1. Chị quyết định rời bỏ công việc giảng dạy ở Trường Đại học Sư phạm Huế chuyển sang làm công tác biên tập ở Nhà xuất bản Thuận Hóa. Đây là một quyết định khá táo bạo và sáng suốt. Làm việc ở nhà xuất bản, chị có điều kiện viết lách hơn.
Dần dần Trần Thùy Mai xem viết văn là một nghề. Chị toàn tâm, toàn ý với cái nghề khá chông gai “lành ít dữ nhiều” này.
Trần Thùy Mai “viết để được tồn tại trong những cảnh đời khác nhau”, “được sống những gì mình mơ ước”, “được nói những điều không nói giữa đời thường”, “là cách thoát ra khỏi sự hữu hạn của đời người”.
Đã mấy chục năm nay chị viết một cách say sưa, lặng lẽ, chăm chỉ, cần mẫn. Viết trở thành nhu cầu, niềm đam mê của Mai. Sở trường của Trần Thùy Mai là truyện ngắn. Đề tài quen thuộc trong truyện của Mai là đề tài tình yêu - một trong những đề tài vĩnh cửu của văn chương nhân loại. Theo chị thì tình yêu là “động lực của sự sống, biểu hiện tối ưu của tính nhân văn”, “là đôi cánh giúp cho con người vượt qua biên giới của chính mình”.
Hầu hết những câu chuyện viết về tình yêu của Trần Thùy Mai đều có vị đắng. Cái đẹp và hạnh phúc trong hàng loạt truyện ngắn của chị như “Thương nhớ hoàng lan”, “Gió thiên đường”, “Đêm tái sinh”, “Trăng nơi đáy giếng”, “Cánh cửa thứ chín”, “Thập tự hoa”... đều rất mong manh.
Gần như chị lấy nguyên mẫu từ thân phận của những người chung quanh và cả “thân phận tình yêu” của chính cuộc đời mình để viết. Hạnh phúc mà người thiếu phụ trong “Thập tự hoa” được hưởng hết sức ngắn ngủi, chẳng khác gì “một giấc mơ hoang tưởng”. Để rồi suốt đời nàng phải mang vác trên đôi vai mảnh mai của mình “cây thập tự” quá khứ.
Tình yêu của Lan trong “Thương nhớ hoàng lan” cũng mong manh, cũng hoang tưởng như vậy. Lan buộc lòng phải lấy chồng xa xứ, còn Minh thì tiếp tục sống đời tu hành. Những gì mà Quyên trong “Cánh cửa thứ chín” được hưởng lại càng mong manh hơn. Chỉ cần một lần gặp “người trong mộng” là hạnh phúc tan biến như bong bóng xà phòng: “Một thế giới vừa bị lấp vùi. Những hồi chuông điện thoại đã tắt, không còn mây trời, biển và rừng trong bốn bức tường vây kín...”. Có nghĩa là tình yêu của nàng với người nàng vẫn chuyện trò qua điện thoại cũng chỉ là “một giấc mơ hoang tưởng” mà thôi.
2.
Cốt truyện của Trần Thùy Mai thường đơn giản. Chị tập trung khai thác, thể hiện thế giới nội tâm nhân vật. Phần lớn truyện ngắn của Trần Thùy Mai được kể theo ngôi thứ nhất Với cách kể này, tác giả có điều kiện nhập thân, hóa thân vào nhân vật “tôi”.
Tác giả cũng dễ dàng gửi gắm những ý nghĩ, tình cảm của mình: “Giờ đây trước những nỗi đau tôi đã quen với lối khóc không trào lệ” hay “Tôi sẽ chịu đựng mọi thứ trên đời, ngoại trừ sự ghẻ lạnh”... Cách kể theo ngôi thứ nhất còn làm cho độc giả trở thành người bạn gần gũi, thân thiết để nhân vật “tôi” giãi bày, chia sẻ: “Bất giác tôi òa khóc. Nước mắt theo nhau lăn trên má tôi như ép cho hết những tục lụy cuối cùng” (lời tâm sự của nhân vật Minh trong “Thương nhớ hoàng lan”) hay “Nguyệt và Thìn đột nhiên biến mất. Hồ Tịnh Tâm mà sao tim tôi không tịnh?” (lời tâm sự của nhân vật “tôi” trong truyện “Quỷ trong trăng”)... Cách kể này đã góp phần tạo nên chất giọng trữ tình nhẹ nhàng, sâu lắng.
