Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Mai Hoa: Truyền thống “Tôn sư trọng đạo” vẫn được trao truyền trong dòng chảy văn hoá Việt Nam

GD&TĐ - “Hơn 14 năm rời xa bục giảng nhưng cảm xúc về Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 vẫn còn vẹn nguyên và tươi mới như ngày nào”. Đó là chia sẻ của bà Nguyễn Thị Mai Hoa - Ủy viên Thường thực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội. Bà Mai Hoa cũng bày tỏ quan điểm cá nhân về truyền thống “Tôn sư trọng đạo” và văn hóa tặng quà thầy, cô giáo nhân ngày 20/11.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Mai Hoa: Truyền thống “Tôn sư trọng đạo” vẫn được trao truyền trong dòng chảy văn hoá Việt Nam

* Từng là học sinh, rồi trở thành nhà giáo, nay là đại biểu Quốc hội, vậy Ngày Nhà giáo Việt Nam mang lại cảm xúc cho bà như thế nào?

- Đúng là tôi có rất nhiều cảm xúc. Dù đã rời xa bục giảng 14 năm, nhưng hình như tôi vẫn chưa quen với việc mình không còn là cô giáo. Tôi rất cảm động khi được các trò của mình gọi là cô giáo, bạn bè giáo viên giới thiệu là đồng nghiệp. Có lẽ vì vậy mà mỗi khi đến ngày Nhà giáo Việt Nam, tôi vẫn như được sống trong niềm vui của những người làm nghề giáo và cũng khá bận rộn với nhiều vai khác nhau.

Vào vai học trò thì nhớ về thầy, cô giáo cũ, vào vai cô giáo thì nhận lời chúc mừng của học trò cũ gần - xa, vào vai phụ huynh thì đồng hành cùng các con trong việc thể hiện tình cảm của mình với thầy, cô giáo của các con … Có điều là nhiều vai quá nên vai nào cũng thấy khiếm khuyết, không thể làm tròn. Nhưng tình cảm dành cho nghề giáo, cho các nhà giáo thì lúc nào cũng vẹn nguyên, thậm chí càng lúc càng tràn đầy hơn.

Tôi luôn tự hào về những người thầy, người cô đã dìu dắt tôi và các con tôi. Tôi thấy may mắn vì mình đã từng là nhà giáo. Và mỗi khi đón Ngày Nhà giáo Việt Nam lại càng thấm thía lời của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng: “Nghề dạy học là nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý”.

* "Nhất tự vi sư, bán tự vi sư" đó là truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta. Vậy bà có bình luận gì về câu nói này, nhất là hiện nay có một vài sự vụ liên quan đến mối quan hệ giữa thầy và trò?

- Tôi nghĩ bất cứ thời nào thì quan niệm của dân gian về sự học, về đạo thầy - trò vẫn luôn đúng và có giá trị sâu sắc. Đó là lễ nghĩa, là đạo lý truyền thống "Tôn sư trọng đạo" của dân tộc ta, được trao truyền qua nhiều thế hệ và đã trở thành nét văn hoá ứng xử đẹp của người Việt Nam. Đồng thời thể hiện sâu sắc vị trí người thầy giáo trong đời sống tinh thần của xã hội Việt Nam ta.

Ở đây, cần bàn đến ý nghĩa của truyền thống đạo lý này từ hai phía: Đối với người dạy, cần giữ tròn đạo làm thầy, phải có trách nhiệm và giữ gìn nhân cách làm thầy để xứng đáng được xã hội tôn vinh. Đối với người học, cần giữ đạo làm trò, một mực kính trọng, lễ nghĩa với thầy. Và trong thực tế, cũng đã lưu truyền nhiều câu chuyện cảm động về tình thầy - trò cao quý theo truyền thống tôn sư trọng đạo của dân tộc.

Tuy nhiên, thời gian qua, truyền thống tốt đẹp này dường như đang bị chi phối bởi nhiều yếu tố khác. Đâu đó vẫn còn để xảy ra những chuyện không hay về đạo thầy – trò. Hiện nay, đội ngũ giáo viên phải chịu áp lực từ nhiều phía. Nào là thành tích thi đua của nhà trường, sự kỳ vọng quá lớn của phụ huynh… Song điều quan ngại nhất đó là sự vô tình của mạng xã hội đã khiến không ít nhà giáo chân chính buồn về nghề; thậm chí có tâm lý “giữ mình”, chọn cách làm ngơ trước hành vi sai trái của học trò để tránh “tai bay vạ gió”.

