Trải nghiệm không bao giờ quên của nữ sinh viên năm nhất từ Thủ đô vào Thành phố Hồ Chí Minh chống dịch

GD&TĐ - “Có trải nghiệm, con mới trưởng thành, mới rút ra những kinh nghiệm trong nghề sau này”, đó là lời thuyết phục của nữ sinh viên năm nhất ngành Y với gia đình để được vào TP Hồ Chí Minh hỗ trợ chống dịch.

Phút nghỉ ngơi hiếm hoi của Nguyễn Hà An bên bàn lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 cho người dân tại TP.HCM.
Phút nghỉ ngơi hiếm hoi của Nguyễn Hà An bên bàn lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 cho người dân tại TP.HCM.

20 tuổi, chưa một lần tự mình đi xa nhưng "quyết tâm" xông vào tâm dịch

Ấn tượng với tôi tại điểm lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 ở ấp 2A, xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh là một cô gái có cặp kính cận, lúc thì cặm cụi ghi chép tỉ mỉ trên mỗi ống mẫu xét nghiệm Covid-19, lúc lại tư vấn cho người dân xếp hàng đúng, giữ khoảng cách, lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 cho người dân.

Nguyễn Hà An (SN 2002) - cô sinh viên năm nhất ngành Điều dưỡng, là một trong 230 sinh viên của trường Cao đẳng Y tế Bạch Mai (Hà Nội) đăng ký tình nguyện tham gia hỗ trợ chống dịch tại TP. HCM.

Hà An kể, ngay khi nhận được thông tin của trường, trong đầu em lúc ấy chỉ nghĩ, mình đã chọn ngành Y thì công việc đó trước sau gì cũng phải tham gia, nhất là khi TP.HCM đang lúc cần sự hỗ trợ từ lực lượng y tế của Bộ Y tế cũng như các địa phương. Mình không đi lúc này thì còn lúc nào nữa.

Là con một trong một gia đình trí thức tại Hà Nội, khi đặt vấn đề “con vào tâm dịch TP.HCM hỗ trợ chống dịch theo lời kêu gọi của nhà trường” với cha mẹ, Hà An nhận được cái lắc đầu. Bởi lúc ấy, TP.HCM đang là “tâm dịch Covid-19” của cả nước, ai cũng lo lắng, nhất là Hà An chưa bao giờ xa nhà một mình, trong một hoàn cảnh đặc biệt như thế.

Chiều ngày 21/8/2021, Hà An cùng các bạn và thầy cô lên đường vào TP.HCM chống dịch theo lời kêu gọi của nhà trường và Bộ Y tế.
Chiều ngày 21/8/2021, Hà An cùng các bạn và thầy cô lên đường vào TP.HCM chống dịch theo lời kêu gọi của nhà trường và Bộ Y tế.

Tuy nhiên, với sự thuyết phục, phân tích của mình, “có trải nghiệm, con mới trưởng thành, mới rút ra cho mình những kinh nghiệm trong nghề sau này”. Hà An đã nhận được sự tin tưởng và ủng hộ của cha mẹ. Thế là mọi thứ, từ chai dầu gió, xịt khuẩn, sữa tắm… cho đến hộp chà bông để em ăn khi chưa quen khẩu vị phương Nam, đều được cha mẹ sắp xếp tỉ mỉ trong chiếc vali.

Trải nghiệm không bao giờ quên

Sau 12 giờ nhận lệnh điều động, Hà An cùng các bạn, thầy cô của trường Cao đẳng Y tế Bạch Mai tình nguyện lên đường vào TP.HCM và các tỉnh phía Nam hỗ trợ chống dịch. “Tất cả sinh viên bọn em đều đã được tiêm một mũi vắc xin phòng Covid-19, được các thầy cô tập huấn các công tác để chuẩn bị nhận nhiệm vụ, nên bọn em cũng khá tự tin, nhưng cũng xen chút gì đó hồi hộp, lo lắng” – Hà An chia sẻ.