Không chỉ có chất giọng trữ tình, nhẹ nhàng sâu lắng, truyện của chị còn ẩn chứa nhiều chiêm nghiêm, triết lý, suy tư. Trong “Thương nhớ hoàng lan” là triết lý đạo Phật do chính các sư thầy đúc kết. Chẳng hạn như “Thiền dạy tu hành để cứu chúng sinh. Nay còn có thể cứu một sinh linh sao lại khước từ; Tu trên núi thì dễ. Tu giữa chợ mới khó; Ai bảo đời là tục? Đời không tục, không trong”; “Thầy chưa nghe nói gỗ đá thành Phật bao giờ...”.
Còn đây là những chiêm nghiệm, triết lý, suy ngẫm của những người đã yêu và đang yêu: “Người ta có thể cố gắng học, cố gắng làm, không ai cố gắng yêu”; “Trong tình yêu, hanh phúc thật ngọt ngào mà cả đau khổ cũng đầy thi vị, chỉ có sự trống rỗng chán chường của kẻ không yêu mới là khủng khiếp”; “Đàn ông khởi đầu một cách điên cuồng rồi dịu đi trong hèn nhát. Còn đàn bà càng lúc càng giam mình trong kỷ niệm ngu dại và xót xa”...
Cả cách miêu tả ngoại hình nhân vật của chị cũng mang tính triết lý, chiêm nghiệm. Chị thường tập trung làm nổi bật những khiếm khuyết của các nhân vật mà chị yêu mến. Ở Hiếu (“Gió thiên thiên đường”) là “nụ cười răng mẻ”. Ngân (“Đêm tái sinh”) là thân hình quá ư mảnh mai, khi múa “để lộ cả xương cổ, xương bả vai”. Còn nàng Nguyệt (“Quỷ trong trăng”) là bước đi khập khiễng... Điều này không những góp phần tạo nên nét riêng trong nghệ thuật miêu tả ngoại hình mà còn làm cho các nhân vật của chị gần gũi với cuộc sống đời thường.
3.
Trần Thùy Mai trước khi viết thường “tìm một người, một khung cảnh có thực để bám” vào giúp cho sự “tưởng tượng được dễ dàng hơn”. Mai chủ yếu sống ở Huế, vì thế cảnh và người để chị “bám vào” trước khi viết chủ yếu là cảnh và người xứ Huế.
Những độc giả tinh tường biết rất rõ những nguyên mẫu mà Trần Thùy Mai đã lựa chọn đưa vào trong những truyện ngắn của chị. Họ có thể nói một cách chính xác bức tranh vẽ mèo trong “Thập tự hoa” có nguyên mẫu từ bức tranh của họa sĩ nào, những nhân vật tụ tập ở hồ Tịnh Tâm như “trung niên thi sĩ”, Ngàn Khơi, Tư râu, Thìn, Thiếp chân cò là những ai ngoài đời.
Cốt truyện “Trăng nơi đáy giếng” và “Quỷ trong trăng” đều là những chuyện có thật. Tất nhiên từ những nguyên mẫu ấy Trần Thùy Mai đã nhào nặn lại, hư cấu thêm. Nói như chị, “hư cấu tạo cho câu chuyện nhiều tầng nghĩa mới, những bề sâu, thoát ra cái tầm thường”.
Khu vườn văn chương của Trần Thùy Mai ngày càng thu hút nhiều khách tri âm đến chiêm ngưỡng và chia sẻ. Một số tác phẩm xuất sắc của chị đã được dựng thành phim như “Thập tự hoa”, “Gió thiên đường”, “Trăng nơi đáy giếng”. Chị cũng đã nhận được nhiều giải thưởng xứng đáng.