Trái cây rớt giá, chủ vựa “ngồi khóc trên đống lửa”!

Trái cây rớt giá, chủ vựa “ngồi khóc trên đống lửa”!

Xuống giá hàng chục lần

Trước Tết Nguyên đán, giá mít Thái 40.000 - 55.000 đồng/kg, nay giảm xuống còn 7.000 - 10.000 đồng/kg. Chủ vựa trái cây cũng không mặn mà thu mua.

Hộ trồng chôm chôm cũng rơi vào tình cảnh “dở khóc dở cười” khi trước Tết giá 25.000 - 35.000 đồng/kg nay chỉ còn khoảng 6.000 - 10.000 đồng/kg. Sầu riêng Ri 6 trước Tết giá 30.000 đồng/kg nay giảm còn 23.000 - 24.000 đồng/kg...

Theo một số chủ vựa, do dịch Corona, cửa khẩu xuất trái cây qua Trung Quốc bị ùn ứ. Không chỉ mít Thái, mà sầu riêng, mãng cầu, chôm chôm, dưa hấu, vú sữa cũng giảm giá, thương lái thu mua rất ít.

Ở huyện Phong Điền (TP Cần Thơ), giá chôm chôm chỉ còn 10.000 đồng/kg, trong khi trước đây 25.000 - 35.000 đồng/kg. Giá vú sữa giảm còn 7.000 - 9.000 đồng/kg. Khó bán cho thương lái nên người dân đành hái trái ra bán lẻ ở chợ.

Ông Trần Phúc Nghĩa, ở ấp Phước Định, xã Bình Hoà Phước, huyện Long Hồ (Vĩnh Long) cho biết, hôm nay giá chôm chôm Java chỉ còn 6.000 đồng/kg, nhưng thương lái chỉ mua cầm chừng 300 - 400 kg để bán nội địa. Trong khi vườn ông Nghĩa năm nay trúng mùa, sản lượng tầm 8 - 9 tấn.

Về vùng trồng thanh long ở huyện Càng Long (Trà Vinh), nhiều chủ vườn như “ngồi trên đống lửa” khi giá thanh long liên tục sụt giảm. Trong khi nhiều hộ vừa mới đầu tư hàng trăm triệu đồng cải tạo từ đất ruộng lúa sang đất trồng thanh long. “Tôi trồng 5 công (5.000m2) thanh long, bỏ ra hàng trăm triệu đồng để cải tạo đất và đầu tư hệ thống đèn, tưới nước, phân bón…

Nhưng nay thanh long rớt giá thảm hại như thế này có nước phá sản! Giờ đành bẻ trái chín đem ra chợ bán lẻ, nhiều nơi treo biển bán thanh long ‘3kg - 10.000 đồng’ khiến người trồng rơi nước mắt”, ông Lê Thành Được, chủ vườn thanh long ở xã Đức Mỹ, huyện Càng Long (Trà Vinh) than vãn.

“Vương quốc” mít Thái ở huyện Châu Thành (Hậu Giang) có gần 5.000ha trồng. Do dễ trồng, giá cả có lúc lên cao nên mấy năm nay phát triển nóng. Hiện mít đã chín tới mà giá quá thấp, thương lái ít thu mua.

Ông Đoàn Văn Hiếu, ở ấp Long Lợi A, xã Đông Phước A, Châu Thành có mấy trăm cây mít tới lứa thu hoạch. Ông Hiếu cho biết, từ Tết đến nay gia đình ông như ngồi trên đống lửa khi giá từ gần 40.000 đồng/kg xuống còn 5.000 đồng/kg. Hiện tại, giá mít có tăng chút ít, lên được khoảng 7.000 đồng/kg là mừng rồi. Hy vọng vài hôm giá sẽ lên nữa cho nông dân bớt khổ.

