Học ăn, học nói…
Sau khi được hướng dẫn một số kiến thức cơ bản khi tham gia giao thông, cách đội mũ bảo hiểm, quy định giao thông dành cho người đi bộ và đi xe máy… các bé khối Mẫu giáo Lớn và Nhỡ của Trường Mầm non Bình Minh (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) được thực hành ngay. Trên đường đi qua siêu thị và khu vui chơi ngay gần trường, các bé tập được cách quan sát khi sang đường, tuân thủ tín hiệu giao thông, đi đúng làn đường dành cho người đi bộ.
Cũng nội dung an toàn giao thông, các bé Trường Mầm non Ngọc Lan (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) được tổ chức chơi ngay trong sân trường với các loại xe đạp 3 bánh, xe chở hàng... Chơi để học, bé được cô hướng dẫn cách đậu, đỗ xe đúng vị trí theo vạch đã kẻ sẵn, biết dừng xe khi có hiệu lệnh của “chú cảnh sát” nhập vai… Vào siêu thị, các bé học cách xếp hàng đợi tính tiền, biết chọn những món đồ mà mình cần mua mà không làm lộn xộn kệ hàng.
Mỗi tháng một lần, Trường Mầm non Cẩm Vân (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) đều tổ chức tiệc buffet cho trẻ ở các độ tuổi. Cô Trần Thị Như Lai – Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: “Bữa ăn tổ chức theo hình thức buffet sẽ là cơ hội cho trẻ hình thành nhiều kỹ năng xã hội. Trẻ sẽ được hình thành nhiều thói quen văn minh trong ăn uống như lấy vừa đủ thức ăn, biết xếp hàng, biết nhường nhịn, đợi chờ; biết tự phục vụ bản thân như lấy đúng các món ăn theo sở thích…”.
Trong khi ngồi ăn, các bé được dặn dò không được trò chuyện, chơi đùa, không làm rơi vãi thức ăn, biết hỗ trợ cho bạn nếu bạn không gắp được thức ăn, ngoài thìa, biết sử dụng dĩa, nĩa…”. Nhìn những bé 3-4 tuổi đã biết xếp hàng chờ đến lượt mình, không lấy quá nhiều thức ăn cho mình mới thấy bài học “học ăn, học nói, học gói, học mở” phải được rèn luyện từ khi còn nhỏ.
Học sinh Trường Mầm non Bình Minh (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) trải nghiệm thực tế về an toàn giao thông |
Với bữa ăn hạnh phúc, trẻ lớp Lớn và lớp Nhỡ của Trường Mầm non Bình Minh được bố trí ngồi theo từng bàn ăn. Các món ăn được bày biện như bữa ăn tại gia đình. Thay vì suất ăn được chia vào từng tô cho trẻ, trẻ sẽ tự lấy thức ăn vừa đúng với nhu cầu ăn của mình.
Với bữa ăn hạnh phúc, trẻ học được cách quan tâm, chăm sóc người khác, học được cách tự phục vụ các nhu cầu của bản thân, các kỹ năng vận động như cầm, nắm, gắp thức ăn… cũng được rèn luyện. Sau giờ ăn, trẻ tự thu dọn bát, đĩa bỏ vào chậu giúp các cô.
Tùy theo từng khối lớp, học sinh Trường Tiểu học Lê Lai (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) sẽ được thi các kỹ năng tự phục vụ thông qua trò chơi. Học sinh lớp Một thi mặc đồng phục nhanh. Học sinh khối lớp 2 sẽ thi gấp áo quần nhanh với 3 bộ khác nhau: áo quần đi chơi, đồng phục và áo quần mặc ở nhà. Nội dung thi tưởng chừng như đơn giản nhưng không phải học sinh nào cũng thành thạo vì ở nhà thường được bố mẹ, ông bà làm giúp cho.
Phải phù hợp với tâm lý lứa tuổi
Cô Phạm Thị Thùy Loan, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Huệ (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) cho biết, nội dung của chương trình kỹ năng sống trong các trường học chủ yếu tập trung vào ba mảng. Nhóm kỹ năng nhận biết và sống với mọi người như giao tiếp có hiệu quả, giải quyết mâu thuẫn, thương lượng, từ chối, bày tỏ sự cảm thông, hợp tác...
Nhóm kỹ năng nhận biết và sống với chính mình gồm tự nhận thức, xác định giá trị, ứng phó với căng thẳng, tìm kiếm sự hỗ trợ, tự trọng, tự tin,... Nhóm kỹ năng cuối cùng là kỹ năng ra quyết định một cách có hiệu quả như tìm kiếm và xử lý thông tin, tư duy phê phán, tư duy sáng tạo, ra quyết định, giải quyết vấn đề...
Theo cô Loan, bên cạnh chương trình chính khóa thì giáo dục kỹ năng sống là không thể thiếu để trang bị cho học sinh, nhất là trong thời buổi công nghệ phát triển mang theo nhiều mặt trái, các em cần có kiến thức nhất định để xử lý các tình huống gặp phải, ứng xử để bảo vệ và hoàn thiện mình… Tuy nhiên, để đảm bảo hiệu quả thì nội dung cũng như các tình huống thực hành, trải nghiệm phải phù hợp với độ tuổi của học sinh.
Bài tập thực hành về văn hóa ứng xử, Lớp Kỹ năng sống tại Trường THCS Nguyễn Huệ. |
Một nội dung mà các trường THCS, THPT rất chú trọng trong giáo dục kỹ năng sống cho học sinh đó là an toàn trên mạng xã hội. Từ thực tế của quá trình triển khai, cô Phạm Thị Thùy Loan nhận xét: “Các em thường cho rằng những nguy hiểm từ mạng như: bạo lực, gây nghiện, lừa đảo,... các em đều đã biết và có đủ kỹ năng bảo vệ an toàn cho bản thân mình.
Mạng xã hội sẽ chỉ là nơi để các em giao lưu, chia sẻ, tìm hiểu, giải trí,... chứ không thể là nơi có thể gây nguy hiểm cho các em. Vì vậy HS khá dễ dãi với việc chia sẻ thông tin cá nhân, trêu chọc và đánh đố nhau trên mạng, tự do chia sẻ và bình luận thiếu suy nghĩ, thoả trí tò mò về những nội dung không phù hợp độ tuổi,...”.
Thế nhưng, khi được nghe những câu chuyện cụ thể, có thật ngay xung quanh các em về mối nguy hiểm và hậu quả không an toàn từ mạng xã hội như là: bạo lực, xâm hại tình dục, ảnh hưởng tâm lý,... các em lại tỏ ra khá bất ngờ, thậm chí là không tin được vào những câu chuyện như thế.
“Quá trình trao đổi cởi mở giữa cô và trò về các vấn đề như vậy giúp các em có những góc nhìn mới theo hướng đúng đắn và tích cực, từ đó tự giác trang bị thêm cho mình kiến thức và kỹ năng cần thiết để bảo vệ” – cô Loan nhận xét.