Xếp bút nghiên lên đường chiến đấu
50 năm đã trôi qua từ khi đặt chân đến chiến trường B nhưng những kỉ niệm, hình ảnh đầy gian truân, vất vả vẫn còn ghi đậm trong ký ức của các nhà giáo Hà Nội, xen lẫn niềm tự hào đã được góp một phần công sức của mình vào công cuộc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Nhà giáo Nguyễn Thị Tiệp, Chủ tịch Hội Cựu giáo chức xã Thọ Xuân (huyện Đan Phượng) nhớ lại, trước khi đi chiến trường B, bà dạy học ở trường Tiểu học Phương Đình, huyện Đan Phượng, tỉnh Hà Tây.
Ngày 5/7/1973, nhận được giấy đi nhận nhiệm vụ mới đi chiến trường B, bà đã rất băn khoăn nên đi hay ở, ở hay đi. Luồng tư tưởng suy nghĩ miên man nếu đi thì biết bao giờ được trở lại quê hương. Công việc ở nhiệm vụ mới liệu mình có hoàn thành không?
Sau một thời gian suy nghĩ, bà Tiệp quyết định nhận nhiệm vụ mới: Đi chiến trường B. Lúc đó bà còn rất trẻ, hơn 20 tuổi, đang làm Bí thư đoàn trường. Với khẩu hiệu: "Đâu cần thanh niên có. Đâu khó có thanh niên", bà đã xung phong lên đường vào miền Nam nhận nhiệm vụ.
Bà Tiệp cho biết, lúc đó, cả huyện Đan Phượng có 3 cô giáo được cử đi chiến trường B. Khi nhận được quyết định, các cô được cử đi học chính trị một tháng ở phố Bần, tỉnh Hưng Yên, được học tập sơ bộ nhận biết vùng giải phóng, vùng giáp ranh, đặc điểm, dân cư, tình hình chính trị...

"Sau khi học xong lớp chính trị chúng tôi được về nghỉ một thời gian. Đến tháng 8/1973, Phòng giáo dục Đan Phượng gặp mặt chia tay và bàn giao chúng tôi về Ty giáo dục Hà Tây để gặp mặt động viên, chia tay lần nữa. Cuối tháng 8/1973, đoàn xe đón chúng tôi ở Thường Tín. Đoàn chúng tôi gồm các thầy cô ở 3 tỉnh Hà Tây, Hải Hưng, Vĩnh Phú", bà Tiệp nhớ lại.
Sau đó, trong hơn một tháng hành trình vào Nam, đoàn phải đi vào ban đêm, trên xe bịt kín, đi theo hướng đường mòn Hồ Chí Minh. Xe quá xóc vì đường lầy lội, gồ ghề, khí hậu miền Trung lại khắc nghiệt. Hành trang cá nhân chỉ gói gọn trong một chiếc ba lô con cóc, thiếu thốn đủ bề.
Bà Tiệp vẫn nhớ như in về kỉ niệm về những đêm mưa tầm tã ở Hà Tĩnh, đi bộ hàng chục cây số để đến nhà dân, trên đường mọi người cùng trò chuyện cho đỡ nhớ nhà. Đó là kỉ niệm về bến đò mẹ Suốt, chang chang cồn cát nắng, kỉ niệm đi tàu thủy trên sông Nhật Lệ, qua phà Long Đại, qua sông Gianh, qua trạm T72 để vào đất lửa Vĩnh Linh... Đó là những kỉ niệm mà tôi không thể nào quên, bà Tiệp bày tỏ.

Kỷ niệm dạy học nơi chiến trường
Đến Quảng Trị, các cô giáo được điều về các cơ sở giáo dục trên địa bàn huyện Triệu Phong để vừa dạy học, vừa chiến đấu. Quãng đường từ trường đến Phòng Giáo dục Triệu Phong đi lại rất vất vả, phải đi lại bằng xuồng. Khí hậu khắc nghiệt, mùa mưa thì tầm tã, có khi mưa nửa tháng mới tạnh.
Nơi bà Tiệp ở ngay vùng giáp địch, cách địch khoảng hơn một cây số. Bên địch chủ yếu là Thủy quân Lục chiến, Bảo an Dân vệ. Ngăn cách giữa ta và địch bằng một hàng cờ giải phóng. Nơi đây gần chốt Long Quang - được mệnh danh là "chốt thép", là hậu phương cho bộ đội trong chiến dịch Thành cổ Quảng Trị 81 ngày đêm.
Nơi công tác của các cô giáo cũng đầy gian truân, vất vả. Nhà ở, trường học tạm bợ, chủ yếu là tranh tre; cơ sở vật chất, đồ dùng học tập thiếu thốn. Giáo viên ở nhà dân, cùng sinh hoạt với dân. Từ năm 1973 đến khi chưa giải phóng cứ mỗi nhà dân nuôi 1 tháng; hết tháng, các cô giáo lại đến nhà khác. Ngôn ngữ bất đồng nên khó khăn trong sinh hoạt.
Là vùng giáp ranh địch nên các cô giáo chứng kiến cảnh hàng tuần địch đổi quân, xe của chúng gầm rú, ồn ào, đèn địch rọi sang vùng giải phóng vào ban đêm. Máy bay địch luôn xâm phạm sang vùng của ta. Cuộc sống vùng giáp ranh đầy chông gai, thử thách, gian truân nhưng các cô giáo đã nhận rõ trách nhiệm của mình không ngại khó khăn, gian khổ.

Suốt 5 năm gắn bó với vùng đất Triệu Trạch, huyện Triệu Phong bà Tiệp và các cô giáo trong đoàn đã bám trường, bám dân, làm tốt công tác dân vận, bền bỉ vượt qua khó khăn, thử thách. Dù ở cương vị nào, bà cũng luôn nêu cao tấm gương sáng, đạo đức, phẩm chất của người viên nhân dân, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Ngày 30/4/1975, niềm vui vỡ òa khi miền Nam hoàn toàn được giải phóng, non sông thu về một mối, tiếp tục được chứng kiến cuộc sống của địch ở vùng chốt, cảnh hoang tàn của chiến tranh, bom đạn còn lại của địch ở khắp mọi nơi, các nhà giáo bước vào công việc mới: Tu bổ trường học bằng tôn tre, mái lá được làm lại.
Trường học, cơ sở vật chất của thầy trò dần được hoàn thiện, nhiệm vụ dạy học đã đi vào nề nếp. Chất lượng dạy và học ngày một nâng lên. Số lượng thầy cô giáo ngày càng tăng để đáp ứng được tình hình giáo dục thời kì mới. Thầy cô được ra ở tập thể, không còn cảnh sống trong vùng giáp ranh đầy bom đạn.
"Năm 1978 tôi được ra Bắc, về dạy học tại quê hương Đan Phượng và giữ chức vụ hiệu trưởng trường Tiểu học Thọ Xuân cho đến khi nghỉ hưu. Trong những năm tháng về công tác tại quê nhà, tôi luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, được nhân dân và học sinh quý mến. Về với cuộc sống đời thường, ở đâu và bất cứ lúc nào tôi luôn nêu cao tấm gương sáng về phẩm chất đạo đức của người giáo viên nhân dân, sống vui, sống khỏe, sống có ích", bà Tiệp bày tỏ.