Trong tuyên bố hôm 7/9 trước các nhà lập pháp tại Nghị viện châu Âu, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết, Ukraine đang giành được một số thắng lợi quan trọng trong cuộc phản công bắt đầu vào tháng 6.
Phải chăng điều đó có nghĩa là Ukraine cuối cùng đã đạt được bước đột phá sau gần 4 tháng và chịu tổn thất nặng nề?
Theo Scott Ritter, nhà phân tích quân sự và cựu sĩ quan tình báo của Thủy quân lục chiến Mỹ: "Để trả lời câu hỏi đó, chúng ta phải biết mục tiêu và mục đích của giai đoạn phản công hiện tại của Ukraine là gì".
Chuyên gia quân sự tiếp tục: "Chúng tôi biết rằng khi họ bắt đầu cuộc phản công này vào đầu tháng 6, các mục tiêu khá rõ ràng: chọc thủng tuyến phòng thủ đầu tiên và thứ hai của Nga, tái kiểm soát thị trấn Tokmak như một điểm khởi đầu để thâm nhập sâu hơn qua hệ thống phòng thủ của Nga trước khi kiểm soát thành phố Melitopol.
Điều này sẽ giúp họ có thể cắt đứt cây cầu đất liền giữa Crimea và Nga và khiến Crimea bị tấn công trực tiếp, Đó là mục tiêu đã nêu của Tướng Zaluzhny, lặp lại của Tổng thống Zelensky và các quan chức Ukraine khác".
Tuy nhiên, cho đến nay, những mục tiêu này vẫn chưa đạt được. Theo Ritter, hiện tại, phía Ukraine đang tuyên bố rằng họ đã đưa các đơn vị bộ binh vượt qua tuyến phòng thủ "răng rồng" của Nga. Đặc biệt, chính quyền Kiev cho biết lực lượng của họ đã chiếm được các làng Verbovoye và Rabotino ở vùng Zaporozhye.
Tuy nhiên, Bộ Quốc phòng Nga đã nói rõ vào ngày 7 và 8 tháng 9 rằng lực lượng Nga đang tiếp tục đẩy lùi thành công các cuộc tấn công của Lực lượng Vũ trang Ukraine tại các khu vực định cư này.
"Nếu người Ukraine triển khai lực lượng đủ mạnh nhằm vào một khu vực hoạt động cụ thể như Rabotino, họ sẽ có thể giành chiến thắng và kiểm soát nơi mà người Nga đã quyết định phòng thủ, nhưng không phải đến chết.
Mục đích của Nga tại Rabotino là giúp ngăn chặn các cuộc tấn công của Ukraine và nó đã làm được điều này một cách xuất sắc nhờ học thuyết phòng thủ hợp lý của Nga", Ritter nói.
Học thuyết mới của Nga
Cựu sĩ quan tình báo Thủy quân lục chiến giải thích những gì thực sự đang diễn ra ở Rabotino và Verbovoe là một phần trong học thuyết phòng thủ mới của Nga.
"Trước đây, Nga luôn sử dụng học thuyết phòng thủ được kế thừa từ thời Liên Xô. Nhưng ở mặt trận Zaporozhye học thuyết phòng thủ mới đang được thực hiện. Đó là sản phẩm trí tuệ của Trung tướng Alexander Romanchuck, cựu phó tư lệnh của Quân đoàn 58", Scott Ritter viết.
Theo học thuyết, mục đích của khu vực phòng thủ phía trước là đối đầu với cuộc tấn công của kẻ thù, khiến nó phá sản. Sử dụng đai phòng thủ, bãi mìn, chướng ngại vật khiến kẻ thù tiến vào, sau đó hứng trọn các đợt pháo kích, tên lửa của Nga làm phá sản cuộc tấn công chứ không phải cầm cự và chết như phương Tây tuyên truyền", Ritter giải thích.
Một khi lực lượng Ukraine đạt được ưu thế cục bộ, người Nga sẽ rút lui và tiếp tục nghiền nát lực lượng đối phương hơn nữa ở tuyến tiếp theo.
