Trăn trở vượt lối mòn: Con ngoan, trò giỏi có... hợp thời

GD&TĐ - Theo các chuyên gia và giáo viên trực tiếp đứng lớp, quan niệm học sinh ngồi trong lớp khoanh tay ngoan ngoãn làm theo lời thầy, cô không còn phù hợp. Cách dạy học truyền thống, thụ động một chiều đã mang đến nhiều hạn chế cho học sinh và trở nên lạc hậu trước bối cảnh đổi mới giáo dục hiện nay.

Giáo viên cần chủ động đổi mới phương pháp dạy học, tránh dạy theo lối mòn.
Giáo viên cần chủ động đổi mới phương pháp dạy học, tránh dạy theo lối mòn.

Hạn chế về năng lực, phẩm chất

Thầy Nông Ngọc Trọng – giáo viên Ngữ văn, Trường THCS An Mỹ (Thủ Dầu Một, Bình Dương) nêu thực trạng: Nhiều thầy, cô giáo theo thói quen nên thường áp dụng những phương thức cũ như hỏi - đáp, thuyết trình, minh họa…

Tiến trình giờ lên lớp gồm: Giới thiệu kiến thức, thực hành, sửa bài tập… Kể cả khi ứng dụng công nghệ thông tin, giáo viên cũng thường thực hiện theo kiểu thầy trình chiếu, thao tác, liên hệ… sau đó, trò tương tác cùng làm các bài tập… 

Tuy nhiên, theo thầy Trọng, thực tế học sinh vẫn còn tâm lý chờ đợi thầy dẫn đến việc giáo viên giải quyết mau chóng các nội dung học tập, để bài học kịp giờ, chương trình, không tồn nội dung cho tiết sau.

Ngoài ra, có hiện tượng, giáo viên nỗ lực cung cấp đầy đủ kiến thức và học sinh cố gắng tiếp thu cho an toàn. Học sinh dần mất đi sự sáng tạo do thiếu đầu tư, tìm tòi; cũng có học trò sợ thầy cô “rầy la, đánh giá” nên không dám nêu ý kiến riêng... Suy cho cùng đó cũng là hệ quả của cách dạy truyền thống theo lối một chiều đã tồn tại bấy lâu nay.

Cô Mai Thị Hà – Tổ trưởng Tổ Xã hội, Trường THPT Yên Hòa (Hà Nội) trao đổi: Cách dạy truyền thống thường cung cấp thông tin một chiều cho học sinh và mang tính áp đặt.

Tức là, cái gì thầy giáo nói cũng đúng, học sinh nghe theo hoặc làm theo một cách máy móc, thụ động không hề có phản biện, dù thầy giáo có nói sai. Khi học sinh không được trải nghiệm, thực hành quan điểm của mình, tức là cái tôi không được bộc lộ nên năng lực, phẩm chất, kỹ năng của các em rất khó được phát triển và hình thành trong thực tiễn.

Cho trẻ quyền được “cãi”

Đồng quan điểm, cô Trần Thị Ánh Nguyệt – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thọ Sơn (TP Việt Trì, Phú Thọ) cho rằng: Nếu giáo viên dạy học theo kiểu áp đặt chắc chắn các em sẽ tiếp thu thụ động, một chiều, không có phản biện. Lâu dần không đem đến cho các em sự sáng tạo, không kích thích tư duy của trò phát triển, gây nhàm chán trong tiết học. 

“Phương pháp dạy học truyền thụ một chiều cũng là một trong những nguyên nhân khiến các kỹ năng cần thiết trong cuộc sống của các em bị thiếu, thậm chí là yếu, như: Làm việc nhóm, hợp tác tư duy; tìm tòi, sáng tạo kém; ứng xử tình huống kém… Do thiếu kỹ năng nên khi có xung đột xảy ra, có thể dẫn đến bạo lực” – cô Nguyệt cho hay. 

Theo cô Nguyệt, nếu như ai đó nói rằng: Học trò không dám nói thẳng, nói thật, không dám phản biện thầy, cô giáo của mình vì sợ phê là “hỗn” thì quan niệm này không phù hợp. Bởi dạy học chính là định hướng phát triển phẩm chất, năng lực của học sinh. Đây chính là mục tiêu căn bản của Chương trình giáo dục phổ thông mới. Tức là, các em vận dụng kiến thức, kỹ năng đã học vào thực tiễn như thế nào?

Các em đã làm được gì sau khi học. 

