Trận tử chiến giữa rắn hổ mang chúa và trăn gấm

Dù sắp mất mạng sau khi trúng nọc độc của rắn hổ mang chúa, trăn gấm không quên phản đòn và kéo kẻ thù cùng chết theo.

Trận tử chiến giữa rắn hổ mang chúa và trăn gấm
Rắn hổ mang chúa và trăn gấm cùng mất mạng khi đụng độ nhau. Ảnh: Imgur.

Rắn hổ mang chúa và trăn gấm cùng mất mạng khi đụng độ nhau. 

Một bức ảnh gây sốt trên mạng xã hội Imgur hôm 1/2 ghi lại trận kịch chiến tới chết giữa hai con rắn khổng lồ, được xác định là trăn gấm (Python reticulatus) và rắn hổ mang chúa (Ophiophagus hannah). Cả hai loài đều là động vật bản xứ ở Đông Nam Á và nằm trong số những loài rắn lớn nhất thế giới, theo Live Science.

Trăn gấm và rắn hổ mang chúa đều là những loài rắn đáng sợ. Trăn lưới là loài rắn dài và nặng nhất thế giới, có thể đạt chiều dài 7 mét và trọng lượng lên tới 75 kg, sở hữu lực siết cực mạnh. Trong khi đó, rắn hổ mang chúa thường dài khoảng 5,5 mét và nặng 9 kg, có nhát cắn chứa chất độc thần kinh đủ để hạ gục một con voi châu Á. Nhưng khi hai loài vật này đụng độ, không con vật nào có thể sống sót trước đối phương.

Bức ảnh chụp ở một rãnh nước nông tại khu dân cư, xung quanh có nhiều chai lọ nhựa và nhiều rác thải khác nằm rải rác. Địa điểm được cho là ở vùng nhiệt đới châu Á, nơi duy nhất hai loài rắn có thể sinh sống gần nhau trong tự nhiên, theo Frank Burbrink, phó quản lý ban bò sát ở Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Mỹ tại New York.

Thoạt nhìn, rất khó để phân biệt phần thân thể của mỗi con vật. Khi xem xét kỹ hơn, có thể thấy hàm răng của rắn hổ mang ngoạm chặt cổ trăn, trong khi cơ thể với họa tiết hình thoi của trăn gấm quấn chặt thành nhiều vòng quanh cổ và nửa thân trên rắn hổ mang. Phần thân dưới của rắn hổ mang kéo dài từ nút thắt khóa chặt hai con rắn với nhau.

"Chúng đều là những con rắn lớn", Burbrink nhận xét. Dù rất ít yếu tố trong bức ảnh giúp xác định kích thước của chúng, rắn hổ mang chưa trưởng thành có những dấu vết đặc trưng nhưng con rắn trong ảnh không có, chứng tỏ nó đã trưởng thành.

"Bạn có thể trông thấy những đường sọc màu trắng nhỏ trên mình con rắn hổ mang trong ảnh, ở phần cơ thể duỗi dài trên đường. Những vạch trắng đó là vết tích từ họa tiết vòng tròn thường thấy ở rắn chưa trưởng thành, có màu sáng hơn nhiều khi chúng còn nhỏ", Burbrink giải thích.

Con trăn dường như khá tương xứng về kích thước với đối thủ của nó là rắn hổ mang. Rất khó để suy đoán sự việc từ một bức ảnh, dù cuộc hỗn chiến có thể bắt đầu khi rắn hổ mang tấn công trăn để săn mồi, Shab Mohammadi, nghiên cứu sinh sau tiến sĩ ở Trường sinh học thuộc Đại học Nebraska-Lincoln, nhận định.

"Rắn hổ mang gần như toàn ăn những loại rắn khác, còn trăn gấm chủ yếu ăn động vật có vú hoặc chim. Khả năng lớn nhất là con trăn đang cố tự vệ", Mohammadi nói.

Khi bị tấn công, trăn có thể cố gắng trườn đi, nhưng một con trăn di chuyển chậm chạp sẽ gặp khó khăn trong việc lẩn trốn rắn hổ mang nhanh nhẹn hơn nhiều, Burbrink cho biết.

Rắn hổ mang vô hiệu hóa con mồi bằng những nhát cắn chứa nọc độc, bơm chất độc thần kinh làm tê liệt các cơ hô hấp, và chúng thường không chờ tới khi con mồi chết hẳn mới nuốt chửng. Tính háu ăn của rắn hổ mang có thể đã dẫn nó đến kết cục thê thảm. Có thể nó cắn con trăn và sau đó mon men quá gần trong lúc chờ đối thủ đầu hàng.

Con trăn không chịu bỏ cuộc mà chưa phản đòn. Cú siết mạnh mẽ của nó dường như đã khiến rắn hổ mang mắc kẹt và mất mạng, dù sau đó nó cũng chết vì nọc độc của rắn hổ mang. "Tất cả rắn siết mồi đều sử dụng một chiến thuật chung để làm con mồi ngạt thở. "Chúng ép chặt con mồi, và mỗi khi con mồi thở ra, chúng lại ép chặt hơn, khiến con mồi hít vào ít không khí hơn. Cuối cùng, con mồi sẽ chết ngạt", Mohammadi giải thích.

Cú siết đoạt mạng của trăn cũng cản trở lưu thông máu trong cơ thể con mồi, có thể làm chúng chết nhanh hơn nhiều so với ngạt thở. Trong ảnh, có thể thấy rõ máu trên bụng con rắn hổ mang, có thể từ vết thương của trăn hoặc vết thương ở miệng rắn hổ mang gây ra trong lúc giằng co. Cuộc vật lộn có thể kéo dài bao lâu sẽ tùy thuộc vào liều lượng và độ mạnh của nọc độc rắn hổ mang, điều rất khó suy đoán từ bức ảnh. "Nhưng có vẻ như chất độc đã phát huy tác dụng", Burbrink nói.

Theo vnexpress

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