Trạm kiểm dịch động vật Dốc Xây (Thanh Hóa): Chia nhau ngủ để chặn dịch

GD&TĐ - Dốc Xây là cửa ngõ của xứ Thanh, giáp ranh với địa phận tỉnh Ninh Bình. Tất cả các loại xe cơ giới lưu thông theo tuyến quốc lộ 1A (từ Bắc vào Nam) đều phải qua đây. Trước sự bùng phát của dịch tả lợn châu Phi, Trạm kiểm dịch động vật tại đây trở thành điểm nóng nhằm ngăn chặn mầm bệnh vào Thanh Hóa và các tỉnh phía Nam.

Lực lượng liên ngành phun thuốc tiêu độc, khử trùng cho xe vận chuyển động vật
Lực lượng liên ngành phun thuốc tiêu độc, khử trùng cho xe vận chuyển động vật

Ba ca quay vòng

Những ngày qua, khi bệnh dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) bùng phát, tỉnh Thanh Hóa đã thành lập khẩn cấp nhiều chốt kiểm dịch động vật ở các cửa ngõ ra vào xứ Thanh. Các ngành như Công an, Quản lý thị trường và Chi cục Thú y tỉnh được phối hợp, thành lập tổ công tác liên ngành để ngăn chặn và phòng chống dịch.

Ngày 13/3, phóng viên Báo GD&TĐ có mặt tại Trạm kiểm dịch động vật Dốc Xây. Lúc này, một chiếc xe tải mang biển số tỉnh Ninh Bình chở đầy vịt thương phẩm tự giác lùi vào bãi đất trống đã được lực lượng liên ngành tại trạm rải vôi bột trắng xóa. Tài xế và chủ hàng đưa giấy tờ, hóa đơn vào trạm để làm thủ tục lưu thông. Sau khi hoàn tất thủ tục, cán bộ thú y tại chốt kiểm dịch dùng hóa chất phun khử trùng, tiêu độc cho chiếc xe tải.

Lái xe cho hay, xe chở vịt thương phẩm vào phía Nam. Dù không phải là xe vận chuyển lợn, nhưng vẫn phải chấp hành các quy định một cách nghiêm túc, có giấy tờ kiểm dịch đầy đủ. “Chúng tôi cũng biết DTLCP không lây sang người và các loại vật khác. Tuy nhiên, mình buôn bán gia cầm, khi vận chuyển qua chốt kiểm dịch, được phun thuốc khử trùng, tiêu độc lại không mất tiền, thì đó là điều tốt”, chủ xe hàng nói.

Ông Trịnh Văn Hải - Trưởng Trạm kiểm dịch động vật Dốc Xây (thị xã Bỉm Sơn, Thanh Hóa), cho biết: “Dốc Xây là điểm giáp ranh giữa Thanh Hóa và Ninh Bình, là một trong những chốt kiểm dịch quan trọng nhất của tỉnh. Lực lượng tham gia túc trực 24/24 tại đây gồm thú y, cảnh sát giao thông và quản lý thị trường.

Các xe chở động vật khi đi qua chốt đều được kiểm tra giấy tờ về nguồn gốc xuất xứ, giấy kiểm dịch, dấu niêm phong… và được phun thuốc tiêu độc, khử trùng. Vì vậy, anh em chúng tôi phải chia nhau ngủ để... canh gác suốt ngày đêm và chia làm 3 ca (ca thứ nhất từ: 3 giờ - 11 giờ; ca thứ 2 từ: 11 giờ - 19 giờ; ca thứ 3 từ: 19 giờ - 3 giờ). Bình thường, kể cả những ngày không có dịch trạm chúng tôi vẫn phải trực thường xuyên như vậy”.

Cả tỉnh căng mình chống dịch

Trước đó, ngày 24/2, ổ DTLCP đầu tiên ở Thanh Hóa được phát hiện tại trang trại của gia đình ông Lê Văn Thanh (tại thôn Tân Ngữ 2, xã Định Long, huyện Yên Định). Tại ổ dịch này, cơ quan chức năng đã phải tiến hành tiêu hủy toàn bộ 226 con lợn với tổng trọng lượng hơn 5,8 tấn… Theo số liệu từ ngành nông nghiệp tỉnh Thanh Hóa, hiện tại, toàn tỉnh này đang có hơn 500 trang trại, hơn 2.300 gia trại và hơn 190.000 hộ chăn nuôi, với tổng đàn lợn 1,2 triệu con.

Để siết chặt, kiểm tra, kiểm soát tình hình bệnh DTLCP, ngày 28/2, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Quyết định số 724/QĐ-UBND về việc thành lập 4 chốt kiểm dịch động vật liên ngành tạm thời tại các đầu mối giao thông và tăng cường lực lượng cho 2 trạm kiểm dịch động vật đầu mối giao thông.

Theo đó, 4 chốt kiểm dịch động vật liên ngành tạm thời đặt tại các xã: Thành Vân, huyện Thạch Thành (tiếp giáp với tỉnh Ninh Bình); Bãi Trành, huyện Như Xuân (tiếp giáp với tỉnh Nghệ An); Nga Phú, huyện Nga Sơn (tiếp giáp với tỉnh Ninh Bình) và Thạch Lâm, huyện Thạch Thành (tiếp giáp với tỉnh Hòa Bình). Mỗi chốt kiểm dịch gồm 8 người. Thời gian hoạt động đến ngày 31/3, thực hiện 24/24 giờ trong ngày (kể cả thứ 7, Chủ nhật, ngày lễ, ngày nghỉ).

Trước 16 giờ hàng ngày, các chốt, trạm kiểm dịch động vật liên ngành tạm thời thực hiện nghiêm chế độ báo cáo định kỳ và đột xuất tình hình kiểm tra, kiểm soát dịch bệnh về Sở NN&PTNT (qua Chi cục Thú y) để tổng hợp, báo cáo theo quy định.

Theo Trưởng Trạm kiểm dịch động vật Dốc Xây Trịnh Văn Hải, từ khi có DTLCP đến nay, thì hàng ngày lượng xe vận chuyển lợn qua trạm giảm đi đáng kể. Mỗi ngày, chỉ khoảng 1 - 2 xe, số còn lại chủ yếu là xe vận chuyển trâu, bò, gà, vịt.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