Trăn trở vấn đề lập đề án tài sản công vào mục đích liên kết trong giáo dục

GD&TĐ - Quy định sử dụng tài sản công vào mục đích liên kết trong giáo dục được cho rằng có những vướng mắc, bất cập trong quá trình thực hiện.

Hoạt động giáo dục kỹ năng sống và hoạt động ngoài giờ chính khoá cho học sinh là cần thiết.
Hoạt động giáo dục kỹ năng sống và hoạt động ngoài giờ chính khoá cho học sinh là cần thiết.

Lúng túng trong triển khai

Ngày 4/12/2023, Bộ GD&ĐT có văn bản chỉ đạo về việc tăng cường quản lý giáo dục hoạt động kỹ năng sống và hoạt động ngoài giờ chính khóa.

Trong công văn, Bộ GD&ĐT đề nghị các sở GD&ĐT tham mưu UBND trình HĐND cấp tỉnh phê duyệt và ban hành (theo thẩm quyền) quy định về nội dung chi, định mức chi đối với dịch vụ hoạt động giáo dục kỹ năng sống và hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khoá trên địa bàn.

Đồng thời, tham mưu UBND cấp tỉnh chỉ đạo các đơn vị liên quan trong quản lý hoạt động giáo dục kỹ năng sống và hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khoá theo đúng quy định…

Đặc biệt, việc sử dụng tài sản công tại đơn vị sự nghiệp công lập vào mục đích liên doanh, liên kết phải thực hiện theo đúng quy định tại Điều 58 Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Điều 47 Nghị định 151/2017/NĐ-CP của Chính phủ hướng dẫn Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Điều 6 Thông tư 144/2017/TT-BTC hướng dẫn Nghị định 151/2017/NĐ-CP.

Việc lập đề án tài sản công đang khiến các trường lúng túng trong quá trình thực hiện. Nhiều trường cho biết, có thể sẽ phải dừng liên kết nếu quy trình phức tạp.

Bà Nguyễn Thị Mai, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trần Phú (TP Thanh Hoá) chia sẻ: “Những dự án lớn trong liên doanh, liên kết, cho thuê tài sản công thì không nói nhưng việc liên kết với công ty dạy ngoài giờ chính khoá là hoạt động rất nhỏ để phục vụ cho học sinh nhưng phải làm đề án trình qua các Sở, ngành cấp tỉnh, HĐND cấp tỉnh thì nó rất phức tạp. Tôi cho rằng nếu luật đã cho phép thì cũng nên có những chính sách cởi mở hơn, tạo thuận lợi cho các trường thực hiện”.

Bà Mai cũng mong muốn các cấp, ngành sớm có văn bản hướng dẫn cụ thể để các trường có thể làm hồ sơ sớm trong dịp hè này kịp thời triển khai liên kết trong năm học mới.

Bà Phạm Thuỳ Liên, Giám đốc Công ty TNHH Green Education cũng chia sẻ: “Nhu cầu học tập của học sinh cũng như phụ huynh đều mong muốn con em được tăng cường, củng cố kiến thức tại trường học. Trong khi đó, hiện nay phía công ty cũng như các nhà trường đều đang rất lúng túng trong việc thực hiện hồ sơ tài sản công khi liên kết. Vì thế, chúng tôi rất mong các cấp ban ngành chỉ đạo, hướng dẫn cụ thể về địa phương để công ty phối hợp cùng nhà trường thực hiện đúng, đủ hồ sơ theo quy định”.

Kiến nghị uỷ quyền cho UBND cấp huyện phê duyệt

Liên quan đến vấn đề này, trong buổi tiếp xúc cử tri của Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Lương Cường, cùng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa, cử tri Phòng GD&ĐT TP Thanh Hoá cũng đã nêu kiến nghị.

“Thực hiện Luật Giáo dục và các Văn bản của Bộ GD& ĐT về việc ban hành quy định quản lý hoạt động giáo dục kỹ năng sống và hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa. Hiện nay, để nâng cao chất lượng và đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục, đáp ứng nhu cầu xã hội, việc các nhà trường tổ chức HĐGD kỹ năng sống và HĐGD ngoài giờ chính khóa là cần thiết. Song ngành Giáo dục đang có những vướng mắc, bất cập trong quá trình thực hiện”, cử tri nêu.

Theo cử tri Phòng GD&ĐT TP Thanh Hoá, căn cứ theo tại Khoản 2, Điều 58, Luật số 15/2017/QH14 ngày 21/6/2017 của Quốc hội về quản lý, sử dụng tài sản công quy định; Điểm b khoản 4 Điều 44 Nghị định số 151/2017/NĐ-CP ngày 26/12/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công thì mỗi đơn vị có tài sản độc lập cần phải có 1 đề án được phê duyệt riêng. Việc trình Chủ tịch UBND tỉnh và xin ý kiến của Thường trực HĐND tỉnh cần nhiều thời gian, đồng thời gây áp lực cho UBND, các Sở, Ngành cấp tỉnh do số lượng cơ sở giáo dục quá lớn.

“Hiện nay, tại một số cơ sở giáo dục công lập trực thuộc các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa nói chung, TP Thanh Hóa nói riêng có nhu cầu sử dụng cơ sở vật chất của nhà trường vào mục đích liên kết trong tổ chức hoạt động Giáo dục kỹ năng sống và hoạt động Giáo dục ngoài giờ chính khóa. Tuy nhiên, số lượng đơn vị có nhu cầu sử dụng tài sản vào mục đích liên kết lớn nhưng quy mô hoạt động manh mún, nhỏ lẻ.

Vì vậy, kính đề nghị Quốc hội điều chỉnh khoản 2, Điều 58 Luật quản lý, sử dụng tài sản công theo hướng cho phép UBND cấp tỉnh ủy quyền cho UBND cấp huyện được phê duyệt Đề án sử dụng tài sản công tại các đơn vị sự nghiệp công lập do cấp huyện quản lý trên cơ sở ý kiến thẩm định của Sở Tài chính phù hợp với tình hình thực tế của từng địa phương”, cử tri Phòng GD&ĐT TP Thanh Hoá đề xuất.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Gió mạnh trong cơn bão gây đổ cây, tốc mái.

Khi nào bão thành 'thảm họa'?

GD&TĐ - Có nhiều nguyên nhân khiến một cơn bão trở nên nguy hiểm và gia tăng mức độ gây thiệt hại lên đời sống của con người.

Minh họa/INT

Không thể vì không quản lý được thì cấm!

GD&TĐ - Tình trạng quản không được hoặc khó quản là cấm và cấm được coi là giải pháp nhanh và hiệu quả nhất để giải quyết vấn đề là thực tế đang tồn tại...