Hành lang pháp lý đầy đủ
TS Thái Văn Tài – Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học (Bộ GD&ĐT) khẳng định: Thời gian qua, Bộ GD&ĐT có nhiều công văn chỉ đạo: Công văn số 6176/TH về việc hướng dẫn thực hiện mục tiêu, kế hoạch dạy học lớp 1 theo Chương trình và SGK mới (chương trình hiện hành theo Quyết định số 16/2006/BGDĐT); Công văn số 6631/BGDĐT-GDTrh về việc sử dụng SGK và tài liệu giảng dạy, học tập đều quy định rõ các cơ quan quản lí giáo dục, các trường không bắt buộc HS mua sách tham khảo, sách bổ trợ; đơn vị liên quan phải thông báo rõ điều này cho GV, HS và gia đình HS biết.
Cùng đó, Điều lệ Trường tiểu học ban hành kèm theo Thông tư số 41/2010/TT-BGDĐT tại Điều 28 SGK và tài liệu tham khảo cũng quy định rõ SGK là tài liệu bắt buộc sử dụng trong dạy và học theo Chương trình GDPT cấp tiểu học được Bộ trưởng Bộ GD&ĐT quy định. Nhà trường trang bị tài liệu tham khảo phục vụ cho hoạt động giảng dạy và nghiên cứu của GV; khuyến khích GV sử dụng tài liệu tham khảo để nâng cao chất lượng giáo dục. Mọi tổ chức, cá nhân không được ép buộc HS phải mua tài liệu tham khảo.
Như vậy, các văn bản hướng dẫn của Bộ đã rõ ràng, được ban hành sớm và thường xuyên cập nhật, nhắc nhở, quán triệt nội dung này, yêu cầu các trường thực hiện nghiêm, đúng theo quy định. Phòng GD&ĐT, sở GD&ĐT và cơ quan liên quan tại các địa phương cần tăng cường kiểm tra giám sát để nhà trường thực hiện.
Tăng cường trách nhiệm
TS Thái Văn Tài khẳng định: Nhà trường có trách nhiệm và cần chủ động cung cấp thông tin minh bạch, rõ ràng về SGK (bắt buộc) và sách tham khảo (tự nguyện). Song PHHS hãy là những “khách hàng thông thái”. Trước khi đặt mua SGK có thể thông qua nhiều kênh thông tin khác nhau để tìm hiểu rõ những quy định về sách. Thông tin nào cảm thấy chưa hiểu kĩ, cần hỏi lại nhà trường, GV để có sự tư vấn tốt nhất…
Mặt khác, PHHS cần nâng cao trách nhiệm phản biện xã hội, trong quá trình trang bị sách vở, đồ dùng học tập cho HS. Nếu phát hiện và khẳng định nhà trường ép buộc mua tài liệu tham khảo hay trang bị đồ dùng học tập trái với quy định (có bằng chứng rõ ràng) có quyền phản ánh đến cơ quan quản lý Nhà nước, địa phương để xử lý nghiêm.
TS chuyên ngành Tâm lý giáo dục Vũ Việt Anh (Giám đốc Học viện Thành công – Hà Nội) cũng bày tỏ quan điểm: Để mua đúng, đủ SGK và đồ dùng học tập cho HS, vai trò của PHHS không thể xem nhẹ.
“Việc mua sắm SGK, đồ dùng học tập là hoạt động thương mại thông thường. Như vậy, PHHS khi mua sắm phải có trách nhiệm tìm hiểu thông tin về sản phẩm. Cần nắm rõ cái nào cần và chỉ mua cái cần chứ không mua cái thích, không mua để trang trí hay để hài lòng GV, nhà trường...” - TS Vũ Việt Anh đưa ra lời khuyên.
Cũng theo TS Vũ Việt Anh: Tâm lý chung của PHHS ngại đối diện, không thể hiện chính kiến của mình với GV, nhà trường khi có vấn đề không trùng quan điểm. Tuy nhiên, trong một xã hội bình đẳng, mọi việc đều phải rõ ràng, minh bạch, văn minh… làm sao để nhà trường và PHHS có sự gắn kết, cùng nhau giải quyết vấn đề. PHHS ngại va chạm có thể gửi thư góp ý, gọi điện tới đường dây nóng của nhà trường hoặc các cơ quan chức năng, phản ánh thông qua Ban đại diện PHHS... PHHS không nên im lặng bởi sự giám sát và góp ý chính là giúp các nhà trường thêm minh bạch, hiệu quả, đẩy lùi tiêu cực từ trang bị đồ dùng học tập, SGK cho HS.
GS Đinh Quang Báo – Nguyên Hiệu trưởng Trường ĐHSP Hà Nội ngoài khẳng định trách nhiệm của nhà trường trong việc tham vấn thông tin rõ ràng đến PHHS cũng tăng cường trách nhiệm của các bậc cha mẹ.
“Ngay cả khi nhà trường đã làm đúng vai trò trách nhiệm trong việc tư vấn cung cấp thông tin về sách, PHHS vẫn phải hiểu biết để chọn đúng, mua đủ. Hãy mua những gì cần và tốt nhất cho con em mình. Muốn làm được như vậy, không cách nào khác, PHHS phải chủ động, tích cực tìm hiểu rõ thông tin để trở thành khách hàng hiểu biết…”- GS Đinh Quang Báo nói.