Theo đó, khi đang chế tạo pháo thì bất ngờ thuốc pháo phát nổ khiến ông H.V. Đ (41 tuổi, ở Hải Phòng) bị thương.
Vào ngày 7/1, ông Đ được đưa vào viện trong tình trạng tỉnh, hàm mặt xây xát, mắt 2 bên đau, nhìn mờ, tay phải dập nát ngón 3, 4, 5, đầu chi xẹp tím lạnh, vết thương phần mềm ô mô cái 5 cm bờ nham nhở, xây xát bìu và đùi 2 bên.
Qua thăm khám, kết quả phim chụp X-quang cho thấy, bệnh nhân bị gãy xương các đốt ngón 4, 5 tay phải.
Ngay sau đó, người bệnh được các bác sĩ tiến hành khẩn trương mổ cấp cứu, sửa mỏm cụt ngón 3, 4, 5, xử lý vết thương phần mềm gan tay, khâu vết thương bìu. Sau mổ, bệnh nhân tiếp tục được theo dõi và điều trị tại khoa Phẫu thuật Chấn thương Chung.
Trường hợp thứ hai là bệnh nhân N.Q.T. (nam, 15 tuổi, ở Hà Nội). T. được chuyển đến Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức 3h sáng ngày 8/1.
Khi vào viện, bệnh nhi có tình trạng hàm mặt sưng nề; giảm thị lực mắt phải, chấn thương đụng dập nhãn cầu và tổ chức hốc mắt phải; tay trái dập nát 4 ngón, lóc da phức tạp gan tay và mu tay. Phim chụp Xquang cho thấy cháu bé bị gãy phức tạp nhiều xương ở bàn tay trái.
Bố của T. chia sẻ, ngày 7/1, .T cùng bạn tự chế tạo pháo. Người bạn cạo bột từ hộp que diêm, sau đó T. lấy bột đã cạo để đốt. Không may, pháo tự chế phát nổ khiến T. chấn thương.
Trước đó, như GD&TĐ đưa tin, ngày 5/1, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức (Hà Nội) cho biết, đơn vị tiếp nhận một nam bệnh nhân D.T.H. (15 tuổi, trú tại Hải Dương) bị đa chấn thương vì pháo tự chế bất ngờ phát nổ.
Nam thiếu niên nhập viện trong tình trạng dập nát các đốt ngón tay 2 bên, có ngón đứt gân, khuyết hổng phần mềm, ngoài ra còn một vết thương mu chân phải kích thước 3x2 cm.
Theo người nhà bệnh nhân, H. cùng bạn mua bột về để tự chế tạo pháo. Trong quá trình làm, pháo đột nhiên phát nổ khiến nam sinh và bạn bị thương nặng. Cả hai được đưa đến bệnh viện cấp cứu.
Ngay khi nhập viện, các bác sĩ của bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đã cắt lọc tổ chức dập nát, sửa mỏm cụt đến đốt 1 ngón III, đốt 2 ngón II tay phải, sửa mỏm cụt đến đốt 1 ngón V, sửa đến đốt bán ngón I, cắt lọc phần mềm phức tạp bàn chân phải.
Bệnh nhân tỉnh táo sau phẫu thuật, tuy nhiên, H. vẫn lơ mơ và không nhớ hết những chuyện đã xảy ra. Bệnh nhân hiện vẫn đang tiếp tục được các bác sĩ theo dõi và điều trị tại khoa Phẫu thuật Chi trên và Y học Thể thao.
Các bác sĩ cho biết dịp lễ tết là thời điểm xảy ra nhiều tai nạn đáng tiếc do pháo nổ dẫn đến chấn thương hoặc bỏng nặng. Do đó, bác sĩ khuyến cáo, người dân cần tuân thủ các quy định của pháp luật, không tự ý chế tạo thuốc, pháo nổ, gây nguy hại cho bản thân cũng như xã hội.
Theo các bác sĩ, tổn thương do bỏng thuốc pháo thường dễ xảy ra ở mặt, cổ, hai tay. Tổn thương ở các vùng này có thể gây phù nề tiến triển nhanh, cản trở hô hấp gây suy hô hấp. Bỏng vùng mặt cổ khi khỏi có thể để lại di chứng về thẩm mỹ, ảnh hưởng đến khả năng tái hòa nhập cộng đồng sau bỏng trong khi, các cháu đều đang ở độ tuổi học đường. Tuy nhiên, bỏng ở hai tay và bàn tay có thể để lại di chứng sẹo co kéo ảnh hưởng đến khả năng sinh hoạt và lao động sản xuất.
Việc tự chế tạo thuốc pháo theo hướng dẫn trên các trang mạng đã có từ nhiều năm nay, đã có nhiều vụ tai nạn thương tâm xảy ra cho các học sinh và sinh viên, nhiều trường hợp để lại các di chứng bỏng rất nặng nề. Hàng năm, các trang báo đã liên tiếp cảnh báo về các tai nạn do tập chế tạo thuốc nổ... Tuy nhiên, đến nay loại tai nạn này vẫn không hề giảm mà vẫn xảy ra nhiều và để lại hậu quả thương tâm cho các bạn trẻ tuổi học đường, hiếu kỳ, thiếu hiểu biết, thiếu sự quan tâm giám sát của nhà trường, gia đình và xã hội.
Vì vậy, các bác sĩ khuyến cáo, do đặc điểm của tai nạn chưa có xu hướng giảm trong dịp gần tết cổ truyền của dân tộc. Để được đón chào năm mới trong an toàn và hạnh phúc, toàn xã hội cũng như gia đình, nhà trường và bản thân các học sinh ở lứa tuổi học đường nên nhận thức được mối nguy hiểm của việc tự chế thuốc gây nổ gây ra cho bản thân và xã hội, để cùng nhau có những hành động quyết liệt hơn để ngăn chặn tình trạng tự chế tạo các loại thuốc nổ gây nguy hại cho gia đình và xã hội.