Khi được giao chủ nhiệm lớp 10D1, cô giáo Chu Minh Anh Thơ – GV Trường THPT Quỳnh Lưu 2, Nghệ An đã có ý định hình thành trạm đọc của lớp. Khi xây dựng, nội quy của trạm đã được cô chủ nhiệm và các bạn học sinh trong lớp xây dựng tương đối rõ ràng, ấn tượng.
Đó là: sách đổi sách (cùng số lượng, bạn đọc khác lớp đem đến bỏ vào tủ sách một cuốn sách hay, phù hợp và tự chọn một cuốn khác ưng ý); đánh dấu vào sách mang tới đổi ( ở mép trang sách đầu tiên); yêu sách bằng cả trái tim người cho nhận; sắp xếp tủ sách gọn gàng mỗi lần trao đổi.
Trải qua gần ba tháng hoạt động, đến nay trạm đọc của K54D1 đã có sự lan tỏa tốt trong toàn trường. Hoạt động của lớp đều được các thầy cô giáo và các lớp biết đến. Đều đặn trên trang facebook// Trạm đọc K54 - D1 đều có những bài viết của các thành viên giới thiệu về những cuốn sách hay. Hàng này ngay tại lớp học, trong tủ sách nhỏ xinh đều có có những cuốn sách được mang đến và được mang đi đầy ý nghĩa.
Điều khác biệt của trạm đọc ở chỗ, không chỉ tạo ra tủ sách nơi góc lớp, tiến hành trao đổi sách mà mỗi tháng cô chủ nhiệm và trạm đọc tiến hành sinh hoạt. Ở đó, dưới sự dẫn dắt dẫn rất khéo léo của các bạn học sinh, của giáo viên chủ nhiệm, tập thể lớp sẽ bàn bạc, trao đổi sâu hơn về nội dung, giá trị thẩm mỹ và rút ra những bài học, những kinh nghiệm hữu ích từ những cuốn sách mà trạm đã đọc, đã cảm nhận. Và trong dự định của “trạm”, hình thức sinh hoạt của mỗi tháng sẽ có sự đổi mới để luôn luôn tạo nên sự hấp dẫn.
Hiện nay nguồn sách của trạm tương đối ổn định. Đó là nguồn sách được huy động từ phụ huynh, từ các thành viên của lớp, từ các thầy cô góp tặng và những người yêu sách khác. Đó sẽ là nguồn động viên để hoạt động này tiếp tục được triển khai, được nhân rộng.
Có thể thấy rằng, mô hình trạm đọc tại lớp học bước đầu đã phát huy hiệu quả tích cực. Đó là đã hướng các em đến với những cuốn sách có giá trị, vừa cung cấp kiến thức vừa giúp các em rèn luyện thêm kĩ năng và bồi dưỡng tâm hồn. Bên cạnh đó còn góp phần hình thành văn hóa đọc sách, rèn luyện kĩ năng thuyết trình, kĩ năng giao tiếp, kĩ năng tạo lập văn bản cho các em học sinh.
Dần dần góc nhìn của các em về đời sống sẽ sâu sắc hơn, năng lực thẩm mỹ sẽ được bồi đắp, các kĩ năng cơ bản sẽ được trau dồi. Bởi vậy, chúng tôi thiết nghĩ rằng đây là mô hình nên nhân rộng để phần nào cân bằng giữa áp lực học tập và văn hóa “nghe - nhìn” cũng như các trò giải trí khác của đời sống công nghệ.