5 kỹ năng cha mẹ cần dạy để con có thể sống trong bất cứ hoàn cảnh nào

GD&TĐ - Rèn luyện kỹ năng sống cho trẻ là nhiệm vụ vô cùng quan trọng, ảnh hưởng đến quá trình hình thành và phát triển nhân cách sau này của trẻ nhỏ.

Cha mẹ cần dạy cho con trẻ làm việc nhà phù hợp với lứa tuổi (hình minh họa).
Cha mẹ cần dạy cho con trẻ làm việc nhà phù hợp với lứa tuổi (hình minh họa).

Chính vì vậy, trẻ cần được trang bị kỹ năng sống để định hướng phát triển cá nhân một cách tốt nhất, đặc biệt là giai đoạn từ mầm non cho đến tiểu học.

Giữ gìn sức khỏe

Không bao giờ là quá sớm để con bạn bắt đầu học cách giữ sức khỏe và giữ vệ sinh. Cha mẹ luôn luôn nhắc nhở con cái đi tắm, đánh răng, rửa tay và thay quần áo nhưng lại không bao giờ giải thích tại sao trẻ nên làm những việc này. Hãy giải thích cho trẻ tại sao giữ sức khỏe và giữ vệ sinh luôn là nhiệm vụ quan trọng mỗi ngày.

Khi con bạn bắt đầu học kỹ năng này, hãy lập ra một bảng theo dõi cho phép trẻ đánh dấu vào từng nhiệm vụ trẻ đã hoàn thành. Khi những thói quen tốt này được thiết lập theo thời gian, hãy bỏ bảng theo dõi và trẻ sẽ thực hiện danh sách việc trong ngày mà cha mẹ không cần phải nhắc nhở liên tục.

Tự đưa ra quyết định

Đưa ra các quyết định đúng đắn là một kỹ năng sống mà mọi trẻ nên học ở lứa tuổi còn nhỏ. Hãy bắt đầu với việc đưa ra những quyết định đơn giản cho trẻ như chọn kem vị chocolate hay kem vị vani, tất màu xanh hay màu trắng, chơi tàu hỏa hay chơi xe hơi.

Khi đến lứa tuổi học tiểu học, trẻ có thể bắt đầu học về phần thưởng của những quyết định đúng đắn và hệ quả của những quyết định sai lầm.

Học nấu ăn

Nấu ăn là một kỹ năng mà trẻ hoàn toàn có thể rèn luyện trước khi bước vào đại học. Khi chúng ta cho trẻ tham gia vào quá trình nấu ăn, trẻ sẽ không chỉ học được một kỹ năng quan trọng mà còn tìm thấy niềm vui và sự sáng tạo.

Học nấu ăn sẽ giúp các em ăn uống một cách có ý thức. Trong quá trình học nấu ăn, trẻ em sẽ tiếp xúc với thực phẩm thô và nguyên liệu tự nhiên. Khi đó, cha mẹ sẽ dễ dàng giải thích cho các em hiểu những đồ ăn chế biến sẵn có hại cho sức khỏe như thế nào.

Quản lý tiền bạc

Trong bối cảnh các khoản vay, thẻ tín dụng hay mua hàng trả góp "mời gọi" khắp nơi, chúng ta rất dễ rơi vào các khoản nợ bất tận. Vì vậy, giáo dục trẻ em về quản lý tiền bạc là rất quan trọng để chuẩn bị cho tương lai của các em.

Cha mẹ có thể giải thích cho con về tài chính của gia đình hay giá cả các mặt hàng tại siêu thị. Khi trẻ em hiểu được rằng tiền của gia đình chỉ có giới hạn, các em sẽ học cách suy nghĩ kỹ trước khi quyết định chi tiêu cho một món đồ nào đó.

Nhiều gia đình dùng tiền thưởng để cho trẻ em có cơ hội có một khoản tiền riêng của mình. Với số tiền đó, trẻ sẽ có thể thực hành quản lí tài chính, tiết kiệm để mua món đồ yêu thích hoặc theo đuổi một kế hoạch nào đó.

Quản lý thời gian

Phụ huynh hiểu rằng quản lý thời gian quan trọng ra sao để giữ cho gia đình đi vào nề nếp. Tuy nhiên, học cách quản lý thời gian cũng rất quan trọng đối với trẻ. Dạy trẻ nhỏ cách phân chia thời gian, bám sát nhiệm vụ và làm theo thời gian biểu không chỉ giúp cha mẹ cảm thấy tốt hơn mà việc học hỏi kỹ năng này cũng giúp trẻ biết làm chủ thời gian để trẻ có thể làm mọi việc từ thức dậy đúng giờ cho tới một ngày nào đó là đi làm đúng giờ.

Trong thời buổi trẻ tiếp xúc với xã hội sớm như ngày nay, giáo dục kỹ năng sống cho trẻ thực sự rất cần thiết. Việc hình thành các kỹ năng cơ bản trong học tập và sinh hoạt như trên không chỉ mang lại lợi ích về mặt sức khỏe mà còn giúp các em sớm có ý thức để làm chủ bản thân, sống tích cực và hướng đến những điều lành mạnh cho chính mình cũng như xã hội.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Truyện ngắn: Mẹ và vợ

Truyện ngắn: Mẹ và vợ

GD&TĐ - Gã thuộc mẫu người hướng ngoại: Ưa bay nhảy, thích gặp gỡ kết giao, trà dư tửu hậu với bạn bè hơn đoàn tụ chuyện trò cùng anh em, cha mẹ, vợ con.