Tập trung cao độ ôn luyện cho học sinh lớp 12

GD&TĐ - Bên cạnh công tác chuẩn bị các điều kiện theo quy định, các nhà trường tại Thái Nguyên cũng đang tập trung cao độ vào việc ôn luyện cho học sinh lớp 12, sẵn sàng cho kỳ thi tốt nghiệp THPT.

Giáo viên trường THPT Đại Từ triển khai ôn tập trực tuyến cho học sinh khối 12.
Giáo viên trường THPT Đại Từ triển khai ôn tập trực tuyến cho học sinh khối 12.

Chỉ còn khoảng 3 tuần trước ngày thi tốt nghiệp THPT, giáo viên giảng dạy lớp 12 tại các nhà trường đang cùng học sinh bước vào ôn tập giai đoạn “nước rút”. Toàn bộ việc ôn tập được thực hiện theo phương thức trực tuyến, trong điều kiện an toàn phòng dịch. Lúc này, việc hệ thống hóa lại kiến thức cơ bản, rèn luyện thành thạo kỹ năng làm bài là vấn đề được thầy cô giáo và các em chú trọng.

Tại trường THPT Đại Từ, hơn 600 học sinh khối 12 của nhà trường được phân loại theo nhóm môn đăng ký để tiếp tục ôn tập sau khi đã hoàn thành chương trình năm học. Có khoảng 75% học sinh đăng kí tổ hợp các môn Khoa học Xã hội, còn lại là Khoa học Tự nhiên. Theo kế hoạch, việc ôn tập sẽ kết thúc vào 30/6.

“Trong quá trình ôn tập, khoảng 90% các em có thể tương tác trực tiếp trong các giờ học trực tuyến, số còn lại được giáo viên gửi video, link bài giảng truyền hình, tài liệu học tập… Nhờ có sự phân loại, phân nhóm theo đăng kí, đáp ứng đúng yêu cầu đối tượng học sinh, cho nên việc ôn tập khá hiệu quả” - cô giáo Trần Thị Dân, Phó Hiệu trưởng trường THPT Đại Từ trao đổi.

Trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh Thái Nguyên tích cực chuẩn bị, rà soát cơ sở vật chất và các điều kiện cho kỳ thi tốt nghiệp THPT
Trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh Thái Nguyên tích cực chuẩn bị, rà soát cơ sở vật chất và các điều kiện cho kỳ thi tốt nghiệp THPT

Đối với trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh Thái Nguyên, gần 200 học sinh lớp 12 đã quay về gia đình, không còn học tập sinh hoạt tập trung tại ký túc, nhưng giáo viên vẫn tiếp tục triển khai cho các em ôn tập trực tuyến. Lúc này, công tác ôn tập đang được tập trung vào việc rèn kỹ năng qua làm đề thi tham khảo của Bộ GD&ĐT, đề thi thử do nhà trường xây dựng.

Giáo viên chủ nhiệm các lớp được giao liên lạc, phối hợp chặt chẽ với gia đình để nắm bắt, quản lí tình hình học tập của học sinh. Giáo viên các bộ môn xây dựng bộ câu hỏi, bài tập phù hợp cho từng nhóm lớp, phụ đạo thêm riêng cho học sinh còn yếu.

 “Vì điều kiện một số học sinh ở vùng sâu xa, khoảng 5% các em gặp khó khăn trong quá trình học trực tuyến hiện nay. Chỉ mong nếu tình hình dịch bệnh sớm được kiểm soát và lắng xuống, thì chúng tôi sẽ sẵn sàng đón các em trở lại trường, để các thầy cô trực tiếp giúp các em ôn tập, củng cố” - thầy giáo Nguyễn Trường Giang, Phó Hiệu trưởng trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh Thái Nguyên cho biết.

Thực tế cho thấy, nhìn chung việc ôn tập theo phương thức trực tuyến của giáo viên và học sinh các nhà trường diễn ra khá thuận lợi. Quá trình học trực tuyến của năm học 2019 - 2020 cũng như trong một số thời điểm năm học 2020 - 2021 đã giúp cho việc triển khai lần này tránh được những khó khăn vì bỡ ngỡ, trục trặc như ban đầu.

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay, Thái Nguyên có 16.973 thí sinh đăng kí dự thi, trong đó khối THPT là gần 13.868 và khối GDTX là hơn 3.105 thí sinh, tổ chức thành 33 điểm thi với hơn 700 phòng thi.

Nhằm cụ thể hóa các yêu cầu chuẩn bị, Sở GD&ĐT Thái Nguyên đã có hướng dẫn yêu cầu các đơn vị đặc biệt chú trọng việc tổ chức học tập quy chế thi, tập huấn nghiệp vụ thi cho toàn thể cán bộ, giáo viên và học sinh của trường; phổ biến quy chế thi và quy chế tuyển sinh đến cha mẹ học sinh; chuẩn bị tốt các điều kiện để triển khai thực hiện quy chế.

Một số vấn đề quan trọng khác cũng được lưu ý, như: Tăng cường công tác tuyên truyền để cán bộ, giáo viên và người học có nhận thức đầy đủ, đúng đắn về công tác tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT, thực hiện nghiêm túc quy chế thi. Các trường đặt điểm thi tổ chức kiểm tra cơ sở vật chất: Phòng thi, phòng họp, tủ, cửa, camera giám sát, máy nổ, tường rào, ánh sáng... và những điều kiện đảm bảo sự an toàn của điểm thi.

Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Bom lượn FAB-3000 của Nga.

Chật vật đối phó bom lượn

GD&TĐ - Bom lượn Nga đang là ám ảnh với hệ thống phòng thủ Ukraine dù lực lượng này đang được trang bị những vũ khí đánh chặn tối tân của phương Tây.