Trầm cảm thúc đẩy quá trình lão hóa

GD&TĐ - Trầm cảm có thể đẩy nhanh quá trình lão hóa ở cấp độ tế bào và dẫn đến tử vong sớm, theo một nghiên cứu mới.

Trầm cảm thúc đẩy quá trình lão hóa

Rối loạn trầm cảm chính (MDD) trước đây đã được phát hiện là một yếu tố nguy cơ của nhiều bệnh khác nhau liên quan đến lão hóa, bao gồm bệnh tim mạch, bệnh Alzheimer và loãng xương. Trầm cảm cũng có liên quan đến tỷ lệ tử vong sớm.

Vì vậy, các nhà nghiên cứu đã đưa ra giả thuyết rằng trầm cảm có thể thúc đẩy một quá trình sinh học bên trong cơ thể làm tăng tốc độ lão hóa, theo nghiên cứu được công bố ngày 6/4 trên tạp chí Translational Psychiatry.

“Một trong những điều đáng chú ý về bệnh trầm cảm là những người bệnh có tỷ lệ mắc các bệnh tật liên quan đến tuổi tác và tỷ lệ tử vong sớm cao hơn người thường một cách bất ngờ, ngay cả sau khi tính đến những thứ như tự tử và thói quen sống, theo đồng tác giả nghiên cứu.

Đó luôn là một bí ẩn, và đó là lý do khiến chúng tôi tìm kiếm các dấu hiệu lão hóa ở cấp độ tế bào” - Tiến sĩ Owen Wolkowitz, Giáo sư Tâm thần học tại Đại học California, San Francisco (UCSF) cho biết trong một tuyên bố.

Để tìm ra điều này, một nhóm các nhà nghiên cứu đã để ý đến cái gọi là đồng hồ biểu sinh, đo lường những thay đổi hóa học cụ thể trong DNA của một người để ước tính tuổi sinh học hoặc tế bào của họ.

Khi một người già đi, các nguyên tử cụ thể trong DNA của họ bắt đầu được thay thế bằng các nhóm metyl (một nguyên tử cacbon liên kết với ba nguyên tử hydro), trong một quá trình tự nhiên được gọi là quá trình metyl hóa. Những thay đổi hóa học này làm thay đổi chức năng gen trong tế bào.

Bằng cách theo dõi những thay đổi hóa học này, các nhà khoa học cũng có thể hiểu rõ hơn liệu một tình trạng, chẳng hạn như trầm cảm, có thể liên quan đến việc đẩy nhanh quá trình lão hóa tế bào hay không.

Trong nghiên cứu mới, các nhà nghiên cứu đã tìm kiếm các mô hình cụ thể của quá trình methyl hóa trước đây có liên quan đến tỷ lệ tử vong, một đơn vị đo lường được gọi là “GrimAge”, sử dụng mẫu máu từ 49 người mắc chứng rối loạn trầm cảm nặng không được điều trị bằng thuốc và từ 60 người khỏe mạnh ở cùng độ tuổi.

Các nhà phân tích kiểm soát các thông số như giới tính, tình trạng hút thuốc hiện tại và chỉ số khối cơ thể. Mặc dù, những người bị trầm cảm nặng không có dấu hiệu lão hóa nhanh về thể chất, nhưng họ có GrimAge lớn hơn so với độ tuổi của họ.

Nói cách khác, quá trình lão hóa tế bào trung bình của họ bị đẩy nhanh hai năm so với người khỏe mạnh.

Tác giả chính Katerina Protsenko, một sinh viên y khoa tại UCSF cho biết: “Điều này đang thay đổi cách chúng ta hiểu về trầm cảm, từ một bệnh tâm thần hoặc tâm thần đơn thuần, vốn chỉ giới hạn trong các quá trình trong não, thành một bệnh toàn thân.

Điều này về cơ bản sẽ thay đổi cách chúng ta tiếp cận với bệnh trầm cảm và cách chúng ta nghĩ về nó - như một phần của sức khỏe tổng thể”.

Nhưng theo tuyên bố  của Katerina, cô vẫn chưa rõ liệu trầm cảm có gây ra những thay đổi trong quá trình methyl hóa ở một số người hay không, hoặc nếu trầm cảm và methyl hóa đều liên quan đến một số yếu tố tiềm ẩn khác trong cơ thể.

Ví dụ, có thể một số người có khuynh hướng mắc các kiểu methyl hóa cụ thể khi họ tiếp xúc với các tác nhân gây căng thẳng. Hơn nữa, kích thước mẫu vẫn còn “khiêm tốn” và những phát hiện này cần được nhân rộng trong một mẫu lớn hơn và đa dạng hơn, theo các tác giả viết.

Hiện tại, các nhà nghiên cứu hy vọng sẽ xác định được liệu phương pháp điều trị hay liệu pháp có thể ngăn chặn những thay đổi methyl hóa làm tăng tốc độ lão hóa tế bào hay không.

Theo Livescience

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