Cùng cảnh ngộ với ông Hiếu là ông Mai Văn Khuyên. Gia đình ông trồng 1,2 ha mít Thái đang cho trái với sản lượng vài tấn. Đã đến vụ thu hoạch, nhưng từ sau Tết đến nay giá rẻ khiến ông vô cùng lo lắng. “Giờ đem bỏ thì uổng nên bán tháo được đồng nào hay đồng đó. Nếu 1 tấn mít hồi trước Tết bán được từ 40 - 45 triệu đồng, giờ chỉ còn 4 - 5 triệu đồng, giảm cả chục lần!”, ông Khuyên nói.

Do ảnh hưởng của dịch Corona nên giá nông sản ở ĐBSCL xuống thấp
 Do ảnh hưởng của dịch Corona nên giá nông sản ở ĐBSCL xuống thấp

Phụ thuộc thị trường Trung Quốc

Theo chia sẻ của các chủ vựa trái cây thu mua mít thái, thanh long, có gần 90% sản lượng được bán sang Trung Quốc. Tuy nhiên, từ mùng 2 Tết, xe tải không sang được cửa khẩu nên không chỉ nông dân mà thương lái cũng bị ảnh hưởng. Mỗi thương lái trung bình một ngày xuất hơn chục container sang Trung Quốc nhưng giờ mua rất ít, chỉ yếu bán nội địa.

Cũng theo các chủ vựa, vấn đề giá cả cũng phụ thuộc phía thương lái Trung Quốc đưa ra mỗi ngày. Thông thường, buổi sáng chủ vựa nhận được điện thoại từ thương lái Trung Quốc báo giá. Sau đó, cho người xuống nông dân thu mua. Hiện phía Trung Quốc đang bị dịch nên ùn ứ, đình trệ…

Theo các tiểu thương mua bán trái cây ở TP Cần Thơ, họ cũng chịu cảnh khó mua bán vì dịch. Nhiều chủ vựa cho biết từ khi có dịch Corona, mặt hàng trái cây tiêu thụ chậm, giá cả giảm đáng kể. Bà Nguyễn Thị Thu, chủ vựa trái cây chợ Tân An, quận Ninh Kiều (TP Cần Thơ) cho biết: “Hằng năm vào thời điểm này giá cả trái cây luôn tăng cao, sản lượng cũng tăng do bà con xử lý cho trái nghịch vụ.

Tuy nhiên, năm nay ảnh hưởng của dịch Corona nên mặt hàng trái cây khó mua, khó bán. Lúc này, cung vượt cầu, giá trái cây giảm sâu nhưng lượng mua cũng giảm mạnh do người dân lo ngại dịch bệnh. Có lúc chúng tôi thu mua nhiều nhưng không bán hết đành lỗ vốn”.

Trong khó khăn mới thấy được tính hiệu quả trong liên kết làm ăn. Đặc biệt là sản phẩm nông sản chất lượng cao, đạt chuẩn xuất khẩu. Hợp tác xã Vườn cây ăn trái Trường Khương A, xã Trường Long, huyện Phong Điền (TP Cần Thơ) có 45ha trồng vú sữa đạt chuẩn VietGAP.

Đã tiêu thụ hết trong dịp Tết, bán với giá từ 22.000 - 35.000 đồng/kg. Trái vú sữa VietGAP của hợp tác xã được thu mua xuất khẩu vào thị trường Mỹ. Hiện nay, còn một số hộ ngoài hợp tác xã trồng vú sữa bán thông qua thương lái để xuất khẩu sang Trung Quốc thì rơi vào cảnh giá cả xuống thấp, có lúc chỉ còn 7.000 - 9.000 đồng/kg…

Còn tại huyện Chợ Lách (Bến Tre), trước tình hình nông sản rớt giá, nhiều nông dân mở rộng cửa đón du khách để giải quyết khó khăn trước mắt. Giá mỗi du khách vào tham quan vườn cây ăn trái là 50.000 đồng, chủ vườn cho khách ăn trái cây thoải mái. Với cách làm này người dân vừa có thể bán trái cây cho du khách, vừa thu được tiền vé vào vườn…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