Cho rằng, phương pháp dạy học truyền thống một chiều dẫn đến tính thụ động trong việc tiếp cận tri thức, PGS.TS Trần Thị Minh Hằng - giảng viên cao cấp Học viện Quản lý GD trao đổi: Điều này dẫn đến tình trạng học sinh thiếu kỹ năng hợp tác, cao hơn là văn hóa hợp tác. Vì là thụ động và thiếu kỹ năng hợp tác nên các em không mở rộng được kiến thức để áp dụng trong thực tiễn. 

Theo TS Phạm Thị Thuý, giảng viên Học viện Hành chính Quốc gia (cơ sở tại TPHCM), hiện vẫn còn không ít giáo viên đi theo lối mòn trong phương pháp dạy học, muốn trò phải răm rắp nghe theo mình. Những bài giảng, lên lớp vẫn còn nặng về truyền kiến thức, đọc chép… Vì vậy, vô tình đào tạo ra những học trò rất thụ động, nếu nói ví von… “là gần giống với robot”.

Quan niệm về con ngoan trò giỏi vì vậy mỗi người cũng có góc nhìn khác nhau. Tuy nhiên, TS Phạm Thị Thuý cho rằng: Phương pháp, quan điểm dạy học “thầy nói gì trò phải nghe nấy” đã lỗi thời, không còn phù hợp với sự phát triển của xã hội ngày nay, trong đó có sự phát triển, hội nhập của giáo dục. 

TS Phạm Thị Thuý luôn tâm đắc với quan điểm, “hãy để cho trò có quyền được cãi”. “Học trò cãi thầy cô có nên bị coi là hỗn? Con cái cãi cha mẹ có nên coi là hư? Con trẻ biết cãi, đó là dấu hiệu đáng mừng”, TS Phạm Thị Thuý nhấn mạnh.

Theo đó, trẻ có suy nghĩ độc lập, dám nói, dám đấu tranh để được đáp ứng mong đợi của bản thân. Có thể do thiếu kinh nghiệm ứng xử nên cách các em cãi thầy cô hay cha mẹ dễ gây phản cảm, vì vậy mà bị kết tội hư, hỗn.

Biết cãi là trẻ đang tập phản biện, dần hình thành tư duy phản biện và kỹ năng phản biện. Người học có quyền phản biện để được học thực sự. Thầy cô nên cho trẻ cơ hội nói lên ý kiến khác, dạy trẻ biết cách cãi, nói đúng hơn là biết tranh luận, phản biện ngay từ khi còn bé. Trẻ cần được người lớn lắng nghe khi các em có những cách nghĩ, cách làm khác người lớn.

“Có thể suy nghĩ đó chưa đủ chín chắn, chưa cân nhắc mọi dữ kiện nhưng khi được lắng nghe, các em mới có cơ hội bày tỏ và từ đó sẽ lắng nghe người lớn hơn. Học sinh cần và phải được thực hiện quyền trẻ em của mình. Trước điều cho là sai mà các em vì sợ không dám lên tiếng thì đó là sự bạc nhược. Sau này lớn lên liệu có bản lĩnh bảo vệ cái đúng, chống lại cái sai để bảo vệ mình, bảo vệ mọi người?”, TS Phạm Thị Thuý bày tỏ.

TS Phạm Thị Thúy cũng cho rằng: Người lớn cần học cách tôn trọng, lắng nghe trẻ, coi những dịp trẻ phản kháng là cơ hội để dạy trẻ cách suy nghĩ độc lập, cách phản ứng có văn hóa. Muốn vậy, người lớn cần có tâm thế bình đẳng với trẻ, đừng coi điều gì mình nói ra cũng đúng.

“Trẻ em bây giờ thông minh và có cơ hội tiếp cận thông tin đa chiều. Nếu cha mẹ, thầy cô không biết lắng nghe để học từ trẻ sẽ khó được trẻ kính phục mà tin tưởng. Thời nay rất khó dạy trẻ bằng sự áp đặt, chỉ có thể thuyết phục con trẻ tin và nghe lời khi người lớn đối xử bình đẳng, tôn trọng và với đầy đủ lý lẽ xác đáng.

Thầy cô cũng cần thay đổi cách nhìn ứng xử sao cho trẻ tin yêu. Cần nhìn nhận lại thế nào là con hư, trò hỗn, để học cách tôn trọng trẻ hơn, cho trẻ cơ hội được suy nghĩ khác, được nói khác những gì chúng được truyền dạy. Có như vậy xã hội mới có cơ hội phát triển dựa trên sức sáng tạo và bản lĩnh của giới trẻ”, TS Phạm Thị Thuý chia sẻ.

