Trang bị cho học sinh về giáo dục giới tính, sức khỏe sinh sản vị thành niên

GD&TĐ - Việc trang bị cho học sinh trung học về giáo dục giới tính, sức khỏe sinh sản vị thành niên trong giai đoạn hiện nay là vô cùng cần thiết.

Các em học sinh Trường THCS Tây Đằng (Ba Vì, Hà Nội) cùng tham gia chuyên đề tuyên truyền một cách hăng say và nghiêm túc.
Các em học sinh Trường THCS Tây Đằng (Ba Vì, Hà Nội) cùng tham gia chuyên đề tuyên truyền một cách hăng say và nghiêm túc.

Nhằm giúp cho các em học sinh những kiến thức cơ bản về giới, cách chăm sóc sức khỏe sinh sản ở lứa tuổi vị thành niên, mới đây, Tổ Khoa học Tự nhiên Trường THCS Tây Đằng (Ba Vì, Hà Nội) đã tổ chức chuyên đề “Giáo dục giới tính và chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên”.

Cô Đặng Thúy Hà - Hiệu trưởng nhà trường nhấn mạnh: Giáo dục giới tính và chăm sóc sức khỏe vị thành niên là một vấn đề xã hội rất quan tâm. Ở nước ta, vấn đề giáo dục giới tính trong gia đình còn rất hạn chế. Nguyên nhân một phần do bố mẹ mải lo kinh tế và nhận thức rằng đây là vấn đề tế nhị, riêng tư không nên nói ra.

Trong các nhà trường THCS, việc giảng dạy giáo dục giới tính cho học sinh chưa được thực hiện rộng rãi và phổ biến. Bước đầu chỉ trên cơ sở lồng ghép vào một số môn học như Giáo dục công dân, Sinh học… với nội dung và thời lượng không nhiều.

Học sinh đặt câu hỏi với thầy cô về giáo dục giới tính ngay tại sân trường.

Học sinh đặt câu hỏi với thầy cô về giáo dục giới tính ngay tại sân trường.

Hiện nay, các xu hướng văn hóa đang xâm nhập, ảnh hưởng rất nhiều đến suy nghĩ và hành vi của lứa tuổi vị thành niên. Nếu không được cung cấp kiến thức đầy đủ sẽ dễ dẫn đến nhiều nguy cơ ảnh hưởng đến đạo đức lối sống, việc học hành, có khả năng ảnh hưởng đến cả tương lai và chất lượng dân số của toàn xã hội.

Ở lứa tuổi vị thành niên, mối quan hệ và những thắc mắc về tình bạn, tình yêu, giới tính, tình dục, các bệnh về đường sinh dục, các biện pháp phòng tránh thai… là những vấn đề mà học sinh đa phần phải “tự mình” tìm hiểu vì đây là những điều dường như “rất khó nói”.

Cô Đặng Thúy Hà cho hay, qua chuyên đề này, học sinh phần nào đã tự nhận thức được sự thay đổi về tâm sinh lý của mình, có thể hình thành các kỹ năng tự mình giải quyết được các “rối nhiễu tâm lý”, biết được những nguy cơ của quan hệ tình dục không lành mạnh và hậu quả nghiêm trọng của việc có quan hệ tình dục quá sớm.

Những "điều thầm kín" trước nay các em ngại đã phần nào được giải đáp qua chuyên đề lần này.

Những "điều thầm kín" trước nay các em ngại đã phần nào được giải đáp qua chuyên đề lần này.

Học sinh hiểu rõ được ảnh hưởng của hoocmôn sinh dục nam và nữ đến những biến đổi của cơ thể ở tuổi dậy thì. Biết được cơ sở khoa học và những điều kiện của sự thụ tinh và thụ thai. Hiểu được những nguy cơ, tác hại khi có thai ở tuổi vị thành niên.

Các em biết được những nguy cơ, cách đề phòng và xử lý khi gặp tình huống bị xâm hại tình dục. Biết cách vệ sinh kinh nguyệt. Từ đó các em có khả năng tự nhận thức, giao tiếp, bày tỏ, ứng phó tình huống khó khăn và ra quyết định đúng trong quan hệ bạn bè và tình yêu.

Trong thực tế cuộc sống, chúng ta đã chứng kiến một số học sinh phải bỏ học vì có thai, mang thai ngoài ý muốn, dẫn đến nạo phá thai ở độ tuổi vị thành niên; sinh con và nuôi con khi độ tuổi còn quá trẻ, làm dở dang việc học tập; mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe và đời sống tinh thần sau này.

Nếu các em được giáo dục và thực hiện tốt về giáo dục giới tính và sức khoẻ sinh sản ở tuổi vị thành niên từ gia đình, nhà trường và các tổ chức xã hội thì những chuyện đáng tiếc ấy sẽ hạn chế được tối đa.

"Giáo dục giới tính không xấu mà còn rất cần thiết, hiểu được vấn đề giới tính sẽ giúp các em giải tỏa nhiều điều thầm kín mà không nói được với ai, từ đó có cách suy nghĩ tốt, luôn sống trong sáng, lành mạnh, có ý chí trong cuộc sống và học tập. Biết yêu quý, tôn trọng chính bản thân mình và những người xung quanh" - cô Đặng Thúy Hà chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa INT.

Môn học công cụ

GD&TĐ - Theo kết quả kỳ thi học sinh giỏi quốc gia lớp 12 năm học 2024 - 2025, Hà Nội vẫn dẫn đầu cả nước về số lượng học sinh đoạt giải.