(GD&TĐ) - Không rõ nghề may trang phục ở đất Sài Gòn - Gia Định xưa bắt nguồn từ bao giờ, nhưng theo lời của cố NSND Phùng Há thì cách đây 60 năm, nhiều đoàn hát từ Triều Châu, Quảng Đông (TQ) sang biểu diễn tại Chợ Lớn, khi trở về nước, họ thường bán hết tất cả trang phục, đạo cụ cho các gánh hát ở Sài Gòn. Rồi có giai đoạn, các đại ban Triều - Quảng này không sang biểu diễn nữa, đồ hát cũ cũng đến hồi hư hỏng nên các nghệ sĩ Sài Gòn mới bắt đầu tự “sáng chế”.
Tự mày mò sáng tạo
Nhắc đến nghề may trang phục sân khấu xưa, người trong giới đều khen ngợi tài năng của cố nghệ nhân Tám Trống. Ông được xem là bậc tiền bối trong việc hoàn thiện từ A đến Z trang phục vua, quan, hoàng hậu, công chúa, hoàng tử… của bất kỳ vương quốc nào. Những tuồng tích cải lương Việt Nam lừng lẫy: Tiếng trống Mê Linh, Thái hậu Dương Vân Nga, Câu thơ yên ngựa, Tô Hiến Thành xử án, Rạng ngọc Côn Sơn, Tâm sự Ngọc Hân... khâu phục trang được làm rất kỹ lưỡng, tất cả đều nhờ nét tài hoa của ông Tám Trống. Chỉ cần nói sơ qua yêu cầu thì trang phục do ông thực hiện sẽ làm hài lòng người mua. Dù chỉ tự mày mò khi xem qua báo chí Trung Quốc, nhưng ông đã bù đắp cho những thiếu thốn của sân khấu nước nhà, không để mỗi thứ phải nhập về hao tốn. Dần dần, cách làm của ông cũng nâng cao hơn, mỗi lần các đoàn hát dựng vở mới nhờ thiết kế trang phục, ông phải nghiên cứu rất lâu, khảo sát tại các viện bảo tàng, rồi dựa theo tính cách, vai trò nhân vật mới vẽ, cuối cùng là tìm chất liệu phù hợp để may”. Quá trình “sáng chế” của ông thường dựa trên những vật liệu có sẵn trong nước, quan trọng là hoa văn, họa tiết được phối màu đẹp mắt.
Lớp hậu bối của ông hiện có Công Minh, Yến Phương, Kim Phượng, Bảo Ly, Bo Bo Hoàng, Kim Duyên, Bạch Nga, Yến Phương, Thành Châu, Vũ Luân. Họ từng là những nghệ sĩ tuồng cổ và hiện đang chiếm lĩnh thị trường phân phối phục trang sân khấu cho cả nước.
Vũ Luân với bộ trang phục An Dương Vương do anh thiết kế |
Nghệ sĩ Công Minh (con trai của nghệ sĩ Minh Tơ) đã “sáng chế” ra cách dùng keo vẽ hoa văn, hình rồng, phụng lên vải, sau đó rắc kim tuyến, đính kim sa, may thành thân áo lộng lẫy. Từ việc “sáng chế” đó (thay cho cách làm xưa phải thêu và đính bằng chỉ), hiện nay những người may trang phục đều áp dụng cách làm nhanh, đẹp và bền của anh.
Nếu Công Minh nổi tiếng với những bộ áo giáp, mảng sặc sỡ thì nghệ sĩ Thành Châu chuyên “sáng chế” các chiếc mão chạm ngọc, khắc rồng cực kỳ tinh xảo; Bảo Ly thì làm trang phục cho cả tuồng cổ lẫn xã hội. Nghệ sĩ Vũ Luân thường thiết kế trang phục cho các vở tuồng lịch sử Việt Nam. Nghệ sĩ Kim Phượng, Bạch Nga, Bo Bo Hoàng có duyên may những trang phục “không đụng hàng”, có một không hai cho các ngôi sao sân khấu. Nghệ sĩ Bạch Nga cho biết: “Chị Mỹ Châu luôn yêu cầu đẹp, sang mà không cầu kỳ. Chị Bạch Tuyết thì nói chỗ nhược hình thể của mình để khắc phục, yêu cầu các chi tiết mẫu phải hoàn toàn chính xác, rất khó nhưng cũng rất dễ”. Ngoài ra, nhắc đến đạo cụ tuồng cổ, đã có tiệm giày Sâm Ký (cạnh Rạp Nhân Dân - TP.HCM) chuyên đóng những đôi hia vua quan. Tuy tiệm giày nhỏ nhưng những đôi giày của Sâm Ký đã có mặt ở khắp mọi nơi, từ Việt Nam sang Mỹ, Pháp, Úc.