Chú trọng phát triển năng lực, phẩm chất của học sinh.
Chú trọng phát triển năng lực, phẩm chất của học sinh.

Chuyển động cùng trò…

Dạy học nặng về truyền thụ kiến thức, muốn trò… học thật tốt, điểm thật cao, còn “cả thế giới cứ để cô và cha mẹ lo” dường như đã không còn phù hợp. Tuy nhiên, theo nhiều giáo viên, không phải muốn “buông bỏ” là làm được ngay lập tức.

Cô giáo P.N giảng dạy tại trường THPT tại quận 3 (TPHCM), có 30 năm công tác trong ngành chia sẻ, giáo viên lớn tuổi, một phần do tâm lý ngại thay đổi, một phần do quá trình dạy học từ nhiều năm trước, thế hệ học trò rất khác nhau.

Thêm vào đó, chương trình vẫn còn nặng, mỗi tiết học 45 phút cho mọi hoạt động nên GV không có nhiều thời gian thay đổi. Vì vậy, tâm lý của nhiều thầy cô vẫn muốn các em “chịu khó học bài, nắm chắc bài và làm sao khi các em kiểm tra, thi cử điểm số tốt. Các em không hỗn hào, ngoan, vâng lời”. Còn những vấn đề về tư duy phản biện hay nhiều hình thức đổi mới dạy học dạy dự án, dạy nhóm, trải nghiệm… vẫn còn rất hạn chế. 

“Nói như vậy, không có nghĩa là đội ngũ nhà giáo kinh nghiệm lâu năm “đứng im”, chúng tôi vẫn rất nỗ lực để bắt kịp về ứng dụng công nghệ thông tin, sử dụng giáo án điện tử… nhưng nói về thành thạo các công nghệ, ngoại ngữ vẫn là một rào cản. Thầy cô, tuỳ từng thế hệ học trò, để thay đổi phương pháp giáo dục phù hợp. Việc dạy học “cầm tay chỉ việc, chỉ đâu nghe đó” đã lỗi thời”, cô P.N giãi bày. 

Theo thầy Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du (quận 10, TPHCM), học trò ngày nay thông minh, giỏi ngoại ngữ, tin học… mà đôi khi những thầy cô lớn tuổi một chút chưa bắt kịp. Bên cạnh đó, cũng có những em còn bốc đồng, nông nổi…

Chúng ta không thể áp đặt học sinh phải thế này thế kia, phải nghe lời răm rắp theo phương pháp cũ mà phải chuyển động cùng trò. Việc đặt mình vào vị trí các em, để biết các em cần gì, muốn gì, từ đó thầy cô điều chỉnh phù hợp là điều mà mỗi giáo viên, nhà trường luôn hướng tới.

Qua nhiều năm đứng lớp, thầy giáo Đỗ Đức Anh, Trường THPT Bùi Thị Xuân (quận 1, TPHCM) bày tỏ: Học trò ngày nay có điều kiện tiếp cận với nhiều nguồn thông tin. Các em giỏi ngoại ngữ, công nghệ… rất năng động. Vì vậy, người thầy cũng… phải chuyển động theo các em, nhất là đổi mới phương pháp dạy. 

Thầy Đức Anh cho biết: Khi dạy một tác phẩm văn học, nhiều em đặt câu hỏi rất hay. Điều đó cho thấy, các em tìm hiểu tác phẩm kĩ, có sự đầu tư và nó thôi thúc người thầy nghĩ đến việc dạy học theo dự án hay “nhường” bục giảng, khuyến khích các em đứng trước lớp để nêu những suy nghĩ, cảm nhận của mình về tác phẩm… Thầy giáo chỉ đóng vai trò là người dẫn dắt, định hướng, giải đáp những gì các em còn thắc mắc. Chứ không còn là hình ảnh “thầy cầm tay chỉ việc, bảo gì nghe nấy”.

Thầy, cô truyền thụ cho cái gì thì các em làm theo cái đó. Tức là học sinh không biết cách để triển khai, phát hiện vấn đề, không biết giải quyết vấn đề. Cũng là do không có văn hóa hợp tác nên rất dễ xảy ra xung đột. Khi các em không chấp nhận sự khác biệt của nhau, có thể xảy ra mâu thuẫn, thậm chí dẫn đến bạo lực. PGS.TS Trần Thị Minh Hằng 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