Đề xuất cần quan tâm
Hiện, tuyển sinh THPT được thực hiện theo Thông tư số 03/VBHN-BGDĐT ngày 3/5/2019. Theo đó, Bộ GD&ĐT quy định chung tuyển sinh THPT được tổ chức theo một trong ba phương thức: Xét tuyển (dựa trên kết quả rèn luyện, học tập của 4 năm học ở THCS của đối tượng tuyển sinh, nếu lưu ban lớp nào thì lấy kết quả năm học lại của lớp đó); Thi tuyển; Kết hợp thi tuyển với xét tuyển.
UBND cấp tỉnh tùy thực tế địa phương được chủ động chỉ đạo, phê duyệt kế hoạch và phương thức tuyển sinh THPT; UBND cấp huyện chỉ đạo, phê duyệt kế hoạch tuyển sinh THCS. Riêng về tuyển thẳng, Thông tư 03 quy định rõ 4 đối tượng được tuyển thẳng, gồm: Học sinh trường phổ thông dân tộc nội trú; người dân tộc rất ít người; học sinh khuyết tật; đoạt giải cấp quốc gia và quốc tế về văn hóa, văn nghệ thể dục thể thao, Cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp quốc gia dành cho học sinh THCS và THPT.
Thầy Trịnh Nguyễn Thi Bằng, Hiệu trưởng Trường THPT Trần Đại Nghĩa, Cần Thơ, bảy tỏ đồng tình và ủng hộ đề xuất giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho địa phương quy định đối tượng tuyển thẳng vào lớp 10 THPT. Lý do, thực hiện đúng chủ trương giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm để địa phương mạnh dạn bức phá, phát triển; phù hợp với tình hình, đối tượng ưu tiên; đồng thời, phù hợp với kế hoạch, phương án tuyển sinh của địa phương.
Khi được giao quyền này, thầy Trịnh Nguyễn Thi Bằng cho rằng, địa phương cần xây dựng quy định tuyển thẳng rõ ràng, cụ thể, hợp lý và công khai lấy ý kiến toàn dân. Cùng với đó, công khai danh sách tuyển thẳng hằng năm với lý do được tuyển thẳng cụ thể.
Ông Trịnh Văn Ngoãn, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Vĩnh Long, cho rằng, Quy chế tuyển sinh THCS, THPT ban hành khá lâu; do đó, một số quy định đến thời điểm này cần được nghiên cứu, điều chỉnh, bổ sung. Đề xuất giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho địa phương quy định đối tượng tuyển thẳng vào lớp 10 THPT của Cụm thi đua số 1 đáng được quan tâm nghiên cứu. Tuy nhiên, theo quan điểm cá nhân của ông Trịnh Văn Ngoãn, nên theo hướng vẫn có một số đối tượng tuyển theo quy định của Bộ GD&ĐT để áp dụng trong cả nước.
Cùng với đó, tăng quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho địa phương trong việc quy định thêm đối tượng được tuyển thẳng phù hợp với thực tế. “Tại Vĩnh Long, ngoài 4 đối tượng như Bộ GD&ĐT quy định tại Khoản 1 Điều 7 của Quy chế tuyển sinh ban hành kèm theo Văn bản hợp nhất số 03 năm 2019 của Bộ GD&ĐT, còn một số đối tượng đặc biệt như học sinh mồ côi cả cha lẫn mẹ, trẻ cơ nhỡ, học sinh mất cha/mẹ do dịch Covid-19…” - ông Trịnh Văn Ngoãn chia sẻ.
Để bảo đảm quy định công bằng, khách quan, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Vĩnh Long cũng nhấn mạnh việc địa phương cần cơ chế để kiểm soát, cơ chế ràng buộc để ngăn ngừa tiêu cực, lạm dụng chính sách. Ví dụ, phải công khai hằng năm (hoặc theo giai đoạn) về đối tượng được tuyển thẳng. Khi công khai điều kiện, tiêu chuẩn cụ thể, tổ chức xét rõ ràng, minh bạch sẽ tránh tiêu cực phát sinh.
