Trân trọng giá trị di sản văn hóa Việt Nam qua chia sẻ của GS Trần Lâm Biền

GD&TĐ - Từ chia sẻ của Giáo sư Trần Lâm Biền, nhiều giáo viên, học sinh hiểu và trân trọng hơn về giá trị di sản văn hóa Việt Nam.

Học sinh tham dự buổi chia sẻ của Giáo sư Trần Lâm Biền. (Ảnh: NT).
Học sinh tham dự buổi chia sẻ của Giáo sư Trần Lâm Biền. (Ảnh: NT).

Giáo sư Trần Lâm Biền là một trong những nhà nghiên cứu văn hóa Việt Nam, luôn tâm sức cho công cuộc bảo tồn các di sản văn hoá của dân tộc. Ông có nhiều công trình nghiên cứu về văn hóa dân gian, tín ngưỡng tôn giáo như: Phật giáo và văn hoá dân tộc; Một con đường tiếp cận lịch sử; Diễn biến kiến trúc truyền thống của người Việt; Chùa Việt; Đồ thờ trong di tích của người Việt.

Kỷ niệm 80 năm ra đời “Đề cương văn hóa Việt Nam” (1943-2023), nhiều giáo viên, học sinh trên địa bàn TP Sầm Sơn (Thanh Hóa) đã được lắng nghe chia sẻ của Giáo sư Trần Lâm Biền về Phật giáo, kiến trúc đền, chùa; thờ cúng…

Bên cạnh đó, Giáo sư Trần Lâm Biền còn nói về nguồn gốc xuất xứ của văn hóa, kiến trúc, tư duy của tổ tiên trong các công trình kiến trúc về di sản, di tích; thời gian tồn tại và kiến trúc độc đáo của các ngôi chùa Việt qua các thời kỳ; phân tích cách bài trí và ý nghĩa tượng Phật giáo, phong cách tượng Phật giáo qua các thời kỳ…

Theo Giáo sư, một ngôi chùa hay đền, đình phải đạt chuẩn thông tam giới. Mái tượng trưng cho tầng trời. Đất - thân của nó là nơi thần và người tiếp cận, cần được thông nhau. Vì thế nền đất phải để mộc. Nếu có lát phải để những mạch rộng hoặc dùng gạch bát thấm nước để thông âm dương. Chính những di sản văn hóa của tổ tiên để lại cho biết bước phát triển của cộng đồng dân tộc đi dần tới thống nhất như ngày nay một cách cực kỳ rõ ràng.

Giáo sư Trần Lâm Biền nói về di sản văn hoá Việt Nam. (Ảnh: NT).

Giáo sư Trần Lâm Biền nói về di sản văn hoá Việt Nam. (Ảnh: NT).

Điểm nhấn trong câu chuyện của Giáo sư là những kiến thức về kiến trúc các công trình di sản trên địa bàn TP Sầm Sơn.

Tham dự buổi Hội nghị chuyên đề “Kỷ niệm 80 năm ra đời Đề cương văn hóa Việt Nam”, nghe lời giảng của Giáo sư Trần Lâm Biền, cô giáo Đỗ Thị Hoa - Tổ trưởng tổ Ngữ văn, Trường THPT Chu Văn An (TP Sầm Sơn) cho biết: “Với những gì mà tổ tiên để lại, thấy rằng văn hóa Việt Nam đã thể hiện sự tinh thông trí tuệ của người xưa mà trong đó tín ngưỡng dân gian là yếu tố quan trọng tạo nên bản sắc văn hóa dân tộc. Bởi vậy, trách nhiệm của thế hệ hiện tại là cầu nối cho văn hóa của quá khứ và tương lai.

Việc chúng ta tôn trọng quá khứ, hiểu đúng ý nghĩa, bản sắc văn hóa Việt Nam không chỉ là giữ gìn di sản cha ông mà cũng là cách chúng ta bảo tồn, xây dựng và phát triển đất nước”.

Theo cô giáo Doãn Thị Phương Nga - giáo viên môn Ngữ Văn, Tổ trưởng tổ khoa học xã hội (Trường THCS Nguyễn Hồng Lễ, TP Sầm Sơn) thì di sản văn hóa chính là hồn cốt của dân tộc, mang lại giá trị nhân cách, lẽ sống về vẻ đẹp tâm hồn dân tộc Việt Nam.

Toàn cảnh hội nghị. (Ảnh: NT).

Toàn cảnh hội nghị. (Ảnh: NT).

“Là giáo viên dạy môn Ngữ văn và Lịch sử nên ngay từ khi trong trường sư phạm, bản thân đã thấu hiểu sâu sắc giá trị bản sắc văn hoá dân tộc Việt Nam, một nền văn hoá đa dạng và có chiều sâu lịch sử.

Có thể nói, di sản văn hoá của dân tộc được gìn giữ từ xưa đến nay trên các vùng miền trên Tổ quốc, trên các tác phẩm lịch sử, các di cảo, tập san, đặc biệt văn hoá di sản đình chùa miếu mạo, các nhân vật lịch sử đều đem lại cho con người Việt Nam bài học vô giá về nhân cách sống, tình yêu quê hương đất nước, niềm tự hào lớn lao của dân tộc. Di sản văn hoá là một trong những điều giá trị để chúng ta có thể tự hào giới thiệu cho bạn bè năm châu bốn bể, cũng như xây dựng phát triển đất nước trong quá khứ hiện tại và tương lai”, cô giáo Phương Nga chia sẻ.

Lĩnh hội được nhiều hơn những kiến thức qua buổi trò chuyện của Giáo sư Trần Lâm Biền, em Đào Thùy Anh - học sinh Trường THPT Chu Văn An bộc bạch: “Đây là một buổi nói chuyện vô cùng ý nghĩa đối với chúng em. Chúng em không chỉ hiểu hơn về nền văn hóa nước nhà mà còn hiểu hơn những di tích lịch sử trên mảnh đất Sầm Sơn - nơi chúng em sinh ra và lớn lên”.

Em Lê Bảo Châu, học sinh Trường THCS Hồng Lễ, TP Sầm Sơn cũng cho biết, bản thân đã tìm hiểu di sản văn hóa Việt Nam qua các chương trình ti vi, trang báo mạng, những cuốn sách nhưng khi được nghe Giáo sư phân tích, em đã hiểu hơn về nền văn hóa Việt Nam đa dạng, phong phú, giàu bản sắc, đáng để trân trọng và gìn giữ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

'Nỗi ám ảnh' của ông Trump

GD&TĐ - Một trong những quốc gia được nhắc nhiều và chịu ảnh hưởng ngay trong ngày nhậm chức của Tổng thống Mỹ Donald Trump là Mexico.