Trải nghiệm đời sống văn chương triều Nguyễn

GD&TĐ - Những câu chuyện về văn chương khai thác từ châu bản triều Nguyễn đang được kể trên không gian triển lãm trực tuyến ‘Văn chương muôn màu’…

Cùng 'Tiêu dao miền thơ phú'. Ảnh: Bình Thanh.
Cùng 'Tiêu dao miền thơ phú'. Ảnh: Bình Thanh.

Nhờ đó, chỉ cần ngồi tại chỗ, độc giả vẫn có thể khám phá, trải nghiệm và thu nạp nhiều tài liệu hữu ích.

Mở trang archives.org.vn/vanchuongmuonmau và bấm chuột, khung cảnh làng quê Việt Nam nửa cuối thế kỷ 18, đầu thế kỷ 19 rất đỗi thanh bình, yên ả hiện ra. Dòng sông trong vắt, thảm cỏ xanh mượt, đường đất quanh co dẫn lối đến để gặp những văn nhân tài danh.

Với 3 điểm dừng, sau khoảng sân có nắng mới sớm mai xiên qua mái nhà, bức tường nhuộm màu thời gian, hàng cau, vườn chuối, giếng nước, cây rơm… là những tấm áp phích kể chuyện về 12 danh sĩ: Cao Bá Quát, Phạm Đình Hổ, Nguyễn Công Trứ (nhóm 1); Nguyễn Xuân Ôn, Nguyễn Trường Tộ, Nguyễn Quang Bích, Phan Châu Trinh, Phan Bội Châu (nhóm 2); Nguyễn Khuyến, Nguyễn Đình Chiểu, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương (nhóm 3).

Ngoài phần tóm lược tiểu sử và thành tựu về văn chương, các câu chuyện được kể ở đây tập trung hé lộ nhiều dẫn chứng xác thực qua văn bản khai thác từ Châu bản triều Nguyễn. Đó có thể là bước ngoặt trong cuộc đời hay những đóng góp của họ cho đất nước, cùng mời gọi mọi người khám phá để có thể chiêm nghiệm, suy ngẫm.

Ngưỡng mộ tài đức

Thật ngưỡng mộ khi đọc bản tấu ngày 28 tháng 12 năm Minh Mạng thứ 7 (1826) của Phạm Đình Hổ (1768-1839) - người viết “Vũ trung tùy bút”, “Tang thương ngẫu lục” (viết chung với Nguyễn Án) - về việc ông được bổ chức Thự Tế tửu Quốc Tử Giám. Dù cảm tạ ân trên song ông tỏ ý khiêm nhường, lo không tròn chức phận mà đề nghị vua “rút lại chức trách”.

Châu bản triều Nguyễn ghi lại năm Minh Mạng 10 Nguyễn Công Trứ dâng sớ xin lập quy ước đối với làng xóm mới lập. Ảnh: Bình Thanh.

Châu bản triều Nguyễn ghi lại năm Minh Mạng 10 Nguyễn Công Trứ dâng sớ xin lập quy ước đối với làng xóm mới lập. Ảnh: Bình Thanh.

Dù cuộc đời quan trường có nhiều thăng trầm nhưng Nguyễn Công Trứ luôn dốc sức, dốc lòng, kể cả khi tuổi cao sức yếu. Ví như, năm Minh Mạng 21 (1840), hay tin thổ phỉ gây rối ở Trấn Tây, ông liền xin cầm quân đi đánh dẹp: “Thần nay đã 69 tuổi, sức lực tuy bất cập. Nay thổ phỉ gây rối ở Trấn Tây. Địa thế hạt ấy mênh mông, lại chia nhiều ngả. Thần xin được đến Trấn Tây, theo các viên tướng đánh dẹp. Lại xin đem bọn thổ ty đến quân thứ quản thúc nghiêm ngặt, rồi bảo bọn chúng viết thư bảo con em, thân quyến của chúng dẫn bọn thổ dân về đầu thú” (Châu bản triều Nguyễn, triển lãm trực tuyến “Văn chương muôn màu”).

