Những con số… nhói lòng
Theo số liệu thống kê, 5 tháng đầu năm 2022, cả nước có trên 110 trẻ tử vong do đuối nước. Trong đó, từ cuối tháng 3 đến đầu tháng 5, Đắk Lắk xảy ra 7 vụ đuối nước khiến 16 trẻ thiệt mạng. Cụ thể, ngày 10/4, ba học sinh Trường Tiểu học Nguyễn Bá Ngọc (xã ĐLiê Ya, huyện Krông Năng) cùng ra hồ nước trong buôn để bắt ốc nhưng không may rơi vào vùng nước sâu, khiến cả ba em tử vong. Ngày 18/4 tại xã Hòa An (huyện Krông Pắk), nhóm 5 học sinh rủ nhau ra đập Bà Tỵ chơi. Trong lúc vui đùa tại khu vực tràn nước, không may ba em bị trượt chân ngã xuống hố nước sâu. Thấy vậy, hai em ở trên bờ chạy đi gọi người đến cứu. Tuy nhiên, khu vực đập vắng vẻ, ít người qua lại nên khi đến nơi cả ba em đã tử vong.
Theo thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Đồng Tháp, từ đầu năm 2022 đến nay đã xảy ra 7 trường hợp trẻ đuối nước. Tương tự, tỉnh An Giang, trong năm 2021 có 12 trường hợp và quý I/2022 có 4 trường hợp trẻ đuối nước.
Tình trạng trẻ bị đuối nước không riêng gì ở nông thôn mà ngay tại các khu đô thị cũng có. Tối 9/5, vụ đuối nước tại con kênh trên đường TX33 khiến hai anh em ruột tử vong. Nạn nhân là bé trai 6 tuổi và em gái 3 tuổi. Theo thông tin ban đầu, khoảng 15 giờ cùng ngày, bà ngoại không thấy hai bé ở nhà nên đi tìm nhưng không gặp. Nghi ngờ cháu ngoại trượt chân đuối nước dưới kênh gần nhà, ông ngoại cùng ba người hàng xóm lặn xuống tìm. Đến 17 giờ cùng ngày, một người dân tìm thấy thi thể bé trai dưới kênh. Khoảng 30 phút sau, thi thể bé gái cũng được tìm thấy. Nguyên nhân do nạn nhân bị trượt chân chỗ khuyết lan can, rơi xuống kênh dẫn đến vụ việc đau lòng.
Cho trẻ môi trường sống an toàn
Là một người mẹ có con nhỏ, ThS Nguyễn Thị Bích Ngọc (Trường ĐH Quốc tế - ĐHQG TPHCM) luôn chú ý tới an toàn của con mình. Mỗi khi đưa con đến hồ bơi, sông biển, chị không cho phép mình rời mắt khỏi con và thậm chí phải xuống nước cùng.
“Bản thân nhiều lần thấy một số phụ huynh đưa con tới hồ bơi, xuống biển rồi vô tư cầm điện thoại chơi hoặc lo chụp hình mà không hề quan sát con. Nhiều trường hợp đau lòng đã xảy ra trong tích tắc lơ là của cha mẹ…” - chị Bích Ngọc chia sẻ, đồng thời thông tin: Nghỉ hè, nhiều đồng nghiệp đau đầu tìm chỗ gửi con, hoặc không biết cho trẻ chơi ở đâu để an toàn. Thiếu sân chơi cũng khiến cho việc xem tivi, điện thoại trở thành giải pháp mà phụ huynh dành cho các bé dịp này. Đó không phải là giải pháp tốt nhưng phụ huynh không có lựa chọn khác.
Anh Hà Văn Bảy, có con học tiểu học ở quận Phú Nhuận, TPHCM, cho rằng Việt Nam có 2.360 con sông dài trên 10km, với mật độ sông suối, kênh rạch khoảng 0,6 km/km2, vậy mà môn bơi lại chưa được phổ cập ở cấp tiểu học.
“Ngoài môn bơi nên bắt buộc phổ cập ở tiểu học, chúng ta nên đưa ra danh sách gồm 6 - 7 môn để học sinh chọn lựa theo ý thích. Ví dụ, trẻ thích bóng chuyền hoặc bóng rổ thì chọn học từ THCS lên THPT, thậm chí đại học. Như vậy sẽ phát huy được sở trường, đam mê”, anh Bảy chia sẻ.
Em Quỳnh Như - học sinh lớp 5 Trường Tiểu học Âu Dương Lân, Quận 8, TPHCM - chia sẻ: “Em rất thích bơi, nhưng bố mẹ không có nhiều thời gian để đưa em đi học nên đến nay, em chưa biết bơi. Môn Thể dục ở trường cũng không dạy bơi cho dù em rất muốn học để giảm bớt nỗi sợ mỗi khi gần nước”.
Ở góc độ nhà trường, thầy Phạm Trung Hữu - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phạm Văn Hai (huyện Bình Chánh, TPHCM) - cho rằng: Cha mẹ phải đi đầu trong việc giám sát, khuyên răn trẻ không được tự ý ra sông, suối, ao, hồ, các công trường đang thi công để tắm, bơi lội nhất là trong mùa hè nhằm tránh những mất mát đau lòng.
Bên cạnh đó, cha mẹ, nhà trường, các giáo viên chủ nhiệm nên nhắc nhở, giáo dục học sinh, đưa ra các dẫn chứng, kể những câu chuyện, vụ việc về trẻ bị đuối nước mà các phương tiện truyền thông đại chúng đưa tin để rút kinh nghiệm cho bản thân mình. Đoàn thanh niên các đơn vị, địa phương cũng nên chủ động nhắc nhở, cảnh báo trong dịp sinh hoạt hè để mỗi em luôn ý thức được sự nguy hiểm của việc đi tắm, đi bơi lội ở sông, rạch, ao, hồ...