền, GV môn Tiếng Anh.

Cô  Trương Thị Thanh Châm cho hay: Ngoài công tác quản lý, tôi tham gia ôn tập cho học sinh lớp 12. Ngoài việc ôn trực tiếp kết hợp trực tuyến, hàng tuần nhà trường còn cho học sinh thi trực tuyến. Đó là hình thức khắc sâu kiến thức tốt nhất.

Ngoài việc ôn tập và thi thử cho học sinh theo chỉ đạo của nhà trường, cô Lê Thị Hiền - GV môn Tiếng Anh còn lập Zoom để ôn tập học sinh theo nhóm với những em học khá có nhu cầu xét tuyển đại học. Bên cạnh đó, cô giao bài thêm qua email, sau đó cung cấp đáp án, em nào có nhu cầu cô sẽ giải đáp. Những học sinh chỉ có nguyện vọng thi tốt nghiệp, cô Hiền dạy miễn phí tại trường vào buổi chiều.

Cô Trương Thị Thanh Châm cùng học trò ôn luyện. Ảnh: Linh An
Cô Trương Thị Thanh Châm cùng học trò ôn luyện. Ảnh: Linh An

Nỗ lực vì trò

Trường THPT Đầm Hà (Đầm Hà, Quảng Ninh) có 246 học sinh lớp 12. Theo chia sẻ của thầy Nguyễn Văn Hải - Hiệu trưởng nhà trường, đến nay công tác ôn tập cơ bản ổn định. Tâm lý học sinh vững vàng bởi các em được thầy cô quan tâm, ôn luyện kỹ càng, chu đáo.

Cô Phạm Thị Nụ - GV môn Lịch sử, Trường THPT Đầm Hà luôn trăn trở làm thế nào để nâng cao chất lượng dạy học bộ môn. Cô đánh giá và có phương án củng cố kiến thức cho các em qua quá trình ôn luyện, khảo sát. Với học sinh giỏi, cô trò liên lạc với nhau qua hệ thống thông tin điện tử, nhắn tin, trao đổi bài. Với học sinh yếu hơn, cô dành nhiều thời gian ở trên lớp, cùng phân tích đề và hướng dẫn cụ thể hơn cho học trò.

“Môn Lịch sử có đặc thù riêng, để nhớ các sự kiện, tôi hướng dẫn các em học theo giai đoạn, thời kỳ lịch sử, sau đó lập bảng hệ thống hóa kiến thức. Những năm gần đây, chất lượng bộ môn Lịch sử ôn thi tốt nghiệp có cải thiện nhưng so với nhiều trường vẫn còn thấp. Vì thế, trước mỗi kỳ ôn tập, tôi thường treo thưởng cho những học sinh đạt kết quả cao để động viên các em cố gắng”, cô Nụ cho hay.

14 năm công tác trong nghề, cô Nụ có nhiều kinh nghiệm giảng dạy bộ môn, đặc biệt là ôn thi tốt nghiệp THPT. Ngoài thời gian ôn tập theo kế hoạch, cô  dạy miễn phí cho học sinh mỗi tuần 3 buổi, vào sáng thứ 2, 4, 6. Đảm bảo giãn cách phòng dịch, cô chia học trò thành 2 ca, bắt đầu học từ 8 giờ và kết thúc lúc 11 giờ.

Trường THCS-THPT Hoàng Mô của huyện Bình Liêu (Quảng Ninh) với 96% người dân tộc. Năm nay, nhà trường có 83 học sinh lớp 12, trong đó có 30 em có nguyện vọng xét tuyển đại học. Năm trước, tỉ lệ học sinh tốt nghiệp của trường là 94%.

Theo thầy Đặng Quốc Việt - Hiệu trưởng nhà trường, để duy trì và nâng cao chất lượng giáo dục, trường tổ chức ôn tập cho học sinh qua các chuyên đề môn, phụ đạo học sinh yếu kém, động viên bồi dưỡng học sinh giỏi.

Địa bàn khó khăn, nhiều học sinh ở xa trường đến 20 km. Thầy cô giáo, nhà trường thường xuyên sát sao việc học hành của trò, động viên gia đình cho các con ở trọ để thuận lợi cho việc ôn tập.

Trường cách điểm thi tốt nghiệp 14 km, ngay khi có thông tin công bố hội đồng thi, giáo viên chủ nhiệm liên hệ với gia đình chở con xuống điểm thi. Nhà trường đã liên hệ chỗ ăn, chỗ nghỉ cho học trò tại Trung tâm GDTX của huyện. - Thầy Đặng Quốc Việt
Ngành Giáo dục triển khai thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Các chiến binh Houthi cùng hệ thống 2K12 Kub.

Ác mộng với tiêm kích Mỹ

GD&TĐ - Lực lượng Ansar Allah (Houthi) ở Yemen tuyên bố đã bắn hạ một tiêm kích hạm F/A-18 của Hải quân Mỹ khi tham gia chiến dịch tấn công Houthi.