Giành học bổng với hồ sơ không “đánh bóng”!
Được một người bạn đã từng tham gia Chương trình học bổng được Honeywell Hometown Solutions phối hợp với USSRC tổ chức năm 2017, Thu Hà mạnh dạn làm hồ sơ đăng ký tham gia. Điều khiến Hà “lăn tăn” nhất chính là các bài luận. “Lúc đầu, tôi cứ nghĩ rằng phải “đánh bóng” bài luận thì may ra mới đạt. Nhưng sau tôi hiểu ra rằng, ban tổ chức muốn các ứng viên nói thật tất cả những trải nghiệm trong công việc hàng ngày và bày tỏ mong muốn phát triển gì qua chương trình Honeywell.
Và tôi quyết định kể về những gì tôi đã trải qua với Câu lạc bộ STEM tại Trường THCS Trưng Vương” – Thu Hà kể lại. Trong bài luận, Thu Hà cũng bày tỏ mong muốn nếu giành được học bổng đi Mỹ, đó là: Học tiếng Anh và đi để thay đổi tư duy về STEM, đem hết những kiến thức, tư duy học tập được về triển khai ở trường.
Được biết, Thu Hà về dạy tại Trường THCS Trưng Vương từ năm 2013. Ngay khi về trường, Hà cùng một số giáo viên đã thể hiện sự đam mê đổi mới trong giảng dạy, tìm mọi cách để giờ học lý thuyết trên lớp không khô cứng, cho học sinh chuẩn bị nguyên liệu và biến bài lý thuyết trở thành một bài thực hành, học sinh được trực tiếp làm.
Thu Hà cho rằng, cô may mắn nhận được sự động viên, ủng hộ của Ban Giám hiệu, đặc biệt là cô Hiệu trưởng Trần Thị Thanh Thảo. Khi phát hiện có một tốp giáo viên đang loay hoay để thay đổi phương pháp dạy học, cố gắng làm học sinh yêu thích môn học của mình hơn bằng một phương pháp giảng dạy mới, cô Hiệu trưởng đã ủng hộ, đồng ý phát triển rộng hơn với những văn bản chỉ đạo toàn trường.
Và sau 3 năm đầu tiên loay hoay, cuối cùng Thu Hà cùng các đồng nghiệp có một câu lạc bộ STEM ở trường, có một ngày hội riêng của mình. Thông qua ngày hội đầu tiên đó, mở ra một trang mới, STEM lan rộng ra tới tất cả các giáo viên dạy khoa học. Sau đó, “nâng tầm” phát triển thành các cuộc thi, học sinh rất phấn khích, thích thú tham gia. Và hiện tại, phong trào STEM đã lan rộng ra toàn trường THCS Trưng Vương.
Cô giáo Thu Hà nhận chứng chỉ tốt nghiệp |
Những giờ học thay đổi tư duy
“Ước gì mang được tất cả những giờ học bên Mỹ về Việt Nam” – Thu Hà phấn khích chia sẻ những trải nghiệm ấn tượng sau hai tuần học tập tại Mỹ. Hà kể, nếu ở Việt Nam khi hoạt động nhóm sẽ nghĩ ngay sắp xếp các con ngồi với nhau, sau đó cùng giải quyết một vấn đề. Nhưng cách tổ chức làm việc nhóm ở trại hè tại Mỹ đã thay đổi hoàn toàn tư duy của Hà.
Hà được sắp xếp cùng 14 giáo viên các quốc gia khác nhau thực hiện nhiệm vụ trong chương trình mô phỏng lên sao Hỏa và Mặt trăng. Trong nhiệm vụ lên sao Hỏa, các huấn luyện viên xếp Hà vào vị trí phi công, ngoài ra nhóm làm việc trên phi thuyền, nhóm làm việc khu vực hệ điều hành, nhóm làm nhiệm vụ nhà khoa học. Nhiệm vụ chỉ được hoàn thành khi cả đội đến được sao Hỏa.
Có nghĩa là nếu một thành viên không hoàn thành thì cả nhóm không hoàn thành nhiệm vụ. Và cả nhóm đều nhìn thấy rằng nếu để xảy ra một sai sót thôi như tàu vũ trụ đi lệch quỹ đạo thì tất cả những người ở phòng điều hành sẽ rất vất vả để đưa tàu vũ trụ quay lại quỹ đạo mong muốn. Thông qua cách làm việc nhóm như vậy sẽ hình thành cho mọi người ý thức và trách nhiệm cao hơn hẳn cách ngồi nhóm họp hành bàn thảo như kiểu truyền thống.
Hai tuần tại Mỹ của Thu Hà là thời gian “làm việc kín mít” từ 8 giờ sáng đến 8-9 giờ tối. Có hôm ăn xong ngay lập tức ra hoạt động kỹ năng sinh tồn ở dưới nước. Thu Hà thú nhận: “Tôi là học viên đuối nhất nhóm” trong giờ học này!
Thu Hà có vóc dáng khá nhỏ nhắn với chiều cao 1m50, trong thiết kế sinh tồn dưới nước cho người tối thiểu cao 1m60. Huấn luyện viên rất giỏi, họ phát hiện ngay ra điểm yếu và điểm mạnh của Thu Hà để từ đó sắp xếp vị trí trong các nhiệm vụ thích hợp. Biết Thu Hà sợ độ cao, huấn luyện viên đã cho cô nhiệm vụ ở trên cao để thay đổi bản thân, cải thiện điểm yếu. Nhưng cũng có nhiệm vụ Hà được phân công để phát huy sở trường. Thu Hà hiểu các huấn luyện viên muốn cô thêm tự tin và cũng hiểu rằng một số việc không đáng sợ như cô vẫn nghĩ.
Một thử thách khiến Hà phải “vật lộn” nữa chính là không biết bơi nhưng phải mặc áo phao, đội mũ trên đầu và bơi thoát ra khỏi thùng phi khi nó bị ngập dưới nước. Huấn luyện viên thấy Hà 3 lần bơi không ra nên lại hỏi cô có cần giúp đỡ không? Hà từ chối, quyết tâm thực hiện nhiệm vụ. Nhưng khi thấy Hà đuối quá, huấn luyện viên chủ động giúp cô.
Lúc đó, cả nhóm bơi rất xa rồi mà không thấy Thu Hà đâu nên đều quay lại và kéo cô bơi theo. “Tôi rất xấu hổ. Nhưng mọi người đều động viên: Bạn đừng lo, chúng ta là một gia đình, chúng ta phải có trách nhiệm giúp đỡ nhau. Đây là những điều rất nhân văn tôi học được qua giờ học sinh tồn dưới nước. Đó cũng là cái tôi học tập để ứng xử với học sinh của mình sau này” – Thu Hà chia sẻ.
Trở về sau 2 tuần học tập, Thu Hà nung nấu rất nhiều ý tưởng và cố gắng làm sao để phát triển được ở trường THCS Trưng Vương. Hiện trường đang xây dựng và Thu Hà cứ tưởng tượng ra khi trường xây xong, với phòng khoa học của trường, Hà sẽ tự tay sơn tường, trang trí phòng giống như một bảo tàng thu nhỏ của Honeywell. Hà cũng sẽ thiết kế những bài giảng tiếp thu những kiến thức học được từ Mỹ: Biến những cái khó nhất trở thành những cái hết sức đơn giản!