Theo kế hoạch, chiều 21/8/2021, 1.500 sinh viên, giảng viên trường Cao Đẳng Y tế Bạch Mai lên đường vào TP.HCM. Hà An cùng một đội được điều động đến ở tại Trường THCS Nguyễn Thái Bình (xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh) để hỗ trợ công tác lấy mẫu xét nghiệm tại xã Bình Hưng, nhằm bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng.

Nguyễn Hà An lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 tại TP Hồ Chí Minh
Nguyễn Hà An lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 tại TP Hồ Chí Minh

Được phân công trong tổ lấy mẫu xét nghiệm, mỗi tối, đội của Hà An sẽ được thông báo sáng mai lấy mẫu ở đâu, sau đó địa phương sẽ hỗ trợ người chở đội đi đến từng ấp, vào những con hẻm sâu để lấy mẫu xét nghiệm cho người dân.

“Lúc đầu, cũng có một vài người không hợp tác, có những câu nặng lời, nhưng khi được phân tích về sự nguy hiểm của dịch bệnh, đa phần người dân đều hợp tác. Em vào TP.HCM nhiều lần cùng với gia đình, nhưng đây là lần đầu tiên em được trải nghiệm, được chính mắt mình thấy được cuộc sống của người dân tại một huyện của TP.HCM.

Dù cuộc sống khó khăn, đang phải đối mặt với dịch bệnh, nhưng nhiều cô chú tại địa phương còn tặng chúng em những món ăn, trái cây… và động viên chúng em cố gắng. Thật sự rất xúc động! Đây sẽ là những trải nghiệm mà em cũng như các bạn không bao giờ quên” - Hà An tâm sự.

Xúc động khi thấy "con gái mình đã lớn"

Từ khi cô con gái quyết định vào “tâm dịch”, chị Lê Thu Hương (mẹ Hà An) cũng bồi hồi, sát cánh cùng con mỗi ngày. “Cứ buổi tối là vợ chồng tôi gọi điện cho con xem tình hình trong ấy thế nào. Nhưng khi nghe con kể, “chúng con ổn, mọi việc đều tốt” là tôi mừng lắm. Hy vọng các bạn ấy sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ” - chị Hương nói.

Hà An là một trong 781 cá nhân vừa được Bộ trưởng Bộ Y tế tặng Bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác hỗ trợ phòng, chống dịch Covid-19 tại các tỉnh phía Nam.
Hà An là một trong 781 cá nhân vừa được Bộ trưởng Bộ Y tế tặng Bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác hỗ trợ phòng, chống dịch Covid-19 tại các tỉnh phía Nam.

Mỗi ngày, Hà An cùng các bạn trong đội luôn được thầy cô trường Cao Đẳng Y tế Bạch Mai động viên, hỗ trợ, cũng như tập huấn công tác chống nhiễm khuẩn, lấy mẫu xét nghiệm, kể cả hỗ trợ tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19.

Với những sinh viên ngành Y, đặc biệt là sinh viên năm nhất, đây không chỉ là một trải nghiệm thực tế không phải ai cũng có thể trải qua.

Các bạn trẻ tuổi vừa mới mười chính đôi mươi nhưng đã dám xông pha nơi tuyến đầu chống dịch, không ngại “ngủ trên bàn học”, ăn những bữa ăn khác khẩu vị, càng không ngại dịch bệnh bởi tự trái tim mình, ai cũng mong ước góp sức mình giúp người dân TP.HCM đẩy lùi, chiến thắng dịch bệnh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Năng lực sản xuất vũ khí của Nga tăng đáng kể kể từ khi Moscow bắt đầu chiến dịch quân sự ở Ukraine.

Cảnh báo gây sốc khi kho vũ khí EU tụt hậu

GD&TĐ -Tổ hợp công nghiệp quân sự của Nga đã tăng cường sản xuất vũ khí kể từ khi bắt đầu chiến dịch quân sự ở Ukraine, xóa bỏ mọi dấu hiệu thiếu hụt.

Cây guitar bí ẩn.

Những cây đàn huyền bí

GD&TĐ - Trong một số trường hợp, nhạc cụ còn được cho là sở hữu sức mạnh huyền bí, mắc lời nguyền.