Liên tiếp các vụ học sinh đuối nước thương tâm
Ngày 31/5, ông Nguyễn Tân Sơn - Phó Chủ tịch UBND huyện Cẩm Khê (Phú Thọ) - cho biết, trên địa bàn các xã Tiên Lương, Tam Sơn vừa xảy ra vụ đuối nước khiến 4 em học sinh tử vong thương tâm.
Cụ thể, trên địa bàn xã Tiên Lương vừa xảy ra vụ đuối nước thương tâm khiến 2 học sinh tử vong. Nạn nhân là cháu Nguyễn Văn T (SN: 2011) và Nguyễn Thị Thu Uyên (SN: 2013) cùng trú ở khu Ngọn Đồng, xã Tiên Lương.
Trước đó (chiều 17/5), trên địa bàn xã Tam Sơn (huyện Cẩm Khê) xảy ra vụ đuối nước khiến 2 em học sinh tử vong thương tâm. Theo đó, trong lúc ngồi chơi sát mép đập nước, một học sinh trong nhóm bất ngờ bị rơi xuống nước.
Phát hiện sự việc, em Nguyễn Thị Mai T. và em Nguyễn Đức T. đã nhảy xuống dòng nước để cứu bạn. Tuy nhiên, em Nguyễn Đức T. lúc này bị dòng nước đưa ra xa bờ. Thấy vậy, em Nguyễn Thị Mai T. đã bơi trở ra để cứu em Nguyễn Đức T. nhưng sau đó bị mất sức và đuối nước tử vong.
“Ngay khi biết tin các cháu bị đuối nước, tôi có mặt trực tiếp chỉ đạo cơ quan chức năng (Công an, Quân đội, xã Tam Sơn) tìm kiếm cứu nạn cứu hộ. Trong 3 cháu bị đuối nước thì 2 cháu bị tử vong thương tâm…”, ông Nguyễn Tân Sơn thông tin.
Ông Sơn cũng cho biết, chính quyền đã yêu cầu Phòng GD&ĐT huyện Cẩm Khê tiếp tục nhắc nhở các cơ sở giáo dục đẩy mạnh tuyên truyền phòng, chống đuối nước. Bên cạnh đó, thường xuyên khuyến cáo, thông báo đến các học sinh toàn trường để phòng tránh những sự việc như trên.
Còn tại thành phố Hà Nội, sự việc đau lòng xảy ra vào chiều 13/5 khi một nhóm học sinh rủ nhau đi tắm ở một đập nước trên địa bàn xã Đồng Thái (huyện Ba Vì). Trong lúc tắm, có 3 học sinh lớp 3 không may bị đuối nước.
Phát hiện sự việc, lực lượng chức năng và người dân đã ra sức cứu nạn nhưng 3 em đều không qua khỏi.
Chia sẻ với Báo GD&TĐ, ông Phùng Ngọc Oanh - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Ba Vì (Hà Nội) - cho biết, Phòng yêu cầu các trường đẩy mạnh công tác phòng chống tai nạn thương tích.
“Huyện Ba Vì là địa phương có nhiều sông, suối, hồ đập… Phòng GD&ĐT tham mưu UBND huyện ban hành văn bản, tổ chức phổ cập bơi cho học sinh. Từ ngày 16/5, nhiều trường học tổ chức lớp khai giảng, dạy bơi cho học sinh...”, ông Oanh thông tin.
Trưởng phòng GD&ĐT huyện Ba Vì cũng cho biết, Phòng đã họp với 31 các xã, thị trấn trên địa bàn huyện về công tác phòng chống đuối nước cho học sinh.
Trước đó, UBND huyện Ba Vì có văn bản yêu cầu các trường (mầm non, TH, THCS) cùng các trung tâm GDNN & GDTX trên địa bàn đẩy mạnh công tác tuyên truyền việc phòng chống tai nạn thương tích, đuối nước ở trẻ em.
Đồng thời, vận động các gia đình thường xuyên quan tâm, giám sát con em mình, không để các em vui chơi, đi bơi, tắm ở những vũng sông, hồ, ao... đảm bảo an toàn cho học sinh.
