Không những thế, các em được trải nghiệm không gian học thuật thú vị trên quê hương nhà thiên văn học nổi tiếng thế giới Nicolas Copernic.
Thi trên quê hương nhà bác học
Thiên văn học là môn khoa học còn mới lạ ở Việt Nam, không được đưa vào giảng dạy trong nhà trường nhưng lại phổ biến trên thế giới. Kỳ thi Olympic Thiên văn học và Vật lý thiên văn quốc tế (IOAA) được tổ chức từ năm 2007 là sân chơi khoa học thường niên, có uy tín.
IOAA lần thứ 16 năm 2023 tổ chức tại Ba Lan, quê hương nhà bác học, nhà thiên văn học Nicolas Copernic - cha đẻ của thuyết Nhật tâm, giả thuyết quan trọng nhất trong lịch sử Thiên văn thế giới. Kỳ thi được tổ chức từ ngày 10/8 đến 20/8/2023 với sự tham dự của 261 thí sinh của 53 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Thầy Lê Mạnh Cường - Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam, được biết đến như người mang thiên văn học về giới thiệu ở Việt Nam, người theo sát các đội tuyển IOAA từ năm 2016 - cho biết: Được đến Ba Lan, đất nước của nhiều nhà thiên văn học nổi tiếng thế giới là một trải nghiệm thú vị không chỉ của học sinh mà cả của giáo viên.
Như mọi năm, các bài thi của IOAA bao gồm: Lý thuyết; xử lý số liệu; thực hành quan sát bầu trời và trong nhà chiếu hình. Tuy nhiên, Ban tổ chức đã có nhiều thay đổi từ nội dung đến cấu trúc đề thi để cuộc thi trở nên hấp dẫn, thú vị hơn. Không gian của kỳ thi cũng được trang hoàng như một không gian vũ trụ thu nhỏ với nhiều ống kính thiên văn hiện đại.
Tại IOAA năm 2023, Phạm Thế Minh - học sinh lớp 11 Lý 1, Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam đã xuất sắc giành Huy chương Bạc, chỉ kém giải Vàng 0,25 điểm và là người có điểm cao nhất đoàn Việt Nam. Trước khi giành Huy chương Bạc IOAA, Minh từng nếm trải thất bại ở cuộc thi này năm học lớp 10.
Thế Minh cho biết, thời điểm đó, kiến thức cuộc thi thực sự thách đố với một học sinh lớp 10. Em chưa bình tĩnh suy nghĩ, tập trung quá nhiều vào phần quan sát, thực hành nên không làm tốt phần thi lý thuyết nên đã không đoạt giải.
“Lần thứ 2 tham dự cuộc thi em không thể không áp lực, lo lắng. Mặc dù vậy, em tự trấn an bản thân phải bình tĩnh bởi đó là chìa khóa giải quyết mọi vấn đề. Chúng em đã mất nhiều đêm thức trắng để quan sát bầu trời. Thế nhưng nhờ bạn bè và nhiều người đi trước động viên, hướng dẫn đã giúp em vượt qua”, Minh nói.
Chia sẻ về niềm yêu thích bộ môn Thiên văn học và Vật lý thiên văn, Minh cho hay, năm lớp 2 thầy giáo tặng em một cuốn sách về Issac Newton - nhà vật lý thiên tài người Anh. Em đọc xong trong một ngày và từ đó hứng thú với Vật lý. Sau đó, em biết đến thiên văn qua câu lạc bộ Amstronomy của nhà trường và muốn tìm hiểu sâu hơn bộ môn này, để khám phá những điều kỳ diệu chưa tìm thấy trong thế giới.
Phạm Thế Minh - chủ nhân Huy chương Bạc IOAA 2023. Ảnh: Sở GD&ĐT Hà Nội |
Những trải nghiệm thú vị
Trong số những học sinh đạt giải năm nay có thành viên nữ là Nguyễn Ngọc Phương Anh, học sinh lớp 10 Lý 1, Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam. Phương Anh là thành viên nữ thứ 2 từng góp mặt trong đội tuyển Việt Nam dự thi IOAA sau Đỗ Quỳnh Anh năm 2022 và đều đạt kết quả ấn tượng.
