Trăn trở tác nghiệp báo chí mùa thi

Trăn trở tác nghiệp báo chí mùa thi

(GD&TĐ) - Thông tin đáp áp câu 8b của đề Toán kỳ thi ĐH khối A, A1 năm 2012 không chuẩn xác (một, hai tờ báo phản ánh) đã được Bộ GD&ĐT bác bỏ bằng những lập luận chắc chắn và tính chính xác của toán học. Trước đó, thông tin lộ đề môn Toán lan truyền từ một trang farebook cá nhân khiến Bộ GD-ĐT và cơ quan Công an phải gấp rút vào cuộc; Kết quả PA83 đã xác định: thông tin trên là không chính xác, hoàn toàn không có chuyện lộ đề.

Hai sự kiện nóng hổi, xảy ra trong cùng một kỳ thi, với những thông tin được phản ánh không đúng sự thật, đặt ra nhiều suy nghĩ. Suy nghĩ đầu tiên đó chính là cách làm báo và kỹ năng làm báo hiện nay của một số ít phóng viên thật sự có vấn đề (quá cẩu thả, thiếu tính định hướng dư luận xã hội...). Điều thứ hai chính là việc, không hiểu vì sao vài năm trở lại đây, cứ bất cứ kỳ thi nào diễn ra (thi tốt nghiệp THPT, thi ĐH) những thông tin lộ đề, đáp án chưa chính xác cứ được một số báo khai thác một cách thiếu cẩn trọng, với kiểu làm báo giật gân. Đành rằng là công cụ phản biện xã hội, giám sát và phản ánh những bất cập, nhưng không vì thế mà báo chí có thể cho mình cái quyền cung cấp cho xã hội những thông tin thiếu kiểm chứng, để rồi làm mất thời gian, tiền bạc, công sức và cả uy tín của các đơn vị, ban ngành có trách nhiệm. Vấn đề đặt ra là cần phải xác tín thông tin một cách chính xác, có cơ sở chắc chắn và bằng chứng cụ thể.

Từng diễn biến, sự kiện liên quan tới kỳ thi quốc gia đều được phóng viên nhiều cơ quan báo chí cập nhật liên tục
Từng diễn biến, sự kiện liên quan tới kỳ thi quốc gia đều được phóng viên nhiều cơ quan báo chí cập nhật liên tục (trong ảnh: Thí sinh chống nạng đi thi tại điểm thi ở Đà Nẵng, ảnh Ánh Ngọc)

Hai sự kiện ồn ào, không đáng có của kỳ thi ĐH đang diễn ra đều xuất phát từ những thông tin được phóng viên khai thác một cách vội vã. Tuy nhiên, điều đáng tiếc là khi những thông tin như trên được tung lên mạng, nó không chỉ khiến dư luận xã hội quan tâm mà còn khiến không ít phóng viên của một số tờ báo "tiếp sức" bằng cách đưa lại tin (có kèm theo câu hỏi nghi vấn lấp lửng) và lao vào điều tra, cật vấn những người có trách nhiệm như thể sự việc đã xảy ra, bất chấp những thông tin ban đầu đúng hay là sai.

Nói và chỉ ra những điều đó để thấy rằng: Vai trò của người làm báo trong thông tin và định hướng dư luận là rất quan trọng. Bởi nhà báo cần phải chọn lọc thông tin, định hướng và góp phần giải quyết những bất cập, vấn đề mà mình phát hiện một cách công tâm. Một kỳ thi khó có thể an toàn tuyệt đối… Việc chỉ ra các thiếu sót, phê phán những hiện tượng tiêu cực trong thi cử là cần thiết để xây dựng một môi trường GD lành mạnh. Nhưng nên tránh cái nhìn cực đoan, chỉ khai thác mặt tiêu cực mà không thấy sự nỗ lực, cố gắng của ngành GD và các cơ quan hữu quan trong việc tổ chức và thực hiện một kỳ thi nghiêm túc, chất lượng.

Giữa ngồn ngộn những thông tin diễn ra quanh mình, rất cần ở người làm báo lập trường vững chắc, sự tỉnh táo và niềm tin vào những gì tốt đẹp để có được những bài báo chất lượng đóng góp thiết thực vào sự nghiệp phát triển GD.

Anh Tú

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