“Chỉ đạo giáo viên ở các tiết học cuối trước khi học sinh tan trường, thường xuyên nhắc nhở, khuyến cáo học sinh không được chơi, đùa gần sông, hồ, ao... nơi tiềm ẩn nguy cơ đuối nước; không tự ý hoặc rủ nhau đi tắm, đi bơi khi không có người lớn đi cùng. Đặc biệt, khoảng thời gian từ nhà đến trường và từ trường về nhà thời gian nghỉ học, nghỉ hè…”, văn bản của UBND huyện Ba Vì nêu rõ.
Trưởng phòng GD&ĐT huyện Ba Vì - Phùng Ngọc Oanh cũng nhấn mạnh, các nhà trường chủ động phối hợp với cấp chính quyền hướng dẫn các em tham gia hoạt động vui chơi lành mạnh, tổ chức các lớp học bơi, kỹ năng an toàn phòng chống tai nạn đuối nước trong thời gian hè.
Trang bị kỹ năng cho học sinh
Phòng đuối nước cho học sinh, ngày 31/5, Công an TP Hà Nội thông tin, giao Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH là giảng viên trực tiếp trang bị kỹ năng cứu nạn cứu hộ cho các em học sinh bằng cả lý thuyết và các tình huống diễn tập.
Theo đó, trong những ngày qua, tại Đầm Vân Trì, xã Vân Nội (huyện Đông Anh, Hà Nội), Đoàn Thanh niên Công an huyện Đông Anh phối hợp cùng các thầy, cô giáo, bác sĩ, Trung tâm Văn hóa thông tin và thể thao huyện tổ chức diễn tập, tuyên truyền kĩ năng phòng, chống và sơ cứu khi bị đuối nước năm 2022.
Buổi diễn tập diễn ra với tình huống giả định, một nhóm học sinh đang nô đùa gần bờ sông, không may có 2 em học sinh bị trượt chân rơi xuống sông được chính các bạn cứu giúp bằng kỹ thuật được trang bị.
Đoàn Thanh niên Công an huyện Đông Anh đã cụ thể hóa các vật dụng gần gũi với các em tại hồ, ao để cứu người bị đuối nước như: Gậy sào, dây thừng, can bình, áo phao... tại phần thực hành sơ cấp cứu.
Các em học sinh đã được hướng dẫn tỉ mỉ các kĩ năng cứu người bị đuối nước như: Cách đặt tay vào miệng móc dị vật; cách nhận biết sự đáp ứng của nạn nhân, cách ép tim, hà hơi thổi ngạt…
Còn tại Trường Tiểu học Lê Quý Đôn (phường Dương Nội, quận Hà Đông, Hà Nội) đã triển khai mô hình điểm về PCCC&CNCH với chủ đề “Hè an toàn, vạn niềm vui” cho học sinh, sinh viên.
Mô hình đã thu hút 400 học sinh và hàng trăm giáo viên cùng lãnh đạo các trường trên địa bàn quận Hà Đông. Đây được chọn là mô hình điểm để phát triển tuyên truyền trên toàn thành phố trong dịp hè 2022.
Trong buổi diễn tập, Đội Cảnh sát PCCC&CNCH (Công an quận Hà Đông) đã đưa ra nhiều tình huống như cháy, đuối nước để học sinh làm quen và thực hiện các kỹ năng xử lý tình huống.
Sau khi thuyết trình và biểu diễn các kỹ năng cơ bản về chống cháy nổ, đuối nước, các em học sinh được chia thành từng nhóm nhỏ để thực hành kỹ năng nhiều hơn, như các kỹ năng chống đuối nước, thoát ra khỏi đám cháy trong phòng khi có nhiều khói khí độc, sử dụng mặt nạ chống độc, kỹ năng sử dụng bình cứu hỏa dập tắt đám cháy, kỹ năng thoát hiểm bằng dây ở các tầng cao của trường học, tòa nhà khi có cháy nổ.
Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH (Công an TP Hà Nội) cũng cho biết, thông qua buổi diễn tập đã trang bị cho các em học sinh những kiến thức cơ bản về phòng tránh tai nạn đuối nước, kỹ năng thoát hiểm trong đám cháy.
Đồng thời, qua các phân cảnh, bài tập và thực hành, Cảnh sát PCCC&CNCH sẽ xây dựng thành một video clip để gửi trên YouTube, mạng xã hội và đến các trường, lớp, đoàn thanh niên các xã, thị trấn, thôn, xóm, khu dân cư để chiếu tuyên truyền sâu rộng.