Về kì thi năm nay, Phương Anh cho biết: IOAA là kỳ thi dành cho học sinh trung học được tổ chức hàng năm nhằm tạo sân chơi bổ ích cho học sinh trên thế giới, ghi nhận vai trò to lớn của lĩnh vực Thiên văn học và Vật lý thiên văn trong đời sống, đồng thời tăng cường giao lưu giữa các quốc gia trên thế giới. Ba Lan - đất nước tươi đẹp, kỳ thi đã để lại cho em nhiều ấn tượng mà trước hết là sự đón tiếp nồng hậu của nước chủ nhà. Sau khi đến sân bay, đoàn Việt Nam được các bạn tình nguyện viên đón, dẫn về khách sạn nhiệt tình.
Tại khách sạn ở thành phố Chorzow, Ban tổ chức đã trang bị 4 chiếc kính thiên văn giá trị cao để dành riêng cho các thí sinh trải nghiệm. Mỗi đêm, các bạn tình nguyện viên hướng dẫn cho các thí sinh ngắm sao, vừa trò chuyện để chia sẻ kinh nghiệm, giao lưu văn hóa. Phương Anh cho biết, em được bố trí ở cùng phòng với các bạn nữ người Pakistan.
Trong những ngày ở cùng nhau, các em trao đổi về tình hình học tập, sở thích, văn hóa, phong tục của nước mình. Các bạn Pakistan nói tiếng Anh giỏi và cũng có kiến thức về thiên văn học rất tốt. Nữ sinh lớp 10 Lý 1 nhớ nhất lần giao lưu đốt lửa trại, tất cả các thí sinh đã cùng hát bài “Nối vòng tay lớn” của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và nhảy. Cùng đó, em được đi tham quan lâu đài cổ, mỏ khai thác than..., tất cả trở thành những kỉ niệm đẹp không bao giờ quên.
Về cơ duyên đến với môn Thiên văn học, Phương Anh cho biết nhờ sự động viên của thầy cô và sự hấp dẫn của Amstronomy, câu lạc bộ Thiên văn học của Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam. Câu lạc bộ Amstronomy được thành lập năm 2017 bởi các thành viên đã từng đoạt giải tại IOAA và đã hoạt động sôi nổi nhiều năm nay, thu hút sự tham gia của các học sinh yêu thiên văn toàn thành phố.
Phương Anh cho hay, Thiên văn học và Vật lý thiên văn có kiến thức khá rộng nên việc “quét” toàn bộ kiến thức là điều rất khó khăn. Hơn nữa, những thí sinh dự thi IOAA đều trong độ tuổi lớp 10, lớp 11 nên sẽ là thử thách không nhỏ. Về phần xử lí dữ liệu, ngoài hiểu bản chất thì phải có kĩ năng trình bày, tính sai số, phải biết cách vẽ đồ thị thế nào. Bên cạnh đó, học sinh khi theo đuổi môn học này phải thức đêm đến tận 3 giờ sáng để thực hành quan sát các vì sao.
Chia sẻ về phương pháp học tập, Phương Anh cho hay: Ở các nước khác như Mỹ hoặc Ba Lan, ngành thiên văn phát triển. Chính vì thế, em tìm tài liệu, các bài giảng về thiên văn hay trên website của các trường đại học ở những quốc gia này để đọc, nghiền ngẫm, trau dồi kiến thức. Cùng đó là việc học hỏi kinh nghiệm từ thầy cô và các anh chị đi trước để có kiến thức, tăng cường làm các bài tập thực hành.
Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Trần Thế Cương khẳng định, kỳ thi Olympic Thiên văn học và Vật lý thiên văn quốc tế là hoạt động giáo dục mũi nhọn luôn được thành phố quan tâm. Kết quả mà học sinh đạt được đáng khích lệ, thể hiện sự nỗ lực, phấn đấu lớn của cả cá nhân và tập thể. Mong các thầy cô tiếp tục đẩy mạnh công tác bồi dưỡng đội tuyển; đồng thời học sinh sẽ cố gắng hơn nữa để đạt được thành tích cao hơn trong tương lai.