Trăn trở giáo dục đạo đức học sinh THPT

GD&TĐ - Một số hiện tượng tiêu cực diễn ra trong ngành giáo dục khiến chúng ta phải trăn trở, quan tâm nhiều hơn đối với công việc “trồng người” nhất là trong việc giáo dục đạo đức học sinh, bồi dưỡng cho các em lý tưởng, quan điểm sống đúng đắn.

Trăn trở giáo dục đạo đức học sinh THPT

Mỗi nhà giáo nên nhận thức như thế nào về vai trò, sứ mệnh của mình?

Có hai câu chuyện đáng cho chúng ta suy ngẫm.

Chuyện thứ nhất là chuyện về Khổng Từ có học trò tên Mỗ, khi có người hỏi, Mỗ về làm quan hay làm tướng, làm giặc có được không thì Khổng Tử đều bình tĩnh bảo: “Không sao” nhưng khi hỏi Mỗ sẽ làm thầy thì thế nào, Khổng Tử vừa nghe câu đó bỗng giật bắn mình. Thế là chân không kịp xỏ giày, áo không kịp cài khuy, vội vàng lao ra cổng để chạy sang nước Đằng “ngăn không cho tên Mỗ làm thầy. Hắn có làm quan thì cùng lắm chỉ hại đến một ấp. Làm tướng cũng chỉ hại đến một thành.Thậm chí có làm giặc chưa chắc cũng đã hại nổi ai. Nhưng nếu hắn làm thầy sẽ hại đến muôn đời. Ngay cả ta cũng khó mà tránh khỏi liên luỵ”.

Câu chuyện trên muốn nhắn nhủ với chúng ta rằng: Sứ mệnh người thầy vô cùng quan trọng! Nghề giáo chúng ta có sự tác động và tầm ảnh hưởng lớn đến rất nhiều người!

Câu chuyện thứ hai là chuyện về “Sao biển” kể về cậu bé đã lần lượt cứu những con sao biển để chúng được “trở về nhà”. Cậu bé không quan tâm đến việc có vô số những con sao biển trên cát. Cậu chỉ nhìn thấy những sự sống mà cậu đang nắm trong tay. Cái mà cậu bé nhìn thấy, dù chỉ là một con số nhỏ nhoi nhưng đầy ý nghĩa.

Chính vì vậy đã khiến cho người lớn và bao nhiêu con người ở đó làm giống cậu để điều kỳ diệu diễn ra: Hàng vạn con sao biển tưởng chừng bị mắc kẹt trên bờ đã được “trở về nhà”. Câu chuyện này muốn nhắc nhở chúng ta về cách thức thực hiện sứ mệnh nhà giáo. Chúng ta đang đi trên đường ray đổi mới giáo dục.

Chúng ta không thể cứu giúp cả một thế hệ nhưng bằng trí tuệ, tình yêu thương, chúng ta có thể cứu những học sinh chúng ta đang trực tiếp giảng dạy và chủ nhiệm. Vậy, chúng ta không vì lý do gì mà không tự hào về nghề giáo, không có lý do gì chúng ta không thay đổi, hoàn thiện mình để giáo dục học sinh của mình tốt lên. Chúng ta đừng trông đợi vào tổ chức nào hay một cá nhân nào mà chúng ta hãy làm những gì chúng ta có thể từ những điều giản dị và nhỏ bé nhất.

Chúng ta nên làm gì để giáo dục đạo đức học sinh một cách hiệu quả?

Lâu nay chúng ta lo chạy xô đổi mới, ráo riết tìm cách để quản lý, để rao giảng đạo đức và yêu cầu học sinh hết trách nhiệm này đến nghĩa vụ kia. Chúng ta lúc nào cũng áp lực, cũng lao theo những tiêu chuẩn, thành tích này nọ mà quên đi việc gieo hạt, chăm mầm cần có thời gian, có ánh sáng và có chất dinh dưỡng.