Tuy nhiên, đó chỉ là một mảng màu trên nền bức tranh giáo dục rộng lớn. Vì trên khắp đất nước này, nhiều thầy giáo, cô giáo đã và đang lặng lẽ cống hiến, hy sinh thầm lặng cho sự nghiệp “trồng người”. Họ đã vượt lên biết bao khó khăn cả về vật chất lẫn tinh thần, để quyết tâm bám trường, bám lớp và miệt mài “gieo chữ” trên mọi miền của Tổ quốc. Đó là những điều chúng ta hết sức trân quý và họ rất đáng được tôn vinh.

* Hiện nay có nhiều ý kiến khác nhau về tặng quà nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11. Vậy quan điểm bà về vấn đề này như thế nào?

- Từ xưa, ông cha ta đã có câu: “Mồng một Tết cha, Mồng ba Tết thầy”. Đó là lễ nghĩa. Thực ra, hành động tặng quà vốn có ý nghĩa tốt đẹp. Vì vậy ngày nay, hành thăm hỏi, chúc Tết, tặng quà thầy cô giáo trong ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 chính là sự tiếp nối truyền thống văn hoá ứng xử tốt đẹp của người Việt xưa.

Tôi nhớ ngày xưa, món quà của thế hệ học trò chúng tôi mang tới tặng thầy, cô giáo của mình nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 chỉ là mấy quả cam, nhành hoa dại hái từ vườn nhà. Vậy mà vẫn trở thành những kỷ niệm đẹp về tình thầy trò, để mỗi khi nhắc lại tất cả đều dâng trào cảm xúc và rưng rưng niềm xúc động.

Song cũng phải thẳng thắn thừa nhận rằng, hiện nay việc tặng quà thầy, cô giáo đang bị một số phụ huynh lạm dụng. Không ít phụ huynh đã áp dụng cách ứng xử các mối quan hệ thông thường ngoài xã hội vào môi trường trong giáo dục, chuyển quà tặng thầy cô thành phong bì, phong bao. Ban đầu xuất phát từ lòng biết ơn, sau chuyển dần sang nghĩa vụ. Rồi theo hiệu ứng tâm lý đám đông, người này nhìn người kia để làm theo nhau, chứ chưa thực sự xuất phát từ tình cảm thiêng liêng là tri ân thầy, cô giáo. Đó là điều đáng buồn, đáng phải suy nghĩ.

Tuy nhiên, những câu chuyện trên thường chỉ xảy ra ở những khu đô thị có điều kiện kinh tế phát triển, những phụ huynh có điều kiện và cũng chỉ dành cho một bộ phận nhà giáo … Tức là chiếm tỷ lệ rất nhỏ và không phải là bức tranh chung, vì phần đông thầy, cô giáo của chúng ta đang công tác ở vùng nông thôn, miền núi, hải đảo, kể cả khu công nghiệp.

Tôi vẫn tin giáo dục luôn có những cơ chế, cách thức, chuẩn mực và cả lương tâm nghề nghiệp của nhà giáo để tránh bị chi phối bởi các lợi ích từ quà tặng. Và chắc chắn, nhiều thầy, cô giáo cũng không muốn đón nhận những món quà nhuốm màu vật chất. Vì tình thầy - trò đích thực không thể cân đong, đo đếm mà chỉ có thể xuất phát từ sự kính trọng, yêu thương, chân thành và trong sáng mà thôi.

Xin cảm ơn bà!

“Không ít câu chuyện cảm động về những người thầy, người cô không quản ngại gian lao, vất vả để “cõng chữ” đến với học trò vùng cao, vùng biên giới, hải đảo. Qua đó, chúng ta càng có thêm niềm tin vào những điều tốt đẹp, những điều cao quý, bền vững của cuộc đời. Và tôi luôn tin rằng, truyền thống tôn sư trọng đạo vẫn tiếp tục được gìn giữ, trao truyền trong dòng chảy văn hoá Việt Nam”.
Bà Nguyễn Thị Mai Hoa

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