Học sinh dự kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10. Ảnh minh họa/ INT |
Lo lạm dụng chính sách
Cũng có nhiều ý kiến thể hiện quan điểm không đồng tình với việc giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho địa phương quy định đối tượng tuyển thẳng vào lớp 10 THPT với lo lắng sẽ có tình trạng lạm dụng chính sách, khó kiểm soát, xuất hiện tình trạng “trăm hoa đua nở” về quy định tuyển thẳng vào lớp 10 tại các địa phương.
Ông Phan Văn Đức, Trưởng phòng Quản lý chất lượng, Sở GD&ĐT Thái Bình, nêu quan điểm: Học sinh được tuyển thẳng vào THPT vẫn nên để Bộ GD&ĐT quy định chung. Vì khi giao quyền tự chủ cho địa phương quy định nội dung này dễ dẫn đến mỗi nơi mỗi khác, cũng có thể xuất hiện tình trạng lạm dụng chính sách; từ đó không bảo đảm được công bằng giữa các địa phương.
Tuy nhiên, với đối tượng “học sinh đạt giải cấp quốc gia và quốc tế về văn hóa, văn nghệ thể dục thể thao, Cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp quốc gia dành cho học sinh THCS và THPT”, ông Phan Văn Đức cho rằng nên quy định cụ thể hơn đó là kỳ thi, cuộc thi nào và các cuộc thi đó phải thực sự uy tín, có chất lượng; đồng thời số lượng cuộc thi được tính để tuyển thẳng không nên nhiều.
Liên quan đến Quy chế tuyển sinh THCS, THPT, ông Phan Văn Đức đề xuất bổ sung đối tượng được cộng điểm khuyến khích là những học sinh đoạt giải Nhất, Nhì, Ba trong kỳ thi học sinh giỏi văn hóa lớp 9 cấp tỉnh/thành. “Tại Thái Bình, đây là kỳ thi được tổ chức nghiêm túc, bài bản và uy tín. Nếu cộng điểm cho học sinh đoạt giải trong kỳ thi này sẽ giúp nâng cao được chất lượng giáo dục mũi nhọn.
Trên thực tế, vì không có bất cứ ưu tiên nào nên nhiều học sinh và gia đình không hào hứng tham gia các kỳ thi học sinh giỏi văn hóa lớp 9, đặc biệt là các môn không thi vào lớp 10. Bên cạnh đó, cũng có thể bổ sung học sinh đạt chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế có uy tín được cộng điểm khuyến khích ở mức độ nào đó để thúc đẩy phong trào học tập ngoại ngữ tại địa phương” - ông Phan Văn Đức chia sẻ.
Ông Thái Văn Thành, Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An, đồng quan điểm khi bày tỏ không đồng tình với việc giao địa phương quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm quy định đối tượng tuyển thẳng vào lớp 10 THPT. Điều này khiến mỗi địa phương một kiểu, không đồng bộ, có thể dẫn tới việc lạm dụng chính sách; làm không tốt có thể ảnh hưởng đến quyền lợi của học sinh.
Tuy nhiên, ông Thái Văn Thành cũng cho rằng, nên mở rộng đối tượng tuyển thẳng, ví dụ như học sinh có chứng chỉ ngoại ngữ/chứng chỉ tin học quốc tế có uy tín. Tất nhiên, nên hạn chế chỉ tiêu tuyển thẳng với những trường hợp này. Ngoài ra, nên cộng điểm khuyến khích cho em đoạt giải học sinh giỏi văn hóa lớp 9 cấp tỉnh/thành.
Trong Công văn số 2216/BGDĐT-GDTrH, ngày 23/5/2019, Bộ GD&ĐT quy định: Giải cấp quốc gia là giải được công nhận ở các cuộc thi do Bộ GD&ĐT tổ chức, hoặc phối hợp tổ chức; các cuộc thi về văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức. Giải quốc tế là giải được công nhận ở các cuộc thi khu vực và quốc tế do Bộ GD&ĐT hoặc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chọn cử, cho phép học sinh tham gia dự thi. Những trường hợp nằm ngoài quy định trên không thuộc diện được tuyển thẳng vào lớp 10 THPT từ năm học 2018 - 2019.