Trải nghiệm học tập: Được hay mất?

Trải nghiệm học tập: Được hay mất?

Được gì sau trải nghiệm học tập

Theo thầy Phạm Trung Hữu - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phạm Văn Hai (huyện Bình Chánh, TPHCM), học tập ngoại khóa có vai trò trong việc hình thành các phẩm chất chủ yếu và năng lực cốt lõi: Thích ứng với cuộc sống, thiết kế và tổ chức hoạt động, định hướng nghề nghiệp. Các năng lực đã được cụ thể hóa thành các yêu cầu cần đạt về hành vi với các mức độ khác nhau. Thông qua việc mô tả các yêu cầu cần đạt, người đọc có thể biết được con đường và cách thức hình thành và phát triển mục tiêu năng lực dựa trên gợi ý về các nội dung giáo dục trong chương trình đưa ra.

Đồng thời, thầy Phạm Trung Hữu cũng lưu ý nội dung chương trình hoạt động trải nghiệm không dừng lại ở các chủ đề mang tính chính trị, xã hội như trong chương trình hiện hành, mà cần chú trọng vào các hoạt động phát triển cá nhân, lao động và đặc biệt là GD hướng nghiệp.

Ở một góc nhìn khác, TS Hà Thị Kim Phượng (GV chủ nhiệm Trường THPT Gia Định, TPHCM) cho rằng: Trong Chương trình giáo dục phổ thông mới, hoạt động trải nghiệm được các trường bố trí xuyên suốt từ lớp 1 - 12, với nhiều hình thức đa dạng, phong phú.

Việc học trải nghiệm đóng vai trò quan trọng và thiết yếu trong Chương trình giáo dục phổ thông mới. Bởi lẽ, ngoài việc học lý thuyết trên lớp, hoạt động cho học sinh được tiếp xúc, cọ xát với những tình huống từ môi trường cuộc sống sẽ giúp các em kiểm nghiệm thực tế, vận dụng lý thuyết đã học một cách hiệu quả nhất. Từ đó, giúp học sinh phát triển năng lực thích ứng với cuộc sống, thiết kế và tổ chức hoạt động, định hướng nghề nghiệp…

Học trải nghiệm đóng vai trò quan trọng và thiết yếu trong Chương trình giáo dục phổ thông mới. Ảnh minh họa/INT
 Học trải nghiệm đóng vai trò quan trọng và thiết yếu trong Chương trình giáo dục phổ thông mới. Ảnh minh họa/INT

Để không còn nỗi lo sau những chuyến đi

Để tổ chức chương trình tham quan học tập trải nghiệm đúng nghĩa và an toàn cho HS, thầy Phạm Trung Hữu cho rằng: Trước hết, hiệu trưởng nhà trường cần có kế hoạch và đặt ra mục tiêu cụ thể, qua đợt học tập này cần giáo dục cho các em những kỹ năng cơ bản nào? Từ đó tham khảo ý kiến hội đồng.

“Quan trọng nhất là khâu quản lý, mình phải tham khảo kỹ chương trình, địa điểm, những nơi tổ chức uy tín và bản thân phải trực tiếp kiểm tra kỹ để tránh những tình huống rủi ro có thể xảy ra. Khi đi học tập những nơi xa cần trang bị cho HS một số những kỹ năng cơ bản như cần chuẩn bị những gì khi đi xa? Cách giao tiếp ứng xử khi ra ngoài? Xử lý tình huống khi không thấy thầy cô… Nói chung là chuẩn bị tâm lý trước khi cho các em tham gia hoạt động trải nghiệm thực tế” - thầy Phạm Trung Hữu chia sẻ.

Một giáo viên THCS tại quận Gò Vấp (TPHCM) nói: Học tập ngoại khóa được phổ biến rộng rãi ở các cấp học, nhưng cần có sự chọn lựa phù hợp với từng lứa tuổi và từng bộ môn học. Với HS bậc THCS có thể lựa chọn môn Sinh vật lớp 6, 7 khi học các chương động thực vật sẽ trải nghiệm Thảo Cầm Viên Sài Gòn, Khu du lịch sinh thái các vùng lân cận TPHCM, Bến Tre, Tây Ninh, Củ Chi; Lớp 8, 9 học về cơ thể người có thể tham quan các bệnh viện trong TPHCM; Các môn như công nghệ, kỹ thuật thì đến các nhà máy... Nếu quản lý tốt, học sinh tuân thủ nội quy trong thời gian trải nghiệm, những tai nạn ngoài ý muốn sẽ được kiểm soát, hạn chế những điều rủi ro, đáng tiếc xảy ra trong quá trình hoạt động học tập trải nghiệm.

Tuy nhiên, trên thực tế không phải đơn vị tổ chức nào cũng thực hiện đúng cam kết với nhà trường, phụ huynh trong quá trình tổ chức hoạt động ngoại khóa, trải nghiệm. Bằng chứng, Khu di tích địa đạo Củ Chi có công văn thông báo về việc các công ty du lịch không đưa học sinh vào tham quan địa đạo Củ Chi đúng như chương trình. Do vậy, Sở GD&ĐT TPHCM đã lưu ý các trường: “Trong thời gian gần đây các trường học ký hợp đồng với các công ty du lịch để đưa học sinh tham quan tại địa đạo Củ Chi. Qua thực tế nắm bắt thông tin, hiện nay có một số công ty du lịch phối hợp với nhà trường đã thu tiền của học sinh tổ chức tham quan địa đạo Củ Chi, nhưng không đưa học sinh vào tham quan địa đạo mà chỉ tổ chức cho học sinh viếng Đền thờ Khu truyền thống cách mạng Sài Gòn – Chợ Lớn – Gia Định…”.

Đồng thời đề nghị thủ trưởng các đơn vị thực hiện các nội dung sau: Khuyến khích các đơn vị tổ chức tham quan đầy đủ chương trình tại Khu di tích địa đạo Củ Chi; Thủ trưởng đơn vị chịu trách nhiệm duyệt nội dung và thời gian khi tham quan tại Khu di tích địa đạo Củ Chi; Không cắt xén chương trình tham quan tại Khu di tích địa đạo Củ Chi theo hợp đồng thỏa thuận đã ký kết với đơn vị thực hiện, nhằm giáo dục lý tưởng, truyền thống cách mạng cho học sinh, sinh viên.

Các trường cần bảo đảm đủ về mặt thời gian và không gian cho các hoạt động; Không tổ chức các hoạt động phối hợp học tập trải nghiệm và du lịch trong thời gian ngắn, các hoạt động học tập được tổ chức chưa đủ và đúng, không bảo đảm được chuẩn kiến thức kỹ năng cơ bản dành cho học sinh trong từng môn học. Không sử dụng nội dung chuẩn kiến thức kỹ năng của khối lớp này triển khai thành hoạt động trải nghiệm chủ yếu của khối lớp khác. 
Ông Nguyễn Văn Hiếu - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