Nhiều hiện tượng đau lòng vẫn diễn ra đòi hỏi chúng ta phải có cách nhìn thẳng thắn, sâu sắc, rõ ràng, toàn diện về thực tế để giáo dục học sinh một cách thiết thực, hiệu quả và có chiều sâu hơn. Với những gì được trải nghiệm, được học hỏi của hơn 10 năm đứng trên bục giảng và với tư cách một giáo viên, tôi nhận thấy chúng ta cần:

Một là, chúng ta phải là những người thầy thực sự chứ không phải chỉ là thợ dạy, phải “hơn cả một người thầy”. Lâu nay, chúng ta quên trao tình yêu thương cho các em. Chúng ta chỉ biết đánh giá học sinh bằng óc phân tích, phán đoán, bằng hằng hà sa số những lý do nghe có vẻ rất logic nhưng lại quên chia sẻ, thấu hiểu học sinh bằng đôi bàn tay, đôi mắt và tâm hồn của mình. Khi chúng ta yêu thương học sinh thực lòng thì hạt mầm yêu thương cũng sẽ nảy nở trong các em. Từ hạt giống yêu thương, chúng ta lan toả, khơi dậy những hạt giống tâm hồn khác như: lòng biết ơn, vị tha, tinh thần trách nhiệm, dũng cảm, nhân ái, bao dung,…

Hai là, chúng ta hãy gần hơn, gần hơn nữa với các em để hiểu được đằng sau những ánh mắt, nụ cười, hành động đó là tâm trạng, suy nghĩ, cảm xúc gì. Bởi lứa tuổi học sinh THPT là lứa tuổi bắt đầu có nhiều thay đổi từ tâm lý trẻ con sang tâm lý người lớn, luôn mong muốn đuợc khẳng định cái tôi, luôn nhạy cảm và khá bồng bột.

Bởi vậy, người giáo viên cũng phải tế nhị, khôn khéo để tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của học sinh. Có ai đó từng nói: “Ai yêu thì người ấy hiểu”. Ta hiểu học sinh, mở cánh cửa trái tim học sinh để cảm hoá, chia sẻ, đồng cảm từ đó giải thích, phân tích, giáo dục các em. Thực tế khi chúng ta hiểu học sinh, chúng ta được lắng nghe tâm sự của các em về những mối quan hệ xung quanh, chúng ta sẽ thêm nhiều trải nghiệm quý báu đối vơi nghề dạy học và cuộc đời.

Ba là, chúng ta đẩy mạnh việc giáo dục bằng nêu gương. Đây là cách giáo dục đạo đức học sinh trực tiếp và hiệu quả nhất. Bác Hồ từng khẳng định: “Người Việt Nam vốn giàu tình cảm và đối với họ một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”; "Muốn cho học sinh có đức thì giáo viên phải có đức.

Ví như bảo học trò phải dạy sớm mà giáo viên thì trưa mới dạy. Cho nên thầy giáo, cô giáo phải gương mẫu". Bởi thế, chúng ta luôn nêu cao tinh thần của cuộc vận động “Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương sáng về đạo đức, tự học, sáng tạo” để mỗi một giáo viên thực sự là tấm gương sáng cho học trò noi theo trong mỗi hành động, lời nói, cử chỉ, việc làm

Bốn là, chúng ta thay đổi cách thức lên lớp bằng cách đa dạng hoá các hoạt động dạy học và chủ nhiệm. Đối với mỗi giờ dạy, giáo viên càng tạo được nhiều hoạt động sinh động, thú vị và khơi dậy được sự hứng thú, yêu thích môn học ở các em càng nhiều càng có khả năng giáo dục lớn. Bởi vì thông qua tổ chức các hoạt động, chúng ta sẽ dạy cho học sinh về tư duy sáng tạo, về cách tổ chức, tinh thần trách nhiệm, ý thức kỷ luật,…

Đồng thời, cùng với những đơn vị kiến thức cụ thể chúng ta lồng ghép, liên hệ đến những bài học về nhân sinh, cuộc sống. Đối với những giờ sinh hoạt lớp, chúng ta hãy thay đổi cách thức, thêm vào những hoạt động như tổng két, đánh giá các hoạt động trong tuần và triển khai kế hoạch của tuần tới, ta cho học sinh thực hiện các chủ đề theo tuần.

Theo Tiếng nói giáo viên

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