Ông tấu: “Thần phụng chỉ thăng Thự Tế tửu Quốc Tử Giám, vừa nghe tin báo mà mừng lo đan xen. Thần thẹn bởi chỉ là kẻ hàn nho, đường khoa hoạn khốn ách gian nan, phong trần lưu lạc, ốm bệnh dần thêm, nay đội thiên ân mà được thu dụng. Nội trong một tháng mà lại 5 lần được nhận ơn, thực khắc cốt nhờ vinh, vỗ ngực cảm khái. Duy bởi đột ngột lên chức cao, lại nhiều lần nhận được lộc hậu mà lòng thấp thỏm lo sợ.

(…) Thần cúi trông thánh thượng chọn người, rút lại chức trách đã giao cho thần, lại chọn bậc thuần sư khác, xét đức dụng, đặng làm khuôn thước cho kẻ sĩ, khiến họ đều chịu ơn thâm tạo mà kẻ tiểu thần này cũng tránh được lỗi chẳng tròn chức phận”. Đương nhiên, trước một bề tôi hiền đức như thế, bậc minh quân sẽ chẳng thể đồng tình mà nhã nhặn động viên, gửi gắm: “Hãy cố gắng nhận chức”.

Từ bài thơ “Bài ca ngất ngưởng” được học ở phổ thông, nhiều người biết về Nguyễn Công Trứ (1778-1859). Ông làm quan trải qua ba đời vua triều Nguyễn: Minh Mạng, Thiệu Trị và Tự Đức, là nhân vật lỗi lạc trong nhiều lĩnh vực với nhiều công trạng kinh bang tế thế.

Nhưng để được tiếp cận cụ thể với các thành tựu đó của ông thì không phải ai cũng có điều kiện. Dịp này, bước vào triển lãm trực tuyến “Văn chương muôn màu”, mọi người được đọc không ít văn bản minh chứng về điều này.

Ví như, khi khai khẩn vùng đất Tiền Hải, để ổn định đời sống của người dân ở đây, ông liền dâng sớ xin lập quy ước với làng xóm mới “để kiểm tra và đưa vào khuôn phép, lâu dần sẽ thành phong tục” (năm Minh Mạng 10, 1829). Cụ thể: “1 là đặt nhà học; 2 là đặt xã thương (kho thóc xã); 3 là siêng năng dạy bảo; 4 là cẩn phòng thủ; 5 là chăm khuyên răn.

Nay huyện Tiền Hải xin do trấn Nam Định, huyện Kim Sơn xin do đạo Ninh Bình sao lục điều nghị bàn trước đây gửi cho các lý trưởng, chánh tổng để họ biết mà tuân theo”.

Có thể thấy, trong 5 quy ước với làng xóm mới lập được Nguyễn Công Trứ dâng lên thì ngay từ điều đầu tiên đã nhắc đến việc “đặt nhà học” cùng với 2 điều sau nhắc đến việc dạy dỗ, khuyên bảo. Rõ ràng, với ông, việc giáo dục cho dân biết điều hay lẽ phải, đi vào nề nếp, mở mang kiến thức là điều vô cùng quan trọng.

Với lãnh tụ cuộc khởi nghĩa chống Pháp tại vùng Tây Bắc - Nguyễn Quang Bích (1832 - 1890), năm 1875, ông được vua Tự Đức giao duyệt bộ sách “Khâm định Việt sử”.

Lúc đó ông đang là tế tửu Quốc Tử Giám và được đình thần ban văn tâu: “Nay phụng xét các quan ở Quốc Tử Giám đều là khoa bảng xuất thân, văn học khả thủ, trong đó có Nguyễn Quang Bích am thông kinh sử, đối với việc làm sách quả là phù hợp”.

Khi là sứ thần sơn phòng Hưng Hóa, trước việc thưởng phạt quân địa phương trong mộ khẩn đinh điền, ông gửi tờ tư và được bộ Hộ tâu lên rằng: “Theo sứ thần sơn phòng Hưng Hóa Nguyễn Quang Bích, vùng đất đó xa xôi chướng khí, lính khẩn điền nhiễm cảm chết nhiều nên chưa được hiệu quả, vậy xin chờ đến tháng 3 sang năm xem xét”.

