Cùng với ngành chức năng, các trường học cũng vào cuộc quyết liệt bằng việc yêu cầu 100% học sinh, phụ huynh ký cam kết không vận chuyển, sản xuất, sử dụng pháo nổ trái phép...
Nhan nhản video hướng dẫn chế tạo pháo nổ
Thời gian qua, trên mạng xã hội xuất hiện nhiều video hướng dẫn tự chế pháo gây nổ. Đã có trường hợp lớp trẻ tự chế pháo nổ đem bán kiếm lời gây xôn xao dư luận... Anh Dương Hiệp trú tại phường Bồ Đề (quận Long Biên, TP Hà Nội) cho biết, không khó để tìm kiếm những clip hướng dẫn chế tạo pháo trên mạng xã hội. Người truy cập chỉ cần gõ từ khoá tìm kiếm “hướng dẫn chế tạo pháo nổ” trên YouTube sẽ xuất hiện video chỉ cách làm pháo.
“Từ công thức làm thuốc pháo, hướng dẫn làm pháo bông, pháo tép, pháo ném đều được hướng dẫn tỉ mỉ. Hầu hết các video không cảnh báo người xem mà còn nhấn mạnh cách làm của mình an toàn, không gây nguy hiểm...”, anh Hiệp cho biết.
Hậu quả của việc tràn lan những thông tin độc hại trên đã khiến không ít các bạn trẻ lứa tuổi học sinh làm theo. Đã có nhóm học sinh “bất ngờ” khi bị công an đưa về trụ sở cùng hàng chục quả pháo tự chế.
Cụ thể, nhóm thiếu niên gồm Trương Vũ Anh M., Trần Tuấn L. và Phạm Phúc H. (đều SN: 2006, cùng trú tại quận Hoàng Mai, Hà Nội) còn ngơ ngác chưa hiểu chuyện gì. Với vẻ mặt hồn nhiên, Trương Vũ Anh M. kể lại tường tận việc lên mạng mua nhiên liệu và cách học làm pháo.
Ngày 23/12/2020, Công an huyện Thanh Trì phát hiện nhóm thanh thiếu niên đi xe đạp điện không biển kiểm soát, đi rất nhanh trên đường Thanh Liệt có nhiều dấu hiệu khả nghi. Lực lượng chức năng tiến hành kiểm tra phát hiện nhóm này mang theo nhiều pháo.
Tại đây, cơ quan công an thu giữ 32 khối pháo hình trụ. Trong đó, có 14 quả đường kính 7cm, dài 20cm và 18 quả đường kính 2cm, dài 7cm. Cả nhóm khai nhận, giữa tháng 11/2020, đã lên mạng xã hội YouTube để học cách chế tạo pháo nổ. Sau đó, M. đặt mua nguyên liệu chế tạo pháo nổ gồm KCNO3 và lưu huỳnh trên Shopee để tự quấn pháo.
Sau khi có thuốc pháo và nguyên liệu M., L. dùng giấy cuộn tròn thành các khối hình trụ, rồi nhồi thuốc nổ vào trong ruột khối hình trụ đó. Tự chế số pháo xong, M., L., H. rủ nhau đi bán cho khách đặt mua qua mạng xã hội thì bị phát hiện, bắt giữ.
Tương tự các vụ việc trên, mới đây Công an xã Thạch Châu (huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh) kịp thời ngăn chặn một nhóm 4 thiếu niên cùng nhau lên mạng tìm hiểu và chế pháo nổ. Đây là loại pháo có thể gây ra tiếng nổ lớn, có tính sát thương cao.
Cụ thể, khoảng 15 giờ ngày 20/12/2020, Công an xã Thạch Châu phát hiện em L.X.T (SN 2007, trú tại xã Thạch Châu) có hành vi sử dụng pháo trái phép. T khai nhận, đã cùng các bạn gồm L.H.Đ (SN 2007), Q.H.B (SN 2007), P.T.T (SN 2006) đều ở xã Thạch Châu lên mạng tìm hiểu cách chế tạo pháo.
Kiểm tra chỗ ở của 4 thiếu niên nói trên, lực lượng công an thu giữ 1,5 kg lưu huỳnh, 0,14 kg thuốc pháo, 24 quả pháo tự chế và một số nguyên liệu, dụng cụ khác dùng để chế tạo pháo. Loại pháo thu được là loại pháo tự chế gây ra tiếng nổ lớn, có tính sát thương cao, gây nguy hiểm đến sức khỏe, tính mạng.