Nỗi niềm trăn trở
Thời cải lương hưng thịnh, sân khấu sáng đèn liên tục, nghề may trang phục sống được. Các nghệ sĩ nổi tiếng đặt may đồ riêng rất nhiều. Bên cạnh đó, thị trường chủ yếu của họ còn là cho các đoàn hát, đoàn làm phim cải lương, ca nhạc, phim truyện truyền hình, các trường sân khấu, những hội diễn văn nghệ, những chương trình sân khấu hóa... thuê. Nhưng giờ thì tất cả đều eo sèo, mỗi đêm hát, tiền thuê phục trang cho cả đoàn từ vài chục đến cả trăm bộ chỉ vài trăm ngàn trồi sụt theo doanh thu đêm diễn. Cố bám giữ nghề, một số nghệ sĩ phải làm thêm nghề tay trái mới đủ sống.
Mỹ Châu với trang phục Phàn Lê Huê |
Niềm trăn trở lớn nhất của các nghệ sĩ may phục trang sân khấu phải nói đến là sự phá giá của một số người, khiến cho công lao động và giá trị của từng kiểu trang phục sân khấu bị rớt giá. Ví dụ như một bộ mảng nhung dành cho Bao Công lâu nay được bán với giá 4 triệu/bộ, giáp bào thêu phụng 3,5 triệu/bộ thì nay chỉ được bán với giá từ 70-100 USD, khi mà cơn sốt nghệ sĩ Việt kiều về nước đặt hàng mang sang nước ngoài bán. Theo thông tin từ một số khán giả Việt kiều ở Mỹ, những bộ trang phục được bày bán ở khu Phước Lộc Thọ dành cho người hiếu kỳ với giá từ 500-800 USD/bộ. Song, điều đáng buồn hơn là được giới thiệu với nhãn hiệu “made in Hong Kong”. Trong khi từng đường kim, mũi chỉ đều xuất xứ từ các nghệ sĩ Công Minh, Kim Phượng, Bảo Ly…
Nhiều lần báo chí phê bình trang phục tuồng cổ của một số đoàn cải lương bị “lai” phim ảnh Hồng Kông, Đài Loan nhưng đến nay, các nghệ sĩ may phục trang sân khấu vẫn chưa thể góp phần khôi phục lại giá trị đích thực của một tác phẩm tuồng cổ dân tộc. Nghệ sĩ Công Minh cho biết: “Đó là niềm trăn trở chung, vì lâu nay khâu thiết thế trang phục chỉ làm theo kiểu tự phát, mạnh ai nấy làm, có khi phải may theo ý thích nghệ sĩ. Họ yêu cầu may giống Từ Hy Thái hậu, giống Hoàn Châu Công chúa, không hề tuân theo giai đoạn lịch sử mà kịch bản quy định. Điều chúng tôi cần đó là sự thống nhất giữa tác giả và đạo diễn, cũng như ý thức của chính các diễn viên mới có được những bộ trang phục thuần chất Việt Nam”.
Về vấn đề này, NSND Diệp Lang trăn trở: “Các đạo diễn hiện nay rất ít chú trọng đến phục trang, người chỉ huy nghệ thuật của vở diễn và đoàn hát thường cũng không lưu ý, diễn viên thì… có gì mặc đó. Chính những vấn đề này đã dẫn đến việc không tôn trọng tính lịch sử hay tính chất nhân vật, thông qua phục trang sân khấu và những chi tiết nhỏ ấy làm hỏng vở diễn. Trong tình hình sân khấu sa sút hiện nay, tất cả những điều này thường hay bị ‘đổ thừa’ cho… tiền bạc eo hẹp. Đề cập đến phục trang sân khấu là cả một vấn đề lớn. Để có đủ kiến thức cho việc xử lý các hình thức trang phục, không cách nào khác hơn là người đạo diễn và cả diễn viên đều phải biết để tự trang bị cho mình”.
Minh Minh – Hiệp Thanh