Rõ ràng, nếu không phải là người sát sao, tận tụy với công việc và thấu hiểu, chia sẻ với nỗi cực nhọc của lính khẩn điền thì ông không thể đưa ra ý kiến công bằng, thuyết phục như thế.

Sơ đồ điểm đến tham quan 'nhà' các danh sĩ ở phần 1 triển lãm trực tuyến 'Văn chương muôn màu'. Ảnh: Bình Thanh.

Sơ đồ điểm đến tham quan 'nhà' các danh sĩ ở phần 1 triển lãm trực tuyến 'Văn chương muôn màu'. Ảnh: Bình Thanh.

Không ít hiểm họa

Tài thơ có thể mang đến tiếng tăm nhưng cũng có thể gây ra không ít hiểm họa. Nhiều vụ án liên quan đến ngôn từ xảy ra ở trong và ngoài khoa cử cũng được Châu bản triều Nguyễn ghi lại và thể hiện ở phần 3: “Hiểm địa” của ngôn từ tại triển lãm trực tuyến “Văn chương muôn màu”.

Trong khoa cử, phổ biến hơn cả là những bản tấu về thí sinh phạm húy ở các kỳ thi. Văn bản năm Tự Đức thứ 3 (1850) đưa ra quy định: “Theo điều lệ trường thi, phàm gặp chữ húy, lúc làm văn cần đổi dùng chữ khác. Nếu có người phạm húy thì chiếu luật “vi chế” trừng trị. Các chữ cần thêm nét, nếu lầm mà phạm húy cũng theo lệ trừng trị”. Văn bản năm Thành Thái thứ 6 (1894), ghi: “Phạm khoản nặng trong nội quy trường thi, truyền cho đánh trượt để nghiêm túc trường quy”.

Cụ thể: Bộ Lễ tâu về việc nhận được tập tâu của Khâm sai trường thi Nghệ An. Theo đó, các quyển thi Cử nhân, Tú tài trường thi đó đã được Bộ cùng Nội các, Viện Đô sát phúc duyệt, tâu trình. Một số trường hợp bị xử lý vì văn phạm húy. Một số trường hợp có cha bị cách chức mà trong quyển khai lại lược đi hai chữ “bị cách”, cần xóa khỏi dánh sách Cử nhân, Tú tài để răn dạy kẻ dối trá giả mạo.

Ngoài ra, trường hợp năm Minh Mạng thứ 7 (1826), Bộ Lễ tâu về việc, Giám sinh Đặng Tế Mĩ mang văn tự vào trường thi, bị đóng gông một tháng, đánh 100 trượng và cách bỏ khỏi sổ Giám sinh.

Và trong các vụ án văn chương khoa cử thì không thể không nhắc đến vụ án năm Thiệu Trị thứ 1 (1841) ở trường thi Thừa Thiên. Đó là vụ việc hai viên sơ khảo là Cao Bá Quát và Phan Thời Nhạ ngầm lấy muội đèn làm mực chữa văn của thí sinh gồm 24 quyển.

Lật lại châu bản cũng thấy nhiều trang ghi cụ thể về vụ việc khi được tra xét: “Căn cứ tập tâu của Ngự sử Vũ Danh Trì, giám sát công việc trường thi Thừa Thiên trình rằng, viên đó ở ngoài trường kiểm tra thấy Chánh phó Chủ khảo Bùi Ngọc Quỹ và Trương Tiến Nhiệm sức cho sơ khảo bên trong trường là Cao Bá Quát lưu lại ngoài trường viết bảng. Đối chiếu trường quy không hợp lệ.

Lại căn cứ tập tâu của cấp sự trung Hồ Trọng Tuấn trình rằng, viên đó ở trong trường kiểm tra, biết sơ khảo Cao Bá Quát lén đến phòng của phân khảo Nguyễn Văn Siêu ở đến đêm, chưa về phòng mình.

Không gian 'nhà' Cao Bá Quát trong triển lãm trực tuyến 'Văn chương muôn màu'. Ảnh: Bình Thanh.

Không gian 'nhà' Cao Bá Quát trong triển lãm trực tuyến 'Văn chương muôn màu'. Ảnh: Bình Thanh.