Theo Ritter, điều trớ trêu của tình huống này là tuyến phòng thủ đầu tiên bị người Ukraine 'phá vỡ' vào đúng thời điểm không phải do Kiev quyết định mà bởi người Nga bởi họ đã chủ động rút lui.
Lực lượng Nga là những người đã định hình chiến trường. Chính vì vậy, đây là khởi đầu với cuộc phản công bị cho là đã thất bại của Kiev.
"Ngay cả khi người Ukraine đã thành công trong việc xuyên thủng tuyến phòng thủ đầu tiên của Nga thì điều này cũng được thực hiện theo chủ ý. Đây không phải là trận chiến cuối cùng. Hãy chuyển sang tuyến phòng thủ thứ hai, nơi họ sẽ bị tấn công và hứng chịu cường độ tấn công ngày càng tăng.
Nghĩa là, ngay cả khi quân đội Ukraine kiểm soát được một vài ngôi làng ở đây và ở đó, điều đó không có nghĩa là có bất kỳ bước đột phá nào, mà là sự khởi đầu cho sự kết thúc của cuộc phản công của Kiev mà thôi", ông Ritter cho biết.
Tại sao Tuyến phòng thủ đầu của Nga là một cái bẫy?
Theo Ritter, Nga đã khiến quân đội Ukraine tiêu hao gần hết lượng dự trữ và đạn dược của họ trong khi muốn xuyên thủng tuyến phòng thủ đầu tiên.
"Đây là điều chúng ta cần hiểu. Tại thời điểm này của cuộc chiến, Ukraine đã triển khai lực lượng dự bị chiến lược cuối cùng gồm ba lữ đoàn nòng cốt họ đã giữ lại khi cuộc phản công mới bắt đầu.
Đây là lực lượng lẽ ra phải tham gia vào trận chiến khi thị trấn Tokmak nằm sau tuyến phòng thủ thứ hai trong trường hợp Kiev xuyên thủng được tuyến phòng thủ thứ nhất. Đây là lực lượng được cho là đủ sức để có thể vượt qua hàng phòng ngự của Nga và kiểm soát thành phố Melitopol, hoàn thành mục tiêu của cuộc phản công.
Tuy nhiên, những lực lượng thiện chiến nhất này của Kiev đã bị hao tổn rất nhiều nhưng vẫn chưa đạt được thành công nào khi cố xuyên thủng tuyến phòng thủ đầu tiên của Nga", ông Ritter cho biết thêm.
Chuyên gia Mỹ còn cho rằng, kiệt sức vì phải vật lộn để vượt qua các tuyến phòng thủ của Nga đã khiến lực lượng Ukraine không còn sức lực để tiến về phía trước.
"Đây là một phần trong khái niệm phòng thủ của Tướng Alexander Romanchuck và nó đã được lược lượng Nga thực hiện một cách hoàn hảo tại Rabotino", chuyên gia Mỹ nói.
Trò chơi kết thúc
Ritter lưu ý rằng cuộc phản công bị coi như đã thất bại của Ukraine dường như đã đưa các chỉ huy NATO từ thế giới tưởng tượng của họ trở lại thực tại.
Họ luôn cho rằng lực lượng Nga có sức chiến đấu kém và quân đội của họ đang suy yếu.
"Tôi nghĩ điều đang xảy ra với cuộc phản công này cũng là thực tế đang thay đổi ở Lầu Năm Góc. Lần đầu tiên, bạn bắt đầu nghe các quan chức Lầu Năm Góc nói về năng lực của Nga.
Họ thừa nhận một cách miễn cưỡng rằng người Nga đã chuẩn bị một hệ thống phòng thủ rất hiệu quả với những công sự nhiều lớp, bãi mìn, cây cối, bụi rậm... và sử dụng rất hiệu quả bom đạn, tên lửa cho từng loại mục tiêu cụ thể" Ritter viết.
Cuối cùng vị chuyên gia này kết luận: "Người Nga tỏ ra rất giỏi và thực tế này đã làm phá sản ván cờ của NATO. Bởi có một thực tế đang diễn ra ở phương Tây là họ phải đối mặt với tình thế tiến thoái lưỡng nan về cách giảm thiểu hậu quả của thất bại sắp xảy ra".