Giáo sư Trần Lâm Biền: 'Ứng xử với di sản phải lấy khoa học làm đầu'

GD&TĐ - Giáo sư Trần Lâm Biền cho rằng, đến với các di sản chùa, đền là hướng đến thiện tâm, hướng đến những điều tốt đẹp trên nền tảng trí tuệ.

Giáo sư Trần Lâm Biền chia sẻ về di sản văn hoá, các công trình nghiên cứu về di sản văn hóa Việt Nam. (Ảnh: NT).
Giáo sư Trần Lâm Biền chia sẻ về di sản văn hoá, các công trình nghiên cứu về di sản văn hóa Việt Nam. (Ảnh: NT).

Sáng 28/2, UBND TP Sầm Sơn tổ chức Hội nghị chuyên đề kỷ niệm 80 năm ra đời “Đề cương văn hóa Việt Nam” (1943-2023).

Tham dự hội nghị, bên cạnh lãnh đạo Thành ủy, UBND TP Sầm Sơn, các phòng Văn hoá - Thông tin, Phòng GD&ĐT còn có các giáo viên là tổ trưởng tổ chuyên môn Văn - Sử các cơ sở giáo dục cùng đại diện học sinh các trường THCS và THPT trên địa bàn TP Sầm Sơn.

Toàn cảnh hội nghị. (Ảnh: NT).

Toàn cảnh hội nghị. (Ảnh: NT).

Tại hội nghị, Giáo sư Trần Lâm Biền - nhà nghiên cứu Di sản văn hoá đã chia sẻ về Phật giáo và văn hóa dân tộc; diễn biến kiến trúc truyền thống của người Việt, chùa Việt; đồ thờ trong di tích của người Việt; kiến trúc gắn với văn hóa tâm linh đền chùa, di tích.

Bên cạnh đó, Giáo sư Trần Lâm Biền còn nói về nguồn gốc xuất xứ của văn hóa, kiến trúc, tư duy của tổ tiên trong các công trình kiến trúc về di sản, di tích; thời gian tồn tại và kiến trúc độc đáo của các ngôi chùa Việt qua các thời kỳ; phân tích cách bài trí và ý nghĩa tượng Phật giáo, phong cách tượng Phật giáo qua các thời kỳ…

Theo Giáo sư Trần Lâm Biền, đền chùa được tổ tiên chúng ta để lại, được xây dựng hàng nghìn năm và đều có kiến trúc nghệ thuật độc đáo. Từ hướng cho đến những hoa văn, sự vật được trang trí đều thể hiện ẩn ý tốt đẹp, muôn loài sinh sôi nảy nở…

Vì thế, Giáo sư Trần Lâm Biền cho rằng, thế hệ con cháu đến với di sản đền, chùa không phải chỉ để cầu siêu mà hướng đến thiện tâm, hướng đến những điều tốt đẹp trên nền tảng trí tuệ. Trong di sản văn hoá, chúng ta tìm thấy nhịp thở của tổ tiên, nghe tiếng thì thầm của quá khứ, vì thế chúng ta phải có nghĩa vụ bảo vệ nền văn hoá của dân tộc.

Giáo sư Trần lâm Biền khẳng định: "Ứng xử với di sản phải lấy khoa học làm đầu. Nếu cứ vỗ ngực ứng xử với di sản bằng cái tâm thì nhất định sai lầm. Tâm thành, tích cực và sự thiếu hiểu biết là đồng nhất với sự phá hoại. Tuệ và tâm, tâm phải nương vào tuệ và không có tuệ thì nhất định là sai lầm".

Hội nghị chuyên đề cũng tập trung làm rõ, sâu sắc vai trò quan trọng của “Đề cương văn hóa Việt Nam”; quá trình vận dụng, phát triển những nội dung của “Đề cương văn hóa Việt Nam” đối với sự nghiệp xây dựng văn hóa vùng đất Sầm Sơn nói riêng và Việt Nam nói chung. Qua đó, góp phần nâng cao tư duy, nhận thức về Đảng, về văn hóa, vai trò của văn hóa cho cán bộ, công chức, viên chức, giáo viên trên địa bàn TP Sầm Sơn; đồng thời khơi dậy khả năng sáng tạo, bồi dưỡng nhân cách, tâm hồn, lối sống lành mạnh cho thế hệ trẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Người bệnh nhập viện trong tình trạng đau tức ngực dữ dội, khó thở. Ảnh: BVCC

Nhồi máu cơ tim sau tập thể hình

GD&TĐ - Các bác sĩ Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E đã cứu sống một nam thanh niên (32 tuổi) nhập viện do nhồi máu cơ tim cấp.

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.