Lại nghe sơ khảo Phan Thời Nhạ nói rằng Cao Bá Quát phân duyệt các quyển thi, có viết thêm 9 chữ vào chỗ bỏ sót, nhận dạng đó là chữ của Cao Bá Quát. Quyển thi đó trường ngoài đã xếp vào hạng Cử nhân”.

Ngoài khoa cử, châu bản ghi lại vụ: Đoàn Trưng cùng với Đoàn Hữu Ái, Đoàn Tú Trực, Trường Trọng Hòa, Phạm Lương kết hội Đông Sơn thi tửu (1866), ngầm mưu việc lật đổ vua Tự Đức để lập Đinh Đạo (tức Nguyễn Phúc Ưng Đạo – con trai trưởng của anh vua Tự Đức là Nguyễn Phúc Hồng Bảo) lên ngôi. Theo đó, Đoàn Hữu Trưng cùng các nhân vật trọng yếu đều bị lăng trì bêu đầu, bắt thân thuộc, tịch thu gia sản để sung công.

Nhất là, vụ việc khi nổ ra loạn Lê Văn Khôi (con nuôi của Lê Văn Duyệt), năm 1835, Tả tướng quân cũng bị luận tội. Trong lời đình nghị dâng lên vua Minh Mạng với 7 tội đáng chém, 2 tội đáng xử thắt cổ chết thì có cả tội “nói với người ta về việc xin được thơ tiên giáng bút có câu “Trần Kiều” và “Hoàng bào””.

Văn bản năm Minh Mạng 14 (1833) ghi Nội các tâu về vụ án xử Lê Văn Duyệt: “Cung nghĩ phụng chỉ: Cố Lê Văn Duyệt vốn đại thần thống lĩnh việc quân, cậy công kiêu ngạo làm càn, ở ngôi cao mà ngầm nuôi lòng gây họa đến nỗi tạo thành vụ án lớn. Tội của y không chỉ là mầm mống mà thôi, đợi sau khi giáng chỉ thi hành”.

Cùng với đó, trong châu bản cũng lưu văn bản về việc triều đình phục hồi danh dự cho Lê Văn Duyệt. Đó là, năm Tự Đức 18 (1865), Phan Thanh Giản tâu về việc đình thần tuân lệnh đem công lao, tội trạng của Lê Văn Duyệt đã quá cố, làm tập tâu phúc trình, xét thấy ông từ lâu bị xử tội nặng.

Nay nên chăng được khai phục nguyên hàm, nhưng không liệt vào hàng được thờ để tỏ rõ sự phân biệt. Đến năm Tự Đức 21 (1868), Nội các tâu về việc năm ngoái Đình thần làm tập trình về công và tội của các viên quá cố, xin khai phục phẩm hàm cho họ.

Trong đó có Nguyễn Văn Thành, Lê Văn Duyệt, Đặng Trần Thường, Lê Chất. Theo bản tâu, các viên công thần đó đều có công lao, từ khi đắc tội đến nay đã qua nhiều năm.

Triển lãm trực tuyến “Văn chương muôn màu” do Trung tâm lưu trữ Quốc gia I thực hiện, lần đầu công bố hơn 200 tài liệu được khai thác từ Châu bản triều Nguyễn và vẫn đang “đón khách”. Bước vào triển lãm, cùng với việc gặp gỡ các danh sĩ, nghe chuyện “Hiểm địa” ngôn từ, mọi người còn được “Tiêu dao miền thơ phú” – thưởng thức những câu thơ của các vị vua Nguyễn cũng như thấy được phần nào phút giây vua - tôi cùng xướng họa… Một đời sống văn học với nhiều sắc thái: Đẹp - bi - cao cả ở thời Nguyễn như đang hiển hiện.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Khôi phục mộc bản triều Nguyễn bằng công nghệ 3D.

Khôi phục mô hình 3D mộc bản triều Nguyễn

GD&TĐ - Các mô hình học máy sau khi được huấn luyện sẽ học cách xây dựng các mô hình 3D mộc bản bị mất từ bản in 2D đang được lưu trữ, để phục dựng lại.