Sinh viên làm thêm sau giờ học:

Trải nghiệm và những nỗi lo

GD&TĐ - Sinh viên đi làm thêm ngoài giờ học đã không còn lại chuyện mới, tuy nhiên song hành của những trải nghiệm cũng sẽ là nhiều nỗi lo.

Công việc làm thêm trong lĩnh vực ẩm thực, vui chơi...thường được sinh viên lựa chọn. Ảnh minh họa.
Công việc làm thêm trong lĩnh vực ẩm thực, vui chơi...thường được sinh viên lựa chọn. Ảnh minh họa.

Tăng trải nghiệm, thêm thu nhập

Bước chân vào Đại học, cũng là lúc sinh viên bước vào cánh cửa của sự trưởng thành và tự lập. Ngay từ đầu năm học mới, nhiều bạn sinh viên đã tấp nập tìm việc làm thêm, đặc biệt là trong các lĩnh vực ẩm thực, vui chơi, giải trí… Đó có thể là công việc chạy bàn, phục vụ các quán ăn nhanh, quán cà phê, nhà hàng hay bán vé tại các khu giải trí… Do phụ thuộc vào lịch học, nên với các sinh viên, công việc được ưu tiên nhất là làm vào buổi tối hoặc linh động về thời gian.

Trung Vĩnh, sinh viên trường Đại học Kinh tế và Quản trị Kinh doanh (ĐH Thái Nguyên) chia sẻ: Em đang làm tạp vụ tại một quán cafe trên địa bàn thành phố Thái Nguyên, ca làm bắt đầu từ 19h đến lúc hết khách. Lương được tính theo giờ làm việc, trung bình từ 12 – 20.000 đồng/giờ, số tiền này đã giúp em trang trải các chi phí, đỡ đần gia đình.

Đối với Thu Huyền sinh viên năm thứ hai, trường Đại học Khoa học (ĐH Thái Nguyên) cho biết: Em đang làm cùng một lúc nhiều công việc bán thời gian khác nhau, thường là làm theo ca nên cũng không trùng với lịch học trên lớp. Trung bình mỗi tháng, em kiếm được khoảng 6,5 triệu, với mức lương này, em có thể tự đóng học phí và các chi phí sinh hoạt.

Làm thêm giúp sinh viên có nhiều trải nghiệm và gia tăng thu nhập.Ảnh minh họa.

Làm thêm giúp sinh viên có nhiều trải nghiệm và gia tăng thu nhập.Ảnh minh họa.

Có thể nói, đi làm thêm đã giúp các bạn sinh viên tự lập tài chính, tuy không lớn nhưng số tiền từ công việc làm thêm cũng phần nào giúp sinh viên trang trải cuộc sống, có thể tự mua được đồ dùng cá nhân, sách vở nếu biết tiết kiệm sinh viên hoàn toàn có thể tự đóng học phí, mua một chiếc xe hoặc tích vốn đầu tư.

Bên cạnh đó, làm thêm cũng giúp sinh viên học hỏi thêm kiến thức, có thêm trải nghiệm và kinh nghiệm, Lý Văn Tùng sinh viên ngành Ngôn ngữ Anh trường Đại học Khoa học (ĐH Thái Nguyên) khẳng định: “Ban đầu khả năng giao tiếp của em chỉ ở tầm trung, thế nhưng từ khi đi làm thêm tại trung tâm tiếng Anh, em đã tích lũy thêm nhiều vốn từ, tăng khả năng giao tiếp và nhờ đó em đã tự tin hơn rất nhiều”.

Không ít nỗi lo

Thế nhưng, ngoài những lợi ích từ việc đi làm thêm mang lại, cũng có không ít bất cập và nỗi lo, qua tìm hiểu, nhiều sinh viên cho biết việc làm thêm đã ít nhiều ảnh hưởng đến việc học của họ.

Cụ thể, nhiều em chểnh mảng trong học tập, áp lực công việc cộng thêm việc học trên giảng đường khiến sinh viên gần như không đủ thời gian tự học dẫn đến thành tích học tập ngày càng đi xuống. Nếu không có kế hoạch, thời gian biểu cụ thể, không cân bằng giữa thời gian học và đi làm, sẽ rất khó để các bạn ra trường đúng hạn.

Ngoài ra, sinh viên, đặc biệt là tân sinh viên còn là đối tượng mà nhiều hệ thống kinh doanh đa cấp biến tướng nhắm đến. Các đối tượng này lợi dụng sự thiếu hiểu biết của sinh viên nhằm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản bằng nhiều hình thức tinh vi khác nhau. Bằng lời lẽ mê hoặc như: “Chỉ cần xem video TikTok nhận ngay 100 nghìn” hay “Không cần bằng cấp không cần kinh nghiệm vẫn có thể kiếm chục triệu một tháng”, nếu không đủ tỉnh táo, thay vì kiếm thêm thu nhập sinh viên dễ dàng lâm vào cảnh nợ nần.

Theo TS. Phí Đình Khương, Trưởng phòng Công tác Học sinh Sinh viên trường Đại học Khoa học - Đại học Thái Nguyên cho biết: Làm thêm được biết đến là một công việc không chính thức, không thường xuyên. Tùy theo tính chất công việc, nhiều công việc làm thêm không yêu cầu nhiều kinh nghiệm, bằng cấp để được tuyển dụng. Chính việc thoải mái trong thời gian, dễ dàng trong ứng tuyển, đây là lựa chọn của hầu hết các bạn sinh viên đang mong muốn kiếm thêm thu nhập.

Việc làm thêm không hề xấu, nhưng cách các bạn làm việc sẽ gây ra không ít tranh cãi. Chúng ta cần hiểu rõ, ở lứa tuổi còn đang đèn sách thì đi học vẫn là điều cần được ưu tiên. Chính vậy, các bạn sinh viên hãy biết cân bằng giữa thời gian đi học và làm việc để không lãng phí thời gian, sức khoẻ của bản thân.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