Trường học quyết liệt vào cuộc
Thượng tá Phạm Văn Hậu (Công an huyện Gia Lâm) cho biết, đã phối hợp với Đoàn Thanh niên, các tổ chức đoàn thể tổ chức tuyên truyền Nghị định số 137/2020/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý, sử dụng pháo và các chế tài xử phạt tại các địa bàn dân cư.
Công an huyện đã tổ chức treo băng rôn với các nội dung tuyên truyền tại nhà văn hoá, cổng trường học, trụ sở UBND xã và trụ sở công an xã. Được sự hỗ trợ của Đoàn Thanh niên xã và cán bộ thôn, Công an xã tuyên truyền nhiều nội dung về quản lý, sử dụng pháo trên nhiều áp phích, tờ rơi và trực tiếp trên loa phát thanh của xã.
“Nhân dân trên địa bàn xã rất tích cực tham gia hưởng ứng và cam kết tuyên truyền, phổ biến cho các thành viên trong gia đình, cơ quan, đơn vị hiểu và nghiêm túc chấp hành các quy định Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, Nghị định 137/2020/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý, sử dụng pháo…”, Thượng tá Hậu nói.
Anh Nguyễn Đức Tiến - Phó Bí thư Thành đoàn Hà Nội cho biết thêm, một trong những mục tiêu tuyên truyền cho lứa tuổi học sinh, sinh viên tránh xa những thông tin độc hại trên mạng xã hội là không học và bắt chước làm theo tự chế tạo pháo nổ.
Đoàn Thanh niên, nhà trường đã phối hợp với công an thường xuyên tổ chức các buổi sinh hoạt tuyên truyền về cấm chế tạo, mua bán, sử dụng pháo nổ, ma túy. Đồng thời, yêu cầu học sinh ký cam kết bảo đảm an ninh trật tự trong dịp Tết Tân Sửu.
“Ngoài trách nhiệm của nhà trường, đoàn thể thì phụ huynh cần chung tay quản lý, giám sát con em mình việc sử dụng mạng, phân tích cho các em về tác hại của tự chế pháo nổ, tránh những hậu quả không đáng có cho bản thân và gia đình…”, anh Tiến nhấn mạnh.
Thầy Đàm Tiến Nam - Hiệu trưởng Trường THCS&THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm (Hà Nội) cho biết, không chỉ dịp Tết, nhà trường thường xuyên phối hợp chặt chẽ với công an trên địa bàn và với phụ huynh để tuyên truyền, giáo dục, nâng cao ý thức cho học sinh về phòng, chống cháy nổ. Trong đó, đặc biệt chú ý phổ biến kiến thức về pháo nổ và vật liệu cháy trong dịp trước, trong và sau Tết.
“Nhà trường yêu cầu học sinh và phụ huynh ký cam kết không sử dụng, vận chuyển, chế tạo pháo nổ. Đồng thời, chỉ sử dụng pháo hoa từ các đơn vị quốc phòng cấp phép. Qua đó, nâng cao ý thức cho các em, đặc biệt là trong việc không tự mày mò chế pháo nổ...”, thầy Nam chia sẻ.
Ðể hạn chế “tận gốc” tình trạng sản xuất, vận chuyển sử dụng pháo nổ nhất là nhóm thanh, thiếu niên hiếu động, cô Nguyễn Thị Nga - Hiệu trưởng Trường THPT Thanh Sơn nhấn mạnh, trước tiên cần đẩy mạnh hơn nữa việc tuyên truyền, giáo dục, nâng cao kiến thức cho học sinh.
“Cùng với việc học sinh, phụ huynh ký cam kết không sử dụng, vận chuyển pháo nổ. Cần nâng cao ý thức của mỗi người, mỗi gia đình, mỗi khu dân cư, khu phố… Mọi người sẽ tự giác nhắc nhở, vận động nhau không sử dụng các loại pháo nổ vi phạm pháp luật và gây nguy hiểm cho sức khỏe, tính mạng bản thân và người chung quanh...”, cô Nga bày tỏ.