Đi du lịch khám phá ở những khu rừng nhiệt đới, việc trở về với một vài vết sưng do côn trùng cắn là hết sức bình thường. Bởi vậy mà khi bệnh viện tại Anh Quốc tiếp nhận trường hợp của một người phụ nữ mới trở về từ rừng nhiệt đới, họ đã chẳng nghi ngờ gì vết sưng trên trán của cô cả.
Cụ thể, câu chuyện được công bố trên tạp chí khoa học BMJ. Người phụ nữ 55 tuổi, mới từ rừng nhiệt đới Uganda trở về với một vết sưng nhỏ trên trán.
Các bác sĩ đều cho rằng đó là do côn trùng cắn vì rừng mưa nhiệt đới là nơi có vô số các loài côn trùng khác nhau. Vết thương trông cũng không đáng ngại, nên bệnh nhân được kê vài viên kháng sinh rồi trở về nhà
Tuy nhiên 3 ngày sau đó, người phụ nữ đã trở lại. Vết sưng đã to hơn, đi kèm đau đớn khôn kể.
Lần này các bác sĩ đã phải xét nghiệm kỹ hơn. Khi quan sát kỹ cục u sưng trên trán, các bác sĩ nhìn thấy có vết thương hở, bên trong đang rỉ nước. Họ nhanh chóng đưa bệnh nhân chụp chiếu và nhận được một kết quả bất ngờ.
Hóa ra, cục u ấy chứa ấu trùng của ruồi Lund (Cordylobia rodhaini) - một loài ruồi khá hiếm tại châu Phi. Hay nói đơn giản hơn thì bệnh nhân đã bị giòi làm tổ ngay trên trán của mình.
Con giòi làm tổ ngay trên trán bệnh nhân.
Đây là điều mà các bác sĩ đã không ngờ tới. Theo như các nghiên cứu trước đây, ruồi Lund rất hiếm khi đẻ trứng trên con người. Số các ca nhiễm trứng ruồi là rất hiếm - chỉ 14 trường hợp tính từ năm 1970. Trên toàn Anh Quốc, đây mới là trường hợp thứ 2.
Loài ruồi này sinh sống tại các khu rừng nhiệt đới vùng Hạ Sahara (châu Phi), và chúng thường đẻ trứng trong cát hoặc vải vóc. Ngay cả các trường hợp người nhiễm trứng ruồi cũng hiếm khi ở trên mặt, mà thường ở ngực, lưng, dạ dày, đùi - đại khái là những vùng tiếp xúc với vải vóc.
Với trường hợp của người phụ nữ kém may mắn kia, có vẻ như cô đã bị nhiễm trứng ruồi khi quấn tóc bằng khăn tắm được phơi ngoài trời.
Thông thường, mất khoảng 3 ngày để trứng ruồi nở ra nhờ thân nhiệt của vật chủ. Ở giai đoạn này, chúng sẽ tìm và xâm nhập vào vùng da mỏng nhất có thể, đào một cái lỗ nhỏ để chui xuống và ở lỳ trong đó. Lúc này, vùng da ấy sẽ sưng lên, kèm cảm giác đau nhói. Sau 1 tuần, ruồi trưởng thành lột xác, xòe cánh bay ra khỏi vật chủ.
Với các nạn nhân, việc đầu tiên họ muốn làm khi phát hiện lũ giòi là muốn cạy, gắp chúng ra. Tuy nhiên ở thời điểm này, làm vậy có thể gây ra nhiều thương tổn hơn.
"Không nên tự mình loại bỏ lũ giòi thông qua chính cái lỗ nó chui vào, vì hình dạng nhiều gai và móc nhọn sẽ khiến các mô chịu tổn thương nhiều hơn" - trích trong báo cáo của BMJ. Vết sưng có thể tệ hơn, thậm chí gây nhiễm trùng.
Dĩ nhiên các bác sĩ sẽ không để yên cho lũ giòi làm tổ trên đầu bệnh nhân rồi. Với trường hợp được báo cáo trên BMJ, nhóm bác sĩ đặt một miếng gel dầu hỏa vào vết thương để khiến lũ giòi bí thở, phải bò lên gần da hơn mới có thể gắp ra. Mọi chuyện diễn ra tốt đẹp, và bệnh nhân đã phục hồi sau đó.