Ngộ độc, rối loạn tiêu hóa vì ăn nhiều thực phẩm cùng lúc
Đa phần ngày Tết các gia đình thường bận rộn với việc đi chúc Tết, ăn uống hay tiếp khách. Chính vì vậy không ít trẻ do thay đổi thói quen và thực phẩm trong bữa ăn nên sút cân và có biểu hiện không tốt về đường tiêu hóa.
Việc ăn nhiều những thực phẩm như nước ngọt, bánh mứt, kẹo, thạch hoa quả, các món chiên khiến trẻ lúc nào cũng lửng dạ, bỏ bữa. Thậm chí có trẻ phải nhập viện vì ăn phải đồ ăn cũ không được bảo quản tốt.
Thời tiết nóng ẩm, lạnh hay nóng đột ngột cũng khiến cho các thực phẩm dễ lên men, ôi thiu. Cơ thể trẻ yếu hơn người lớn nên thường dị ứng và dẫn tới những rối loạn về đường ruột.
Chị Mai Anh (khu tập thể Thanh Xuân Bắc, Hà Nội) chia sẻ: Tết năm ngoái vì không kiểm soát việc ăn uống mà cậu con trai 8 tuổi của chị mồng 3 tết phải nhập viện với triệu chứng đau bụng đi ngoài liên tục. Hỏi ra mới biết do ăn nhiều bánh mứt kẹo và đồ hải sản cộng với uống trà sữa và nước ngọt nên cháu bị rối loạn đường tiêu hóa.
Theo tư vấn của các bác sĩ, trẻ ăn nhiều thức ăn giàu đạm nhưng thiếu tinh bột và rau xanh cũng khiến cho cơ thể không hấp thu tốt các dưỡng chất. Đồ hải sản nếu không nấu chín kỹ, không bảo quản đảm bảo cũng những nguyên nhân dẫn tới ngộ độc.
Đối với những trẻ nhỏ hơn, cha mẹ cần phải bảo đảm giờ giấc sinh hoạt của trẻ, cho trẻ ăn đúng giờ, cho ăn những đồ ăn tươi và dễ tiêu hóa, tránh ăn những đồ ăn nấu lại nhiều lần và những thức ăn chế biến sẵn.
Phòng tránh trường hợp trẻ bị táo bón cần cho trẻ uống nhiều nước, ăn nhiều rau củ quả, bổ sung các vitamin nhóm B. Ngoài ra các loại nước ép hoặc nước luộc củ cải cũng có tác dụng chống táo bón.
Nên có chế độ ăn uống hợp lý
Bác sĩ Nguyễn Thị Trang, Trưởng Đơn nguyên Dinh dưỡng Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh cho biết: Ngày tết, các bữa ăn của trẻ hay bị thay đổi theo người lớn, điều này ảnh hưởng không tốt tới sức khỏe của trẻ. Việc ăn uống không khoa học khiến trẻ dễ mắc những chứng bệnh về đường ruột.
Nếu trẻ bị rối loạn tiêu hóa cần phải bổ sung các loại men tiêu hóa, vi sinh theo chỉ định của bác sĩ. Các bà mẹ cần chú ý, hệ tiêu hóa của trẻ còn nớt nên chưa quen hấp thụ những thức ăn quá nhiều tinh bột hoặc dầu, mỡ, chất đạm. Vì vậy ngày thường nên cho trẻ tập ăn những thức ăn đó trẻ sẽ quen và dễ hấp thụ hơn.
Còn nếu trẻ có hiện tượng rối loạn đường ruột chứng tỏ hệ tiêu hóa của trẻ chưa sẵn sàng. Vì vậy cha mẹ cần thay những thức ăn khác dễ tiêu hóa hơn cho trẻ. Cha mẹ cần lưu ý không nên cho trẻ ăn nhiều loại thức ăn cùng lúc cũng như vấn đề an toàn sinh thực phẩm. Đó cũng là nguyên nhân khiến trẻ có những triệu chứng không tốt về đường tiêu hóa.
“Cho trẻ ăn bánh kẹo, cần chú ý tới vấn đề răng miệng. Khi ăn nhiều bánh kẹo, hàm lượng đường trong máu sẽ tăng lên và làm giảm nhu cầu ăn uống của trẻ. Trẻ sẽ giảm khẩu phần ăn chính điều này không tốt cho trẻ.
Với những trẻ lớn hơn, cha mẹ cần giải thích để con hiểu tác hại của các thực phẩm như nước có ga, bánh kẹo ngọt tới sức khỏe để từ đó trẻ hiểu và tránh những thức ăn loại này”, bác sĩ Trang đưa ra lời khuyên.
Với bé bị tiêu chảy, các bà mẹ nên bé ăn những thức ăn nhẹ, lỏng dễ tiêu như cháo, súp; Cần bù nước cho trẻ bằng cách pha oresol với nước sôi để nguội và cho trẻ uống.
Bác sĩ cũng cho biết, các đồ uống Sữa chua và nước nấu cà rốt cũng rất tốt với bé trong thời kỳ này. Bên cạnh đó, có thể hỗ trợ tiêu hóa cho bé bằng cách bổ sung một hệ vi khuẩn mới có lợi dưới dạng chế phẩm Probiotics. Loại men vi sinh này sẽ giúp lập lại cân bằng hệ vi khuẩn đường ruột, giúp tăng cường vi khuẩn có ích, giảm các vi khuẩn gây bệnh, tham gia vào quá trình tiêu hóa thức ăn giúp thức ăn được tiêu hóa hoàn toàn.